Theo SCMP, mới đây, các kỹ sư Trung Quốc cho biết họ đã phát triển một hệ thống thử nghiệm có thể giúp tàu siêu tốc tăng tốc tới 1.000 km/giờ nhờ di chuyển bên trong một đường ống chân không, nhanh hơn tốc độ của các tàu đệm từ hiện đang vận hành.
Tờ Science and Technology Daily đưa tin hôm 20/10 cho biết, các kỹ sư làm việc trong dự án ở miền trung Trung Quốc thông báo họ đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống tàu đệm từ chân không tốc độ siêu cao, bằng cách kết hợp công đường sắt và hàng không vũ trụ.
Nhóm nghiên cứu đến từ Tập đoàn Công nghiệp Khoa học Vũ trụ Trung Quốc (CASIS) thuộc sở hữu của nhà nước. Họ kỳ vọng rằng hệ thống tàu đệm từ mới này sẽ chạy trong một ống với cực kỳ ít không khí, có nghĩa là không khác gì tàu “bay trên mặt đất” và có tốc độ không kém cạnh so với máy bay.
Hình ảnh tàu siêu tốc chạy 1.000 km/h đang được thử nghiệm bởi Tập đoàn Công nghiệp Khoa học Vũ trụ Trung Quốc (CASIS).
SCMP cho biết, công nghệ này sẽ giúp giải quyết 2 vấn đề lớn nhất trong quá trình vận hành của tàu thông thường, đó là ma sát giữa bánh xe và đường ray, lực cản của không khí với thân tàu. Công nghệ đệm từ giúp loại bỏ ma sát, đồng thời vận hành tàu trong một đường ống chân không giúp giảm lực cản đó cũng như tiếng ồn.
Tuyến đường ống chân không này dài 2km, đang được thử nghiệm ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây và được lấy cảm hứng từ dự án Hyperloop của Elon Musk. Kế hoạch đã được đề xuất từ khoảng 1 thập kỷ trước với mẫu tàu được công bố vào năm 2018. Dù Hyperloop đã thu hút được nhiều vốn đầu tư, nhưng lại gặp một số thách thức về mặt kỹ thuật.
Song, Zhao Ming - trưởng Phòng Công nghệ đệm từ và Lực đẩy điện từ tại CASIC, lại khá lạc quan về công nghệ này. Ông chia sẻ: “Trung Quốc là quốc gia rộng lớn, với khoảng cách giữa các thành phố lớn có thể lên đến gần 1.000 km. Do đó, để tạo ra ‘vòng tròn kinh tế 1 giờ’ mang tầm cỡ quốc gia, thì chúng ta phải di chuyển với tốc độ 1.000 km/h.”
Chia sẻ về dự án, ông Zhao cho biết đoàn tàu sẽ “an toàn và ổn định như một chiếc máy bay” và “có thể hồi phục áp suất của đường ống chân không về mức bình thường chỉ trong 5 phút”.
Trung Quốc sử dụng công nghệ của Nhật Bản và châu Âu để phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc của mình. Tuy nhiên, CASIC cho biết họ đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho tuyến thử nghiệm ở Sơn Tây.
Sự phát triển của các dự án cơ sở hạ tầng như thế này phần nào được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của các vật liệu công nghiệp mới ở Trung Quốc. Ví dụ, đường ray đệm từ cần thép có độ thẩm từ thấp hoặc phản ứng không nhạy với từ trường, nếu không đường ray sẽ tạo ra dòng điện xoáy gây mất năng lượng trong quá trình hoạt động. Theo tờ China Metallurgical News, thép do công ty China Baowu Taigang sản xuất “hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn này”.
Tuy nhiên, Lu Gang - kỹ sư cấp cao của Trường Giao thông vận Tải thuộc Đại học Giao thông Bắc Kinh, lại lo ngại về công nghệ này. Theo ông, có những rủi ro khi xảy ra tai nạn như trật bánh hoặc phanh khẩn cấp, nên các kế hoạch an toàn phải được thiết lập kỹ lưỡng và nhận định tàu chưa thể được vận hành trong ngắn hạn.
Trước đó, vào tháng 8, Trung Quốc cũng cho ra mắt hệ thống tàu đệm từ “lơ lửng” đầu tiên trên thế giới ngay cả khi không có nguồn điện. Cụ thể, đường sắt thử nghiệm này dài 800m, được vận hành ở quận Xingguo, tỉnh Giang Tây, miền nam Trung Quốc. Tàu sử dụng nam châm cực mạnh chứa nhiều nguyên tố đất hiếm để tạo lực đẩy liên tục, đủ mạnh để nâng một đoàn tàu với 88 hành khách trên không.
Tàu đệm từ "lơ lửng trên không" đang được thử nghiệm ở tỉnh Giang Tây.
Không giống hầu hết các tuyến tàu đệm từ hiện có, đường ray treo này được lắp đặt cách mặt đất khoảng 10m, tàu không tiếp xúc vật lý với đường ray trong khi di chuyển với tốc độ 80 km/h. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Giang Tây, nhờ "lơ lửng tự do" và không có ma sát nên chỉ cần một lượng điện nhỏ để đẩy tàu.
Tham khảo SCMP