Nhân viên trạm thu phí BOT Rạch Miễu giải thích cho một tài xế khi họ thắc mắc về việc thu phí bất hợp lý tại trạm thu phí phụ (chiều 25-10) - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Không chấp nhận chuyện "thu bừa hơn bỏ sót"
Cho rằng việc thu phí với người dân từ phía tỉnh Tiền Giang qua cầu Rạch Miễu sang Bến Tre, không đi đến đoạn đang nâng cấp mở rộng là bất hợp lý, nhiều tài xế qua trạm BOT cầu Rạch Miễu có cùng bức xúc này.
Giải thích vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Sáu, trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, cho biết hai trạm thu phí này còn được gọi là trạm chống thất thu.
Cũng theo ông này, dù doanh thu mỗi trạm chỉ vài triệu đồng mỗi ngày nhưng không thể bỏ được, vì nếu bỏ thì xe sẽ chạy vào đường này né trạm rất nhiều, gây kẹt xe.
Cực lực phản đối cách giải thích như trên, bạn đọc Linh viết: "Trả lời như ông Sáu quá bất hợp lý. "Chống thất thu" là thà thu bừa hơn bỏ sót à? Làm gì có kiểu làm ăn như vậy được. Đề nghị di dời trạm qua vị trí khác, còn làm như vậy là quá vô lý".
Trong khi đó, bạn đọc tên Hưng hỏi: "Tại sao tôi phải trả tiền cho sản phẩm mà tôi không sử dụng? Căn cứ pháp lý nào để cho hợp pháp chuyện đó?".
Đi tìm câu trả lời vì sao mỗi ngày có 190 xe vượt trạm, bạn đọc Gia Dũng viết: "Thu phí con đường mà người ta không sử dụng thì người ta phản đối là đúng rồi. BOT dự án nào thì đặt trạm thu trên phần dự án đó. Không thể lấy lý do chống thất thu mà thu bừa như vậy được".
Là người dân, bạn đọc nick name Phieulang đặt tiếp câu hỏi: "Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu, sao lại để tình trạng này xảy ra liên tục mặc dù dân đã khiếu nại nhiều lần?".
Cuộc sống đã trở lại bình thường, ít thấy dân Việt Nam đeo khẩu trang dù ở nơi đông người - Ảnh: NAM TRẦN
Hơn 75% bạn đọc ủng hộ tuyên bố hết dịch
Liên quan đến đề nghị của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - về việc Việt Nam cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19, để hạn chế tốn kém nguồn lực cũng như sẵn sàng nếu bùng dịch hay dịch khác xuất hiện, Tuổi Trẻ Online tổ chức cuộc thăm dò để có câu trả lời chính xác từ bạn đọc.
Kết quả: có 75,2% ý kiến ủng hộ tuyên bố hết dịch, còn lại 24,8% cho rằng chưa nên vì các biến thể mới vẫn liên tục xuất hiện.
Đứng về số đông người ủng hộ hết dịch, bạn đọc Nguyen Phong viết: "Thực tế trong dân chúng đã coi COVID-19 như bệnh cúm mùa bình thường và bình thản đón nhận nó. Ngành y tế nên phân bổ nguồn lực để phòng chữa các bệnh lây truyền khác, tránh lãng phí, không hiệu quả".
Ủng hộ quan điểm này, bạn đọc Tuyết bổ sung: "Công bố hết dịch mới thu hút khách du lịch. Hai năm nay khách quốc tế ít lắm".
Với suy nghĩ nếu công bố hết dịch sẽ tạo tâm lý chủ quan, bạn đọc Nguyễn Văn Đông viết: "Trên thế giới vẫn còn nhiều nước bùng phát dịch, mà người Việt hiện nay đi nước ngoài rất nhiều, người nước ngoài cũng vào Việt Nam rất nhiều, do đó theo tôi chưa vội".
Đưa ra ý kiến dung hòa, bạn đọc Mo Mo viết: "Trên thực tế vẫn có rất nhiều người nhiễm COVID-19, nhưng vì có thể tự mua thuốc uống và hết trong vòng trên dưới một tuần nên không khai báo. Còn hậu COVID-19 thế nào thì không biết, nhưng bây giờ có rất nhiều người cảm thấy sức khỏe yếu hơn. Mong giới chuyên môn nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này".
Hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh - Ảnh: DANH TRỌNG
Đừng hy vọng "mùi hoa sữa sẽ át mùi rác"
Ngày 26-10, một lãnh đạo Ban quản lý dự án quận Đống Đa (thuộc UBND quận Đống Đa) cho biết quận này đang đề nghị các cơ quan của TP Hà Nội cho phép di chuyển khoảng 80 cây hoa sữa ở phố Nguyễn Chí Thanh, thay thế bằng các cây khác phù hợp hơn nhằm hạn chế mùi hương quá nồng.
Đây không phải lần đầu tiên cây hoa sữa - loại cây có mùi hương một thời đi vào thơ ca - gây phiền phức!
Trước đó, vào tháng 7-2019, trước phản ảnh mùi hoa sữa tỏa hương khiến môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng, Hà Nội đã bứng hạ và di chuyển hàng loạt cây hoa sữa tại đường Trích Sài (Tây Hồ) lên trồng tại bãi rác Nam Sơn với mục đích "mùi hoa sữa sẽ át mùi rác".
Năm 2015, các tuyến đường nội thành Quy Nhơn cũng chặt bỏ hơn 3.000 cây hoa sữa vì mùi hương nồng nặc.
Xa hơn, vào năm 2006 Hội An cũng triệt hạ 167 cây hoa sữa trồng chủ yếu ở 3 trục đường Phan Châu Trinh, Hai Bà Trưng, Bà Triệu do mùi hương quá đậm đặc, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Không bàn cãi về mức độ đậm đặc của loài cây mang đặc trưng của không khí lạnh, nhiều bạn đọc ủng hộ việc di dời để hạn chế mùi hương quá nồng của hoa sữa.
"Mình không dị ứng mùi hoa sữa nhưng một vài người sẽ rất dị ứng, khó chịu. Ủng hộ di dời để trồng cây khác phù hợp hơn" - bạn đọc Ho Quoc Tri viết.
Tuy nhiên, với mục đích di chuyển hoa sữa đến trồng ở những bãi rác để hy vọng "mùi hoa sữa sẽ át mùi rác", theo một số bạn đọc, ý kiến này cần nên xem lại!
Về ý này, bạn đọc Minh Anh viết: "Trời ạ, nghĩ sao vậy? Hai mùi này mà gần nhau có nước trốn luôn. Tôi ủng hộ trồng hoa sữa ít lại sẽ tốt, còn mang ra bãi rác trồng ào ạt có khi lại là lợi bất cập hại ấy"!
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì? Theo bạn, việc trồng cây hoa sữa ở các bãi rác mang lại mục đích "mùi hoa sữa sẽ át mùi rác? Bạn có ủng hộ Việt Nam tuyên bố hết dịch COVID-19?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Thăm dò ý kiến
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đề nghị tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19 để hạn chế tốn kém nguồn lực cũng như sẵn sàng nếu bùng dịch hay dịch khác xuất hiện. Bạn:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.