Đây là thông tin được ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý thu, sổ - thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), cho biết tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 26.10.
Các doanh nghiệp tại Hà Nội nợ bảo hiểm xã hội ký nhận quyết định thanh tra L.Ngọc |
Theo ông Đinh Duy Hùng, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 14.577 tỉ đồng, chiếm 3,38% số phải thu.
Mặc dù Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra tình trạng nợ đọng và chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, song việc chậm đóng vẫn còn diễn ra tương đối phổ biến ở tất cả các loại hình doanh nghiệp.
Nguyên nhân của tình trạng này từ nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của một số doanh nghiệp chưa cao; cố tình để nợ kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động trong việc thụ hưởng các chính sách an sinh.
Nhằm giảm số tiền chậm đóng, đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, ông Đinh Duy Hùng cho hay, trong các tháng cuối năm 2022, toàn ngành bảo hiểm xã hội sẽ tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho người lao động. Dự kiến trong những tháng còn lại của năm 2022, số tiền chậm đóng được thu hồi qua thanh tra sẽ đạt khoảng 200 tỉ đồng/tháng.
Theo ông Phạm Tuấn Cường, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra - kiểm tra (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), trước đây các doanh nghiệp thường né tránh đoàn thanh tra, không làm việc hoặc cử người không có thẩm quyền tham gia làm việc khiến công tác thanh tra khó xử lý. Đến nay, khi công tác thanh tra được cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp với ngành công an thực hiện, doanh nghiệp mới khắc phục việc chậm đóng, đóng thiếu.
Chỉ trong 2 tháng, tháng 8 và tháng 9.2022, ngành bảo hiểm xã hội đã thanh tra đột xuất tại 2.233 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên và có số nợ lớn.
Sau thanh tra, ngoài việc yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động thực hiện kịp thời nghĩa vụ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mới phát sinh còn thu hồi hơn 250 tỉ đồng tiền nợ bảo hiểm cũ.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp những tháng cuối năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố áp dụng triệt để các giải pháp thu hồi nợ, trong đó là giải pháp tổ chức các đoàn thanh tra chuyên ngành tập trung thanh tra phương thức đóng, linh hoạt trong việc lựa chọn địa điểm thanh tra bằng việc mời đơn vị đến làm việc tại cơ quan, rút gọn thời gian thanh tra…
Đặc biệt, các cơ quan liên quan sẽ phối hợp lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý đối với đơn vị cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2021 và 9 tháng năm 2022, đã phát hiện tới 92.380 người chưa tham gia bảo hiểm (năm 2021 là 42.000 người, 9 tháng năm 2022 là 50.380 người); đóng thiếu thời gian, đóng thiếu mức đóng với số tiền truy đóng là 246,6 tỉ đồng (trong đó năm 2021 là 127,5 tỉ đồng, 9 tháng năm 2022 là 119 tỉ đồng).