Mới ngày đầu nhậm chức, tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã phải vừa bận rộn lập nội các mới vừa điện đàm lãnh đạo nhiều nước bàn an ninh, đối ngoại.
Nội các mới, nhiều người cũ
Theo hãng tin AFP, tân Thủ tướng Sunak giữ lại nhiều nhân vật quan trọng dưới thời người tiền nhiệm Liz Truss cho nội các mới. Cụ thể, vị thủ tướng 42 tuổi đã bổ nhiệm ông James Cleverly làm ngoại trưởng và ông Ben Wallace làm bộ trưởng quốc phòng, dù hai quan chức này đều ủng hộ sự trở lại của cựu thủ tướng Boris Johnson.
Bộ trưởng Tài chính thời ông Sunak vẫn là ông Jeremy Hunt. Theo AFP, quyết định này nhằm nỗ lực ổn định thị trường tài chính và sửa chữa những "sai lầm" mà chính quyền tiền nhiệm gây ra.
Đáng chú ý nhất là việc ông Sunak tái bổ nhiệm bà Suella Braverman làm bộ trưởng nội vụ, phụ trách chính sách và kiểm soát nhập cư. Bà Braverman là một thành viên đảng Bảo thủ có lập trường cứng rắn. Bà đã từ chức bộ trưởng nội vụ vào tuần trước dưới thời bà Truss và chỉ trích bà Truss không tôn trọng những gì bà cam kết với cử tri.
Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak (ảnh) điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tối 25-10. Ảnh: THE TELEGRAPH |
Ông Sunak cũng giữ bà Penny Mordaunt ở vai trò Lãnh đạo Hạ viện Anh. Ông Grant Shapps - một người trung thành lâu năm với ông Johnson và là người đã thay thế vị trí của bà Braverman tuần trước - giữ vai trò mới ở vị trí bộ trưởng kinh doanh và năng lượng.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Anh cũng tái bổ nhiệm ông Dominic Raab làm phó thủ tướng Anh kiêm bộ trưởng tư pháp nước này. Các thông tin bổ nhiệm khác bao gồm: bổ nhiệm ông Simon Hart làm trưởng ban phụ trách kỷ luật đảng tại Hạ viện, ông Nadhim Zahawi làm chủ tịch đảng Bảo thủ, ông Steve Barclay làm bộ trưởng y tế, ông Michael Gove làm bộ trưởng giao thông.
Trước đó, theo hãng tin Sputnik, có ít nhất 10 thành viên nội các thời bà Truss đã từ chức khi ông Sunak trở thành tân thủ tướng Anh. Trong số những người từ chức có Bộ trưởng Tư pháp Brandon Lewis, Bộ trưởng Kinh doanh Jacob Rees-Mogg, Bộ trưởng Giáo dục Kit Malthouse, Chủ tịch đảng Bảo thủ Jake Berry, cùng một số nhân vật khác.
Điện đàm với Mỹ, Ukraine
Theo đài LBC, tân thủ tướng Anh đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky vào tối 25-10.
Sau cuộc đàm của ông Sunak với Tổng thống Zelensky, phát ngôn viên Phố Downing cho biết sự ủng hộ của tân thủ tướng đối với Ukraine sẽ "mạnh mẽ hơn bao giờ hết dưới nhiệm kỳ của ông ấy" và rằng nhà lãnh đạo Ukraine "có thể tin tưởng vào chính phủ mới của London”.
"Cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục gây áp lực lên Nga thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế liên tục" - vị phát ngôn viên cho hay.
Nhà lãnh đạo Ukraine sau đó bày tỏ niềm tin về quan hệ đối tác giữa 2 nước và tin tưởng rằng sự lãnh đạo truyền thống của Anh trong việc bảo vệ dân chủ và tự do sẽ được tăng cường hơn nữa.
"Ukraine và Anh đã đạt được mối quan hệ tốt nhất cho đến nay, và vẫn còn tiềm năng để tăng cường hợp tác nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả hai nước. Tôi đã mời Thủ tướng thăm Ukraine” - ông Zelensky nói.
Tiếp sau cuộc điện đàm với ông Zelensky, tân thủ tướng Anh cũng đã có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Mỹ. Ông Biden gọi Anh là “đồng minh thân cận nhất” của Washington và thảo luận với ông Sunak về cuộc xung đột Ukraine và sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo tờ The Telegraph.
"Tổng thống Biden chúc mừng tân thủ tướng và 2 nhà lãnh đạo mong muốn hợp tác chặt chẽ với nhau. Tổng thống Biden nói rằng Anh vẫn là đồng minh thân thiết nhất của Mỹ và Thủ tướng Sunak cũng nhất trí về sức mạnh to lớn của mối quan hệ 2 bên” - phát ngôn viên Phố Downing cho hay.
Theo vị phát ngôn viên, 2 nhà lãnh đạo đã thảo luận về mức độ hợp tác giữa Anh và Mỹ, cả song phương lẫn trong khu vực như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm tăng cường sự ổn định và đối phó với ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Ngoài ra, ông Biden và ông Sunak cũng thảo luận về vai trò hàng đầu mà Mỹ và Anh đang thực hiện trong việc hỗ trợ người dân Ukraine và đảm bảo Nga sẽ thất bại trong cuộc chiến này.
2 nhà lãnh đạo cũng nhất trí về sự cần thiết phải đảm bảo người dân Bắc Ireland có an ninh và thịnh vượng thông qua việc duy trì Thỏa thuận Belfast - hay còn gọi là thỏa thuận ngày thứ Sáu tốt lành, một thỏa thuận được ký kết tại Bắc Ireland, kết thúc một trong những cuộc xung đột nghiêm trọng nhất châu Âu trong thế kỷ 20.
Vị phát ngôn viên còn cho biết thêm rằng 2 nhà lãnh đạo mong muốn được gặp trực tiếp tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới ở Indonesia.