vĐồng tin tức tài chính 365

Choáng váng vì bị bán giải chấp cổ phiếu

2022-10-27 08:04

Bán giải chấp cổ phiếu (Force-sell) là việc công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư để hạ tỉ lệ nợ về mức an toàn theo quy định của từng công ty. Đây là đối tượng nhà đầu tư mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, cổ phiếu có được từ giao dịch này được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay, còn gọi là giao dịch ký quỹ (vay margin).

Cá nhân, doanh nghiệp đều bị bán giải chấp

Ông T.M.T (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) đang "ôm" cục nợ 11 tỉ đồng với tài sản thế chấp là 2 căn nhà vì lỡ mê chứng khoán và bị bán giải chấp cổ phiếu hồi đầu tháng 10 năm nay. Hiện ông T. cố gắng giữ khoảng 1 tỉ đồng trong tài khoản chứng khoán, giao dịch kiếm lời để trả phần nào lãi ngân hàng.

Ông T. kể ban đầu dành 2 tỉ đồng tiền nhàn rỗi để đầu tư chứng khoán. Giai đoạn năm 2019-2020, tài khoản sinh lời tương đối tốt nên ông vay thế chấp ngân hàng 5 tỉ đồng để đầu tư thêm. Khi thị trường giảm nhiều đợt khiến khoản lời vơi đi, ông quyết định vay margin với tỉ lệ cao để tiếp tục đầu tư. Đến tháng 5 vừa rồi, ông bị "call margin" (công ty chứng khoán cảnh báo khi tài khoản bị "bốc hơi" và yêu cầu nạp thêm tiền hoặc bán bớt cổ phiếu để tỉ lệ vay đạt ngưỡng an toàn - PV). Để không bị mất trắng, ông T. tiếp tục vay thế chấp 2 tỉ đồng bù vào tài khoản.

Choáng váng vì bị bán giải chấp cổ phiếu - Ảnh 1.

Biến động của thị trường chứng khoán trong thời gian qua khiến không ít nhà đầu tư mất trắng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Sau đó, thị trường vẫn liên tục nhuộm sắc đỏ, không thể tiếp tục cầm cự, tôi bán bớt phần nào cổ phiếu nhưng phần còn lại vẫn tiếp tục lỗ. Cuối cùng, tôi bị công ty chứng khoán yêu cầu bán giải chấp. Nếu biết dừng lại, chắc tôi đã không lâm vào cảnh ôm "trái đắng" như bây giờ" - ông T. than thở.

Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp cũng phải bán giải chấp. Bị Công ty Chứng khoán liên tục "call margin", thị giá cổ phiếu HDC của Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco) về vùng giá thấp nhất trong vòng 17 tháng qua. Ngày 26-10, ông Nguyễn Tuấn Anh, Thành viên HĐQT độc lập Hodeco, có báo cáo bán ra thành công 73.000 cổ phiếu HDC, giảm lượng cổ phần sở hữu xuống 139.115 cổ phiếu, tương đương tỉ lệ nắm giữ 0,13% vốn điều lệ. Nguyên nhân thực hiện giao dịch là bị công ty chứng khoán bán giải chấp. Cùng lý do bị bán giải chấp, Công ty CP Đầu tư Thiên Anh Minh do ông Nguyễn Tuấn Anh giữ chức Chủ tịch HĐQT cũng vừa bán ra 68.600 cổ phiếu HDC.

Sau khi bị bán giải chấp, ông Tuấn Anh và Công ty CP Đầu tư Thiên Anh Minh tiếp tục đăng ký bán ra toàn bộ cổ phần HDC còn nắm giữ, lần lượt là 139.115 cổ phiếu và 148.500 cổ phiếu. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 28-10 đến 25-11.

Đây không phải lần đầu ông Nguyễn Tuấn Anh và tổ chức có liên quan là Công ty CP Đầu tư Thiên Anh Minh bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 13-10, ông Tuấn Anh và Công ty CP Đầu tư Thiên Anh Minh bán ra lần lượt 34.900 và 32.900 cổ phiếu HDC cũng vì bị công ty chứng khoán bán giải chấp. Hồi tháng 6, công ty này buộc phải bán ra 200.000 cổ phiếu vì lý do tương tự.

Càng "ôm" càng thua

Theo thống kê, trong quý III/2022, lãi từ cho vay và phải thu của 45 công ty chứng khoán đạt gần 4.300 tỉ đồng, giảm 320 tỉ đồng so với quý trước. Trong khi đó, dư nợ cho vay toàn thị trường đạt khoảng 165.000 tỉ đồng, tăng 15.000 tỉ đồng so quý trước, trong đó có 153.000 tỉ đồng là dư nợ cho vay margin. Số liệu trên cho thấy hoạt động của các công ty chứng khoán hiện khó khăn hơn trước.

Đại diện Công ty Chứng khoán Đà Nẵng cho biết những năm gần đây, lãnh đạo doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán khá nhiều nhằm tận dụng cổ phiếu rẻ của doanh nghiệp mình. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư có sử dụng margin, không lường hết rủi ro khi thị trường giảm, dẫn đến mất tài khoản. "Nhiều nhà đầu tư chưa bị "call margin" cũng đang rất lo lắng, muốn buông mà không buông được, tiến thoái lưỡng nan. Còn những người đã bị "cháy" tài khoản thì choáng váng, muốn thoát khỏi thị trường" - đại diện công ty chứng khoán này thông tin.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, nhà đầu tư chứng khoán chủ yếu có tâm lý "lướt sóng" kiếm lời, đa phần không đầu tư dài hạn, chấp nhận cắt lỗ và hạ margin. Trong 3 tháng qua, thị trường liên tục giảm điểm nhưng nhà đầu tư vẫn vay margin cao với kỳ vọng tìm cơ hội bắt đáy. Hậu quả, nhiều nhà đầu tư không còn nguồn bù đắp khi thị trường thủng đáy.

Giới chuyên gia tài chính chỉ rõ tâm lý của nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam là không chấp nhận bán lỗ, luôn kỳ vọng hồi phục dẫn đến càng "ôm" càng lỗ, bị ép bán giải chấp. Không ít nhà đầu tư dù có kinh nghiệm vẫn không khỏi choáng váng trước diễn biến của thị trường, nhất là thời điểm chỉ số VN-Index rời xa mốc 1.000 điểm, nên đã tự cắt lỗ hoặc bị ép bán lỗ. "Nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng margin lúc thị trường giảm sâu. Lưu ý, phải giữ kỷ luật trong đầu tư chứng khoán, đó là chấp nhận cắt lỗ khi tỉ lệ vay margin về mức rủi ro để không tổn thất nhiều hơn" - một chuyên gia tài chính khuyến cáo. 

Doanh nghiệp cũng lỗ nặng

Nếu như năm 2020-2021, hàng loạt doanh nghiệp công bố lợi nhuận từ đầu tư tài chính, chứng khoán thì trong 9 tháng đầu năm 2022, không ít công ty thua lỗ vì chứng khoán. Công ty CP Nhà Đà Nẵng báo cáo lỗ 28,77 tỉ đồng trong quý III/2022, lũy kế 9 tháng đầu năm lỗ 124 tỉ đồng; trong đó, riêng lỗ chứng khoán lên tới 60,3 tỉ đồng. Công ty CP Licogi 14 cũng vừa công bố lỗ trong quý III/2022 dù doanh thu thuần đạt 35 tỉ đồng - gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do lỗ bởi âm nặng ở danh mục đầu tư chứng khoán.

Ngay cả một số công ty chứng khoán, công ty chuyên tư vấn đầu tư, môi giới chứng khoán cũng báo cáo lỗ phần đầu tư. Ví dụ, Công ty Chứng khoán Apec (APS) ghi nhận lỗ trước thuế quý III/2022 là 442 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 13 tỉ đồng.

Xem thêm: mth.38154421262012202-ueihp-oc-pahc-iaig-nab-ib-iv-gnav-gnaohc/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Choáng váng vì bị bán giải chấp cổ phiếu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools