Công suất sử dụng và giá phòng cùng tăng
Theo Kinh tế & Đô thị, số liệu của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, trong 9 tháng năm 2022, ngành du lịch đón 13,87 triệu lượt khách, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 766.000 lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 13,1 triệu lượt.
Lượng khách tăng mạnh kéo theo công suất sử dụng buồng phòng tăng tương ứng, riêng trong tháng 9, công suất sử dụng buồng, phòng trung bình khối khách sạn ước 43,7%, tăng 14,3% so với tháng 8/2022 và tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 9 tháng năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 34,1%, tăng 12,7%.
Ông Lê Vinh - chủ chuỗi 5 khách sạn tại khu phố cổ Hà Nội - cho biết, các khách sạn 3 - 4 sao tại khu phố cổ phục hồi tốt. Từ tháng 6 đến nay, lượng khách thuê phòng lưu trú phục hồi 30 - 50% so với năm 2019.
Tương tự, quản lý khách sạn Sunlight (18 phố Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Tất Thành cho biết, khách lưu trú tại khách sạn ở khu phố cổ tăng dần đều theo từng tháng. Hiện tại, công suất sử dụng buồng, phòng bình quân của khách sạn Sunlight đạt khoảng 50 - 60%, vào ngày cuối tuần có thể đạt 90 - 100% công suất.
Không chỉ hệ thống khách sạn quy mô vừa và nhỏ tăng lượng khách thuê phòng mà một số khách sạn 4 - 5 sao ở khu vực trung tâm Hà Nội, như: Melia, Sheraton, Hilton Opera... đón được nhiều đoàn khách là thương nhân theo hình thức du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo).
Tại khách sạn Hanoi Hotel trên phố Mã Mây (quận Hoàn Kiếm), lượng khách đặt phòng hiện khoảng 40% là người địa phương và du khách trong nước, 60% là du khách nước ngoài. Việc kinh doanh, dịch vụ của khách sạn đang từng bước phục hồi khi du lịch bắt đầu bước vào mùa du lịch cao điểm.
Ở khu vực ngoại thành, những khu nghỉ dưỡng cao cấp, như: Làng Mít, Glory resort (thị xã Sơn Tây); Asean resort (huyện Thạch Thất); Medi Thiên Sơn, Paragon resort (huyện Ba Vì)… công suất sử dụng phòng những ngày cuối tuần đạt khoảng 80 - 90%.
Theo Tổng giám đốc CBRE Việt Nam Đặng Phương Hằng, thị trường du lịch đang phục hồi, nhiều khách sạn trong Tp. Hà Nội có công suất thuê cao với sự trở lại của khách trong và ngoài nước.
“Sau khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại, hoạt động thị trường thuê phòng khách sạn khá khởi sắc. Công suất thuê phòng trung bình tăng 20% theo quý và 16% theo năm, đạt 43%. Giá phòng trung bình đạt 2 triệu đồng/phòng, tăng 11% theo quý và 14% theo năm”, bà Đặng Phương Hằng dẫn chứng.
Trong khi đó, theo Tiền Phong, báo cáo của Savills Việt Nam, các khách sạn 4 và 5 sao tại Tp.HCM đang có đà hồi phục mạnh so với đỉnh dịch Covid-19 năm ngoái. Quý III, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn toàn thành phố đạt mức bình quân 58%, tăng 19% so với quý trước. Giá phòng bình quân ở phân khúc 4-5 sao đạt 1,7 triệu đồng một phòng một đêm, tăng 22% theo quý và 50% theo năm.
Savills cho biết, Tp.HCM vẫn là điểm đến phổ biến nhất, với 10 triệu lượt khách nội địa, tăng 69% theo quý và chiếm 45% lượng khách cả nước. Về khách quốc tế, 3 tháng qua, Tp.HCM đón lượng khách 1,6 triệu, tăng 240% theo quý.
Trong khi đó, giá thuê phòng khách sạn tại Hà Nội đang tăng nhanh, hiện bình quân là 2,2 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 30% so với năm ngoái. Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, so với quý II - thời điểm Hà Nội tổ chức SEA Games 31, du khách đến Thủ đô đã giảm 7,5%, tương ứng với 5,2 triệu lượt khách.
Doanh thu du lịch trong quý III đạt 14.000 tỷ đồng, giảm 19% so với quý II. Tuy nhiên, trong các ngày nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày, đã có hơn 420.000 lượt khách đến Thủ đô.
Trong quý, Hà Nội đón khoảng 481.000 lượt khách quốc tế, tăng 157% so với trước, cao hơn cả tổng khách du lịch quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2022. Dù vậy, con số này thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xuất hiện đại dịch Covid-19, với 1,9 triệu lượt khách.
Kỳ vọng dịp cuối năm
Chia sẻ với Tiền Phong, chị Thu Hằng - đại diện chuỗi khách sạn 3 sao trong khu vực phố cổ Hà Nội cho biết cuối năm là giai đoạn cao điểm của du lịch quốc tế, có thể trong thời gian tới, các khách sạn sẽ được hưởng lợi từ khách ngoại.
“Theo thông lệ, giai đoạn cuối năm là mùa du lịch quốc tế, nhất là khách các nước châu Âu, châu Mỹ sẽ tới Việt Nam rất nhiều. Dù vậy, trước những biến động của thế giới, suy thoái kinh tế toàn cầu, có thể lượng du khách tới Việt Nam sẽ thấp hơn kỳ vọng”, chị Hằng cho hay.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Đức Kế - Ủy viên Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho rằng, thị trường du lịch cuối năm vẫn có thể phát triển và tăng trưởng. Trong đó, nhu cầu của khách trong nước và khách quốc tế sẽ tăng mạnh trong các dịp lễ cuối năm. Năm 2022, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mục tiêu đón và phục vụ 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 60 triệu lượt khách nội địa.
Đánh giá về những kết quả đạt được, ông Kế cho rằng trước hết ngành du lịch mừng vì đã mạnh dạn quyết định là mở cửa du lịch quốc tế từ 15/3. Trong khi đó, du lịch nội địa thành công rực rỡ. Thậm chí du khách nội địa quá tải và vượt cả trước dịch Covid-19. Đây được coi là thành công lớn nhất của ngành du lịch trong bối cảnh khách quốc tế vẫn chưa được nhiều.
Đặc biệt, thành công nhất không phải là số lượng mà là sự an toàn về dịch bệnh. Sự an toàn kéo du khách quốc tế đến với Việt Nam. Theo ông Kế, trong những tháng cuối năm kỳ vọng dòng khách quốc tế đến từ Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng khai thác thêm dòng khách Ấn Độ để bù lại số lượng. Cuối năm sẽ là thời điểm vàng tăng trưởng du lịch.
Đào Vũ (T/h)