Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu. Trước sự tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số đối với lĩnh vực Di sản văn hoá, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không nằm ngoài cuộc và cũng đã đồng hành, tích cực, chủ động trong việc ứng dụng công nghệ, xây dựng các sản phẩm để phát huy giá trị của tác phẩm.
Những năm gần đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật. Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA là một trong những nỗ lực bước đầu của bảo tàng trong việc giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật phục vụ khách tham quan và phát huy hiện vật bảo tàng trên môi trường số.
Ứng dụng iMuseum VFA là kết quả của dự án xã hội hóa phối hợp giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Công ty Cổ phần Phần mềm Ứng dụng Di động Việt Nam (VINMAS).
TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trình bày tham luận tại Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số ngành VHTTDL, ngày 26/10. Ảnh: BTC
Theo TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, việc xây dựng ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA xuất phát từ nhu cầu cải thiện chất lượng tham quan cho du khách và mục đích đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Đây có thể coi là thành công bước đầu trong hợp tác công - tư. Dự án này cũng là bước cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo Bộ VHTTDL trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Tham quan trực tuyến bảo tàng chỉ với 50.000 đồng
Sau hơn 2 năm nghiên cứu, xây dựng nội dung và phát triển công nghệ, ứng dụng iMuseum VFA đã được đưa vào thử nghiệm từ tháng 12/2020 và chính thức ra mắt vào 22/4/2021.
Ứng dụng iMuseum VFA được đánh giá là dễ sử dụng và mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Ảnh: VNFAM
Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA tích hợp trên 2 nền tảng Android, iOS và sử dụng công nghệ quét mã QR, định vị iBeacon. Ứng dụng này có thể sử dụng trên điện thoại di động và máy tính bảng.
Hiện nay, khoảng 10 – 15% khách đến thăm bảo tàng có sử dụng công nghệ thông minh này để thuyết minh đa phương tiện. Ứng dụng công nghệ này giúp xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ, và đặc biệt là về nội dung.
TS. Nguyễn Anh Minh cho biết: "Chúng tôi đã mất hơn 2 năm để tạo ra ứng dụng công nghệ iMuseum VFA và nhờ các chuyên gia là những nhà nghiên cứu lý luận, mỹ thuật, để cùng xây dựng sản phẩm này. Khó khăn lớn nhất là làm sao để tích hợp nội dung về tác phẩm một cách ngắn gọn với thời gian chỉ 3 phút".
Muốn thu hút được khách đến với bảo tàng, nhất là bảo tàng mỹ thuật thì cần có sự đổi mới. Thứ nhất, cần đổi mới về nhận thức. Thứ hai, làm sao để thu hút khách đến với bảo tàng, đặc biệt là bảo tàng "kén khách".
"Nhiều hướng dẫn viên chia sẻ họ không dám đưa khách vào bảo tàng mỹ thuật, bởi vì họ không am hiểu. Đây cũng là điều mà những người làm bảo tàng như chúng tôi trăn trở trong nhiều năm. Do đó, iMuseum VFA ra đời để thuyết minh thay cho những người hướng dẫn viên nhằm giúp tăng cường lượng khách vào thực tế. Sau khi ứng dụng công nghệ, số lượng khách vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tăng từ 30 – 40% ", TS. Nguyễn Anh Minh chia sẻ.
Ứng dụng iMuseum VFA bao gồm audio, text, ảnh chất lượng cao, trợ giúp người dùng tham quan trực tuyến hoặc trực tiếp tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ứng dụng hiện được tích hợp trên 2 nền tảng Android và iOS. Ảnh: VNFAM
Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bước đầu có thêm nguồn thu. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: " Phí sử dụng ứng dụng iMuseum VFA là 50.000 đồng/lượt , với thời lượng lên đến 8 giờ, và với 8 ngôn ngữ khác nhau. Nếu ở Mỹ hoặc bất kỳ nơi đâu trên thế giới, du khách cũng chỉ cần trả 2 USD để sử dụng công nghệ này trong việc tham quan các tác phẩm ở bảo tàng".
Sau khi ứng dụng sản phẩm vào thực tiễn, ứng dụng iMuseum của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được đánh giá rất cao từ bạn bè quốc tế. Công nghệ hỗ trợ cho khách tham quan có trải nghiệm và lan tỏa tình yêu nghệ thuật tới công chúng và hiểu biết của họ đối với bảo tàng. Trên 50% khách quốc tế sử dụng iMuseum, thậm chí tỷ lệ này đối với du khách Hàn Quốc lên tới 90%.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng sẽ phối hợp với đơn vị công nghệ để truyền thông mạnh mẽ hơn nữa trên các nền tảng để cho bạn bè trên khắp thế giới trước hết tin tưởng sản phẩm này, sau là sử dụng nhiều hơn. Điều này sẽ giúp bảo tàng tăng nguồn thu trực tuyến.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng sản phẩm mới, nhưng mấu chốt phải xây dựng được cơ sở dữ liệu. Sau đó, chúng tôi sẽ tiến hành chọn lựa công nghệ để phối hợp với các nội dung phù hợp. Dù đây là thách thức lớn nhưng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mong muốn thực hiện để giúp các du khách có được sự trải nghiệm mới, hấp dẫn hơn.
Bởi ứng dụng di sản trong văn hoá đang làm thay đổi quan điểm nhận thức và cách tiếp cận. Đặc biệt, nó làm cho di sản trở nên gần gũi hơn, sống động và hấp dẫn", TS. Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.
Nhiều khó khăn khi lần đầu ứng dụng công nghệ
Phật bà Quan Âm, Chùa Hội Hạ, tỉnh Vĩnh Phúc, Thế kỷ XVI, gỗ phủ sơn, 314x215x157(cm). Đây là tác phẩm được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2013 tại Bào tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Trần Trung Hiếu.
Cách đây 2 năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã triển khai, phối hợp với các đơn vị tư nhân về công nghệ thông tin, nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, tìm kiếm đối tác. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các đối tác về công nghệ, nhưng thực tế để lựa chọn đối tác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, chuyên ngành của mỗi bảo tàng thì đó là việc không dễ dàng. Sau nhiều cuộc chia tay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng chọn được đối tác phù hợp, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của bảo tàng, đó là VinMass.
Khó khăn thứ hai là cơ chế phối hợp giữa các bên. Đây là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, dưới sự giúp đỡ của Bộ VHTTDL, đặc biệt là Cục Di sản văn hoá, đã tạo điều kiện để bảo tàng xây dựng được cơ chế hợp tác về thời gian, chia sẻ lợi nhuận… Từ đó, việc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hợp tác thành công với Công ty VinMass cũng gần như là trường hợp đầu tiên về hợp tác công – tư, giữa một đơn vị công lập với một đơn vị tư nhân.
Thứ ba, việc xây dựng nội dung cho sản phẩm cũng là một khó khăn mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phải đối mặt trong thời gian qua. Theo TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đối với mỗi tác phẩm nghệ thuật, việc cảm nhận là rất khó. Bởi mỗi người đều có cảm nhận khác nhau về một tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy, việc tạo ra một nội dung với mẫu số chung nhất để phù hợp, đồng thời lại ngắn gọn, dễ hiểu với các đối tượng là không đơn giản.
Thực tế, để giải quyết "bài toán" này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhờ các chuyên gia về mỹ thuật, lịch sử mỹ thuật cùng các cán bộ khoa học để xây dựng ra các sản phẩm nội dung phù hợp.
Thứ tư, yếu tố con người. Đây là một trở ngại không nhỏ về nguồn nhân lực bởi ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, không phải cán bộ nào cũng am hiểu về công nghệ.