Mới đây, trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm 2022 và định hướng các tháng tiếp theo, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có giải pháp, điều hành, bình ổn giá phù hợp. Sau kết luận của Phó Thủ tướng, TP Hà Nội đã lên kế hoạch sản xuất hàng hoá tết, cân đối chi phí, nhằm đảm bảo không có biến động giá cả trên thị trường.
Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng giúp ổn định thị trường hàng hoá cuối năm là dự báo nhu cầu của người dân cụ thể với từng mặt hàng, từ đó sớm đàm phán với nhà cung cấp.
"Dịp cuối năm sức mua tăng 20 - 30%, lễ tết, Tết dương lịch, vì vậy phải nắm nhu cầu thị trường từ đó chuẩn bị cả số lượng, chất lượng và đặc biệt phải nâng cao thương hiệu bán lẻ", ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho hay.
Ảnh minh họa - (Ảnh: NLĐ)
Đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, hiện nay đã có 44 doanh nghiệp trên địa bàn cam kết bình ổn giá hàng hoá dịp tết, tập trung chủ yếu vào gạo, thịt lợn, thuỷ hải sản. Tổng mức dự trữ hàng hoá của các doanh nghiệp đã tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
"Hàng hoá bình ổn chiếm 35% trong tổng lượng hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Có 1.000 tỷ đồng đang được kết nối vay vốn với giá ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường với sự tham gia của 7 ngân hàng thương mại", bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho hay.
Sở Công Thương TP Hà Nội cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ hàng hoá, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, để tránh mua phải hàng kém chất lượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.95015030172012202-man-iouc-pid-aoh-gnah-aig-no-hnib-ion-ah/et-hnik/nv.vtv