vĐồng tin tức tài chính 365

'Ác cảm nhà giàu' trong vụ án tranh cãi suốt 3 thập kỷ

2022-10-27 11:24

Vợ chồng Dionisio và Thelma sống tại đảo Cebu với bốn con, trong đó hai con gái, Marijoy, 21 tuổi và Jacqueline, 23 tuổi, đều là nhân viên bán thời gian tại trung tâm thương mại Ayala Mall.

Đêm 16/7/1997 trời giông bão. Tan ca, hai cô gái theo thói quen, đứng đợi bus bên đường. Nhưng quá giờ không thấy con về, bà Thelma bảo con trai đi tìm các chị. Hai thanh niên đến trạm bus nhưng không thấy ai.

Hai ngày sau, thi thể dập nát của một thiếu nữ được tìm thấy dưới khe núi. Cô bị đánh đập, bịt mắt, còng tay. Vợ chồng Dionisio và Thelma khẳng định thi thể là con gái họ, Marijoy. Cô gái còn lại, Jacqueline, không bao giờ được tìm thấy.

Hai tháng sau, một nhóm sĩ quan cảnh sát thường phục xuất hiện trong sân một Đại học tư thục đắt đỏ, cách Cebu 500 km. Họ chặn đường và bắt giữ một sinh viên 19 tuổi mang hai quốc tịch Tây Ban Nha và Philippines, Francisco Juan Larrañaga, biệt danh "Paco".

Paco xuất thân từ một gia đình quyền lực, bị bắt cùng 6 thánh niên khác, gia thế tương đương, sống quanh Cebu.

Người dân Philippines hân hoan ra mặt, gọi 7 thanh niên bằng biệt danh Chiong 7 (7 người trong vụ án nhà Chiong). Họ coi đây là phiên tòa thế kỷ, hồi hộp chờ và hy vọng bố mẹ của Chiong 7 sẽ không thể dùng tiền mua công lý.

Paco khai chưa bao giờ gặp Marijoy hoặc Jacqueline trước đây và cung cấp các bằng chứng ngoại phạm rất mạnh, rằng mình thậm chí không có mặt trên đảo Cebu vào đêm đó. Hồ sơ quản lý sinh viên của trường ghi nhận, hôm đó Paco có mặt tại lớp học ban đêm, sau đó đi ăn cùng bạn và 7h sáng hôm sau dự thi giữa học kỳ.

Nhóm bạn của Paco cung cấp nhiều ảnh cậu trong quán ăn đêm đó, song đều bị thẩm phán cho rằng, nó được cắt ghép đáng ngờ, vì Paco không nhìn thẳng vào máy ảnh. Phân tích của thẩm phán có vẻ xa vời, vì vụ án xảy ra năm 1997, và ảnh thậm chí vẫn được chụp bằng phim.

Sổ quản lý ký túc xá ghi, Paco về phòng lúc 22h15', nhân viên bảo vệ đã chứng thực. Ngoài ra, có 45 lời tuyên thệ từ các bạn cùng lớp, bạn bè và giáo viên khẳng định Paco đã ở trường, cách xa vụ án mạng hơn 500 km. Thẩm phán nhận định những lời khai không có giá trị.

Francisco Juan Larrañaga, biệt danh Paco, được dẫn giải đến toà, năm 1997. Ảnh: Cebu Daily News

Francisco Juan Larrañaga, biệt danh "Paco", được dẫn giải đến toà, năm 1997. Ảnh: Cebu Daily News

Sáu bị cáo khác đều có chứng cứ ngoại phạm rõ ràng. Trong đó, có hai anh em ruột họ Yu trong Chiong 7 đã dự tiệc sinh nhật lần thứ 50 của cha đến 23h30'. Họ không rời khỏi nhà đến 7h sáng hôm sau để đi học.

Nhưng tâm điểm của phiên tòa là Davidson Rusia, người tự nhận là thành viên thứ tám của Chiong 7. Davidson đồng ý làm chứng chống lại các thành viên khác, trở thành là con át chủ bài của cơ quan công tố.

Davidson khai đêm đó, Chiong 7 hẹn gặp cậu trước cổng Ayala Mall để làm một "phi vụ". Davidson được xét hỏi suốt 8 ngày, khai mình và Chiong 7 chia nhau trên hai ôtô, tiếp cận 2 cô gái tại trạm bus lúc 22h và ép các cô gái vào xe, còng tay và dán băng dính miệng. Cả nhóm hướng đến Guadalupe, thành phố Cebu.

Chúng đổi xe, mua rượu và ma túy, đồ ăn, tiếp tục đi về phía nam, Tan-awan. Nhóm thanh niên đậu xe gần một khe núi, lần lượt cưỡng hiếp hai cô gái rồi vứt Marijoy xuống khe núi.

Davidson là tay buôn ma túy từng bị Mỹ kết án hai lần và đang bị cảnh sát Philippines giam vì tái phạm nghiêm trọng. Lời chứng của Davidson bị luật sư của Paco cáo buộc không vô tư, do có thỏa thuận miễn tội với cảnh sát. Các lời khai của anh ta trùng khớp và trơn tru y như bản điều tra.

Song anh ta không thể khai gì về Jacqueline và những việc diễn ra sau đó với cô, và bên công tố cũng không hỏi. Trong một lần bị luật sư của Paco hỏi về Jacqueline, Davidson bất ngờ ngất xỉu, phiên tòa tạm hoãn. Ngoài lời khai của anh ta, không có bằng chứng vật chất nào chứng minh Chiong 7 có tội.

Cảnh sát đưa ra một loạt nhân chứng là cư dân quanh khu vực vách núi. Trong các bản khai viết bằng tiếng Anh, họ khẳng định có nhìn và nghe thấy cảnh tượng. Song thực chất, các nhân chứng đều là người dân tộc thiểu số Cebuano, và mù chữ.

Họ khẳng định mình không biết gì về sự việc, chỉ được cảnh sát yêu cầu cầm bút viết, vẽ gì cũng được xuống phía góc cuối bản khai sẵn. Lời chứng này được thẩm phán cho rằng "không làm thay đổi bản chất tội ác" của Chiong 7.

Điều quan trọng nhất, không ai chắc chắn, thi thể dưới khe núi có phải là Marijoy hay không. Không có biên bản khám nghiệm tử thi hay dấu vân tay nào được lấy trong quá trình điều tra. Cha mẹ nạn nhân từ chối mọi cuộc kiểm tra pháp y. Vì vậy danh tính của cô gái hoàn toàn là kết quả lời của cha mẹ.

Theo tuyên bố của cảnh sát, trên đồ lót nạn nhân có một vết tinh dịch duy nhất. Và nó trùng khớp với ADN của Paco. Luật sư của Paco cho rằng điều này "hoang đường", vì nếu cáo buộc của công tố viên là đúng, thì có tới 7 người đàn ông khác cũng cưỡng bức nạn nhân, nhưng tại sao chỉ mình Paco để lại dấu vết.

Luật sư của Paco cho rằng phía điều tra ngụy tạo bằng chứng, và đề nghị trả hồ sơ, thực hiện lại cuộc điều tra từ đầu, bằng việc xác định danh tính nạn nhân. Thẩm phán cho rằng yêu cầu không phù hợp nên từ chối.

Các luật sư của Paco cảm thấy bị dồn vào đường cùng, thông báo rằng họ sẽ rút khỏi vụ án với lý do Thẩm phán không điều hành một phiên tòa công bằng. Thẩm phán vô cùng tức giận, tống cổ cả 6 luật sư vào tù vì khinh thường tòa án.

Bảy thanh niên được mệnh danh là Chiong Seven đã bị bỏ tù vì cáo buộc hãm hiếp và bắt cóc chị em nhà Chiong. Ảnh: phil star

Bảy thanh niên được mệnh danh là "Chiong Seven" đã bị bỏ tù vì cáo buộc hãm hiếp và bắt cóc chị em nhà Chiong. Ảnh: phil star

Sức nóng của phiên tòa lên cao đến nỗi, các nhà làm phim còn dựng một hoạt cảnh tái hiện vụ án dựa trên lời khai của Davidson, chiếu trên đài truyền hình quốc gia. Cả nước lên án Chiong 7, gọi họ là những đứa trẻ sinh ra trong quả trứng vàng nhưng nở ra "quái vật". Người Philippines càng được dịp công khai bày tỏ ác cảm với giới nhà giàu, yêu cầu xử tử tất cả các bị cáo, bất kể tuổi tác.

Philippines không có phiên tòa xét xử bồi thẩm đoàn, tất cả các vấn đề hình sự đều do một thẩm phán quyết định. Ngày 5/5/1999, sau ba tháng cân nhắc, cuối cùng Thẩm phán của toàn án Cebu tuyên tất cả tám bị cáo có tội. Song Davidson được miễn trừ toàn bộ trách nhiệm do là người tình nguyện làm chứng. Mỗi thành viên của Chiong 7 bị kết hai án chung thân.

Hình phạt cao nhất cho tội giết người khi đó là tử hình, nhưng thẩm phán nhận định, không thể chắc chắn xác trong khe núi là Marijoy nên Chiong 7 không bị kết tội giết người. Án chung thân dành cho hai tội danh Bắt cóc Giam giữ người bất hợp pháp.

Ngay sau vụ án, tất cả các công tố viên và cảnh sát liên quan đều được thăng chức, trừ Thẩm phán Martin Ocampo. Ngày 7/10, tức 5 tháng sau khi tuyên án, ông được tìm thấy đã chết trong phòng khách sạn Water Front. Bên cạnh ông là một lá thư tuyệt mệnh, cổ tay và mắt cá chân của ông ta đều đã bị dao cắt, cùng với một viên đạn ở thái dương.

Không ai hài lòng với kết quả của phiên tòa. Các bị cáo khẳng định bị oan, còn cha mẹ nạn nhân cho rằng Chiong 7 đáng bị tử hình. Tất cả mọi người liên quan đều kháng cáo.

Đến thời điểm này, Davidson đã rút lại lời chứng, nói rằng cảnh sát đã đánh đập, bức cung để ép anh ta đưa ra lời khai chống lại Chiong 7. Tòa án tối cao tất nhiên không ngó ngàng đến những lời này.

Phải mất 5 năm, ngày 3/2/2004, Tòa mới đưa ra phán quyết gia đình nạn nhân thắng. Sáu trong 7 bị cáo nhận án tử hình, người còn lại do chưa thành niên thời điểm phạm tội, được giữ nguyên hai án chung thân.

Song khi Davidson - nhân chứng đắt giá lật ngược lời khai, công chúng bắt đầu nhìn lại những bất thường trong phiên tòa sơ thẩm. Chính trường Philippines lúc này cũng dậy sóng bởi một loạt các vụ án quan chức tòa án tham nhũng khiến người dân vơi dần thiện cảm. Họ chuyển sang ủng hộ Chiong 7.

Do có hai quốc tịch, gia đình Paco đệ đơn vụ việc lên chính phủ Tây Ban Nha và Tổ chức Ân xá Quốc tế. Các nhà hoạt động đã thu thập hơn 300.000 chữ ký của các công dân Tây Ban Nha, mang đến đại sứ quán Philippines tại Tây Ban Nha, yêu cầu xét xử lại.

Các luật sư của Paco đệ trình vụ án lên Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, được tổ chức này lên tiếng kêu gọi trả tự do cho Paco. Trong khi chính phủ Tây Ban Nha cũng yêu cầu sự khoan hồng.

Tổng thống Philippines khi đó, bà Gloria Arroyo cuối cùng đã bãi bỏ án tử hình tại đất nước này vào năm 2006. Chiong 7 không được thả tự do, nhưng ít nhất đã không còn là tử tù. Sau 12 năm ngồi tù, tháng 9/2009, Paco cuối cùng cũng được đưa về quê nhà Tây Ban Nha vì những đấu tranh kéo dài của các cơ quan nhân quyền.

Nhưng sóng gió vẫn chưa ngừng với Paco. Trở về Tây Ban Nha, anh ta ngay lập tức bị tống vào tù. "Anh ta có thể trở về nước, song không có nghĩa là anh đã được ân xá", tòa án nước này giải thích. Họ tuyên bố chỉ đồng ý ân xá cho Paco nếu anh ta nhận tội. Paco đáp "Tôi thà nhận án tử hình một lần nữa còn hơn thừa nhận tội ác mà tôi không làm". Tòa lập tức tuyên Paco án tù chung thân.

Vụ án thiên niên kỷ đến nay chưa chấm dứt. Năm 2017, bà Thelma vô tình để lọt một vài bức ảnh đám cưới của người thân bên Canada trên Facebook. Trong ảnh có hai cô gái giống hệt hai cô gái được cho là đã chết, Jacqueline và Marijoy.

Ảnh trên: Marijoy (trái) và Jacqueline trước khi mất tích, được cư dân mạng đối chiếu với các hình ảnh rò rỉ từ Facbook cá nhân của mẹ họ, dấy lên đồn đoán họ vẫn còn sống. Ảnh: The casual criminalist

Ảnh trên: Marijoy (trái) và Jacqueline trước khi mất tích, được cư dân mạng đối chiếu với các hình ảnh rò rỉ từ Facbook cá nhân của mẹ họ năm 2017, dấy lên đồn đoán hai cô gái vẫn còn sống. Ảnh: The casual criminalist

Bà Thelma sau đó đã lập tức xóa các bức ảnh này, nhưng cư dân mạng vẫn lan truyền các ảnh chụp màn hình với tốc độ chóng mặt. Hai người bạn giấu tên của gia đình khẳng định, hai cô gái vẫn sống bình an khỏe mạnh nhiều năm nay ở Canada. Gia đình bà Thelma luôn im lặng.

Đến nay, việc chị em Jacqueline và Marijoy còn sống hay không, vẫn chưa được chứng minh hay bác bỏ. Dư luận tiếp tục nghiêng về phía Paco và Chiong 7.

Năm 2011, đạo diễn người Mỹ Michael Collins công chiếu phim tài liệu Give Up Tomorrow - Ngày mai hãy từ bỏ, tại Liên hoan phim Tribeca. Bộ phim được trình chiếu tại 75 liên hoan phim ở hơn 40 quốc gia, giành được 18 giải thưởng lớn. "Give Up Tomorrow" xoay quanh Paco và gia đình của anh cùng toàn bộ vụ án kết tội lỏng lẻo đến nghiệt ngã.

Tiêu đề của bộ phim bắt nguồn từ một câu Paco nói trong tù. "Tử tù như tôi, muốn từ bỏ cuộc sống cũng dễ hiểu. Nhưng tôi luôn nhủ, ngày mai hẵng từ bỏ, chiến đấu nốt hôm nay. Và khi ngày mai đến, tôi lại lặp lại câu nói "ngày mai hẵng từ bỏ".

Sáu năm sau khi đến Tây Ban Nha, Paco được hạ từ trọng tội xuống cấp độ ba, tội phạm ít nguy hiểm nhất. Hiện Paco được rời khỏi nhà tù trong khoảng thời gian nhất định để đi học và làm việc. Anh đã tiếp tục học nấu ăn và làm đầu bếp bán thời gian tại một nhà hàng.

Hải Thư (Theo E-Library, Phili Life, El País, CBN)

Xem thêm: lmth.6977254-yk-paht-3-tous-iac-hnart-na-uv-gnort-uaig-ahn-mac-ca/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Ác cảm nhà giàu' trong vụ án tranh cãi suốt 3 thập kỷ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools