Khó nuốt là một trong nhiều triệu chứng chính của viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan - Ảnh minh họa: gastroconsa.com
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là một chứng bệnh mãn tính của thực quản - một cơ quan dạng ống dẫn của hệ tiêu hóa đoạn từ miệng xuống dạ dày.
Thông thường thức ăn di chuyển thông qua cơ quan này mà không gặp trở ngại nào, nhưng ở một số người, bạch cầu ái toan - một dạng đặc biệt của tế bào máu trắng - tích lũy trong thực quản và gây viêm, dẫn đến cảm giác khó ăn.
Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân gây viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, làm cách nào bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh, chế độ ăn giúp hạn chế bệnh...
Căn bệnh tương đối mới
Một lý do bạn không biết nhiều về viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là bệnh này vừa mới được phát hiện trong vòng 2 thập kỷ trở lại. Giờ đây, bác sĩ dần nhận ra rằng những bệnh nhân nghĩ mình bị bệnh trào ngược dạ dày thực tế là mắc bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan.
Cả người lớn và trẻ em đều có thể phát sinh bệnh. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, khoảng 1 trong 1.500 trẻ em bị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, còn Hiệp hội Về rối loạn tăng bạch cầu ái toan Mỹ ước tính cứ 2.000 người thì có 1 trường hợp bị bệnh này.
Có liên quan dị ứng thức ăn
Kiểm tra tác nhân dị ứng cho một bệnh nhân - Ảnh: thezestfull.com
Không ai biết chính xác tác nhân gây bệnh, nhưng bác sĩ biết rằng sự tích lũy bạch cầu ái toan trong thực quản do một phản ứng miễn dịch với thức ăn gây nên. Họ cũng biết rằng loại thức ăn gây bệnh khác biệt giữa người này và người kia.
Dưới một góc độ nhất định, viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan khá giống với dị ứng thức ăn (food allergy) và phổ biến trong nhóm người có bệnh dị ứng. Tuy nhiên, trong lúc những phản ứng dị ứng thường xuất hiện ngay sau khi dung nạp chất gây dị ứng (allergen), phản ứng dị ứng gây nên viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan có vẻ như được hình thành qua nhiều ngày.
Có thể do di truyền
Những người có người thân mắc viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan có xu hướng dễ bị bệnh này hơn. Điều này vẫn đúng ngay cả khi thân nhân đó là họ hàng xa sống trong một môi trường khác biệt, gợi ý rằng yếu tố di truyền có thể là nguyên nhân chính - chứ không phải môi trường hay điều kiện sống.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số gene di truyền có liên quan bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, trong đó có một gene gọi là Calpain14 (CAPN14).
Đàn ông dễ mắc hơn phụ nữ
Đàn ông dễ mắc viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan gấp 3 lần phụ nữ và cho tới nay chưa ai biết nguyên nhân tại sao. Một số yếu tố khác gây gia tăng khả năng mắc viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan bao gồm tiền sử cá nhân hay gia đình bị bệnh dị ứng, bệnh chàm, viêm mũi dị ứng hay hen suyễn, sinh sống tại môi trường lạnh hay khô hạn.
Triệu chứng chính: Trào ngược, chậm lớn, khó nuốt
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan có thể được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và người lớn.
Ở trẻ sơ sinh/trẻ nhỏ, triệu chứng phổ biến nhất là vấn đề về dinh dưỡng (ví dụ như biếng ăn, không chịu bú mẹ hoặc bú bình, quấy khóc trong các cử ăn hoặc sau ăn), thường xuyên bị trào ngược hoặc khó lên cân.
Thanh thiếu niên và người lớn có thể bị nóng rát ngực, đau ngực hoặc đau bụng, khó nuốt.
Nội soi - sinh thiết để khẳng định bị bệnh hay không
Hình ảnh nội soi ở bệnh nhân bị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan - Ảnh: researchgate.net
Khi bệnh nhân có những triệu chứng nêu trên, bác sĩ sẽ khám bệnh và thu thập thông tin bệnh sử của họ và gia đình. Nếu nghi ngờ viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, bác sĩ sẽ yêu cầu nội soi ống tiêu hóa trên kèm sinh thiết trong quá trình nội soi (có thể kèm thuốc giảm đau an thần).
Mẫu sinh thiết sẽ được gửi tới phòng thí nghiệm để được phân tích kỹ hơn. Nếu lượng bạch cầu ái toan tăng, bạn bị viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan.
Chưa có thuốc điều trị
Chế độ kiêng cữ tác nhân kích thích triệu chứng là một biện pháp chữa trị hiệu quả, nhưng trước tiên, bạn cần phải xác định được loại thực phẩm gây bệnh - Ảnh: foodnetwork.com
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị trực tiếp viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan. Tuy nhiên các chuyên gia nhận ra rằng uống thuốc kết hợp ăn kiêng (kiêng cữ tác nhân gây kích thích) có thể kiểm soát triệu chứng hiệu quả ở đa số bệnh nhân.
Thuốc được kê toa đa phần là Steroids, hoặc ở dạng hít, dạng lỏng hoặc dạng viên. Thuốc steroid cục bộ (qua dạng hít hoặc dạng lỏng) có thể kiểm soát viêm và làm dịu triệu chứng bệnh.
Steroids dạng viên thường không được dùng để điều trị dài hạn bệnh viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, nhưng có thể được uống trong những đợt kịch phát. Thuốc làm giảm tiết a xít dạ dày (như Omeprazol hoặc Lansoprazole) có thể làm giảm trào ngược và triệu chứng khó chịu đường tiêu hóa.
"Không gây gia tăng rủi ro ung thư thực quản"
"Cho tới nay vẫn chưa có thông tin vững chắc nào cho thấy viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan có liên quan tới sự hình thành ung thư thực quản", theo Hiệp hội Về rối loạn tăng bạch cầu ái toan Mỹ.
Tuy nhiên, do đây là một bệnh mới nên các nhà nghiên cứu vẫn chưa có hiểu biết sâu rộng về bệnh và họ hiện vẫn đang cẩn thận theo dõi trẻ em và người lớn mắc bệnh để tìm hiểu thêm.
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản và viêm loét dạ dày có nguyên nhân do ăn quá nhiều thức ăn khó tiêu, thiếu chất xơ và ăn quá nhanh, nhai không kỹ...
Xem thêm: mth.82900330122012202-yan-iom-hneb-nac-gnuhc-ioc-toun-ohk-cougn-oart-ib/nv.ertiout