vĐồng tin tức tài chính 365

Đại biểu Quốc hội: Các bộ ngành điều hành xăng dầu vẫn lúng túng

2022-10-27 13:32

Xăng dầu trong nước thời gian qua nhiều xáo trộn, nhất là ở khu vực phía Nam, khi một số cửa hàng đóng cửa, bán nhỏ giọt, còn doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ than lỗ do chiết khấu (phần chi phí để lại của doanh nghiệp đầu mối, phân phối cho đơn vị bán lẻ) xuống thấp, thậm chí bằng 0.

Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội và ngân sách năm 2022, kế hoạch 2023, sáng 27/10, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhắc tới tình hình thiếu hụt xăng dầu vẫn đang xảy ra cục bộ, chưa được xử lý dứt điểm. "Điều này cho thấy sự lúng túng trong điều hành, xử lý tình huống của các bộ, ngành liên quan", bà Bé nhận xét.

Theo bà, sự lúng túng diễn ra từ quy định tính đúng, đủ trong giá xăng dầu, tới điều tiết nguồn cung để kịp thời xử lý thiếu hụt. Việc này gây bức xúc và làm ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Kim Bé, đại biểu tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Phạm Thắng

Bà Nguyễn Thị Kim Bé, đại biểu tỉnh Kiên Giang phát biểu tại thảo luận kinh tế xã hội ngày 27/10. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nêu quan điểm, cơ quan quản lý cần sớm khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên thị trường xăng dầu và rút ra bài học kinh nghiệm quản lý, điều hành để không tái diễn.

Thời gian qua, Sóc Trăng, địa phương nằm trong khu vực miền Tây có tình trạng hàng loạt cửa hàng xăng dầu đóng cửa do hết hàng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ kêu khó. Bà Tô Ái Vang, đại biểu tỉnh Sóc Trăng đề nghị, trước mắt, các doanh nghiệp đầu mối, phân phối cần tăng sản lượng phân bổ cho thị trường, để đảm bảo nguồn cung những tháng cuối năm nay và đầu năm 2023; trong đó nhu cầu xăng dầu của Sóc Trăng là 75.000 m3.

Về lâu dài, nữ đại biểu tỉnh này cho rằng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, cùng các bộ ngành nghiên cứu tính toán lại công thức giá cơ sở phù hợp, đảm bảo hài hoà lợi ích doanh nghiệp đầu mối, phân phối với doanh nghiệp bán lẻ và người dân.

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu. Dự báo tình hình xăng dầu còn nhiều biến động, ông Ngân đề nghị Quốc hội cần ủy quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề liên quan đến thuế xăng dầu.

Theo các đại biểu Quốc hội, thời gian qua giá xăng dầu biến động mạnh đã tác động tới nhiều hàng hoá, dịch vụ, ảnh hưởng trực diện đời sống người dân, doanh nghiệp. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng một bộ phận người dân chưa thoát khỏi khó khăn do dịch, hiện giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao khiến họ "đã khó càng thêm khó".

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nêu thực tế nỗi lo của cử tri trước thực trạng "lương chưa kịp tăng, hoặc chỉ mới rục rịch tăng, giá cả đã chạy trước". Ông cho rằng, câu chuyện giá - lương - tiền luôn là sự quan tâm của người dân, người lao động. Nhưng thực tế, lương luôn rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả thị trường. "Giá xăng dầu, thực phẩm, phí dịch vụ tăng... đang dồn gánh nặng lên đôi vai và chen vào từng bữa cơm gia đình người dân, lao động", ông Thái nhận xét.

Ở khía cạnh này, bà Thái Thu Xương, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động (đại biểu tỉnh Hậu Giang) đề nghị Chính phủ cần có giải pháp kiềm chế tình trạng lương chưa tăng, giá đã tăng; lương tăng một đồng, giá đã tăng hai đồng.

Còn theo đại biểu Nguyễn Huy Thái, tăng lương cơ sở, cải cách tiền lương chỉ thành công khi Chính phủ thực hiện song song các biện pháp bình ổn giá cả thị trường.

Năm 2023, theo báo cáo Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5%; lạm phát 4,5%. Ông Trần Hoàng Ngân đồng tình với mục tiêu Chính phủ đưa ra, song ông lưu ý, chính sách tiền tệ cần thận trọng, linh hoạt chứ không phải thắt chặt. Cùng đó, chính sách tài khoá cần mở rộng hợp lý.

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu TP HCM phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, sáng 27/10. Ảnh: Phạm Thắng

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu TP HCM phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, sáng 27/10. Ảnh: Phạm Thắng

Theo ông Ngân, cùng với đẩy nhanh giải ngân gói phục hồi kinh tế xã hội gần 350.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, cần điều chỉnh một số cơ chế trong gói này.

Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua ngân hàng thương mại (thuộc gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng) đến nay giải ngân thấp, gần 13 tỷ đồng trong cả gói 40.000 tỷ đồng. Trong khi miễn, giảm, giãn thuế đạt tỷ lệ giải ngân cao, hơn 72%. Vì thế, ông đề nghị chuyển nguồn từ hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân sang chính sách hỗ trợ và kéo dài thời gian miễn, giãn, giảm thuế.

Các đại biểu Quốc hội cũng nhận xét năm 2023 được dự báo nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ lạm phát, áp lực rủi ro với nền kinh tế gia tăng. Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Cà Mau) đề nghị Chính phủ chủ động lập kịch bản ứng phó lạm phát, báo cáo Quốc hội để chủ động chính sách phù hợp.

"Chính phủ cần dự báo tốt hơn thị trường tài chính, tiền tệ để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch thích ứng. Việc điều hành tỷ giá, lãi suất cần linh hoạt, công khai giúp doanh nghiệp không bị động trong kế hoạch kinh doanh", ông Thắng lưu ý.

Theo chương trình nghị sự, Quốc hội thảo luận kinh tế xã hội và ngân sách 2022, kế hoạch 2023 trong hai ngày 27 - 28/10.

Anh Minh

Xem thêm: lmth.4358254-gnut-gnul-nav-uad-gnax-hnah-ueid-hnagn-ob-cac-ioh-couq-ueib-iad/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đại biểu Quốc hội: Các bộ ngành điều hành xăng dầu vẫn lúng túng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools