Sáng nay (27/10), Tuần lễ thương mại điện tử xuyên biên giới - Amazon Week 2022 đã diễn ra tại Hà Nội.
Sự kiện này sẽ kéo dài trong một tuần, điểm lại những kết quả nổi bật trong năm qua của hàng hóa Made in Việt Nam đã xuất khẩu trực tuyến. Đây là hình thức xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử. Khi tham gia, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm, kết nối thương mại với khách hàng trên toàn cầu.
Chỉ trong năm 2022, gần 10 triệu sản phẩm Made in Vietnam đã đến tay khách hàng toàn cầu thông qua Amazon. Đặc biệt, các ngành hàng như chăm sóc sức khỏe, trang trí nhà cửa hay đồ gia dụng là những mặt hàng Việt bán chạy nhất trên nền tảng này.
Ngành thương mại điện tử xuyên quốc gia vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo báo cáo của Amazon Global Selling, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 3,3 tỷ USD (năm 2021) lên đến 11,1 tỷ USD vào năm 2026. Hiện số lượng doanh nghiệp và nhà bán hàng Việt Nam tham gia nền tảng này cũng đã tăng hơn 80% so với năm trước.
"Năm nay có sự tăng trưởng rất mạnh. Năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng của số lượng nhà bán chỉ là 15%, năm nay đến hơn 80%, cho thấy các doanh nghiệp Việt đã nhận thức rất rõ sự quan trọng của thương mại điện tử xuyên biên giới", Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gijae Seong cho biết.
Với mức tăng trưởng được dự báo là 20%/năm của doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt đang nắm bắt cơ hội này, nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến.
"Nếu chúng ta chọn cách truyền thống như các cửa hàng bán lẻ, siêu thị… thì rất mất thời gian. Như vậy, nếu chúng ta chọn Amazon, có thể nói là kênh kinh doanh số lớn, cách tiếp cận thị trường thuận lợi", ông Vũ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, đánh giá.
"Có chương trình Go Export để đồng hành với một nhóm hiện đang thử nghiệm, chọn lọc doanh nghiệp sản xuất để giúp họ trong quá trình bán hàng, đưa hàng lên Amazon bán ra quốc tế", bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho hay.
Theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường AlphaBeta, quy mô thương mại điện tử Việt Nam so với doanh thu xuất khẩu trên cả nước chỉ chiếm khoảng 1%. Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ này càng nhỏ, đồng nghĩa với việc ngành thương mại điện tử xuyên quốc gia vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.
VTV.vn - Amazon đang có kế hoạch đóng cửa tất cả 68 cửa hàng sách truyền thống tại Mỹ và Vương quốc Anh trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!