Đường dây đi qua rừng phòng hộ đoạn xã Phước Đại (huyện Bác Ái) - Ảnh: DUY NGỌC
Tại đây, hàng trăm kỹ sư, công nhân… đang phải ăn ngủ ngay dưới chân công trình bất chấp chuyện sáng nắng chiều mưa...
Chênh vênh đường vào tuyến
Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi theo chân nhóm cán bộ kỹ sư, công nhân thuộc Công ty cổ phần xây dựng EVN Quốc tế 1 để ghi nhận thực tế việc thi công dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân đoạn qua rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu, huyện Bác Ái.
Vượt qua những con đường đất đầy sỏi đá chênh vênh, với những con dốc thẳng đứng, sau hơn 1 tiếng di chuyển bằng xe gắn máy chúng tôi mới đến được cụm vị trí 194 - 204. Một trong số những trụ móng được ghi nhận "xương xẩu" nhất trên toàn tuyến.
Sóng điện thoại không có, nước lại càng không... chỉ có đá tai bèo lởm chởm giữa những cụm cây gai trơ trọi trong cái nắng chanh chát của vùng Bác Ái. Tất cả mọi giao dịch đều trông chờ vào chiếc bộ đàm bé xíu của đội trưởng đội thi công.
Những bữa ăn đêm vội vàng đôi khi chỉ là trái bắp luộc - Ảnh: DUY NGỌC
Theo anh Lại Hoàng Đăng (cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần xây dựng EVN Quốc tế 1), mỗi ngày, từ rạng sáng, nhóm thi công lẫn cán bộ giám sát phải vượt hơn 15km đường rừng mới tới điểm thi công. Vậy nên nhiều nhóm công nhân đã quyết định cắm trại ở lại ngay dưới chân công trình.
Đường xa lại hiểm trở, vậy nên chỉ cần thiếu quan sát hoặc tay lái yếu là có thể lao xuống vực bất cứ lúc nào.
"Việc kéo dây vượt rừng tự nhiên là điều vô cùng khó khăn, nhưng tất cả đều phải thực hiện theo đúng quy trình đã được phê duyệt, không làm ảnh hưởng đến cây rừng", anh Đăng nói.
"Hằng ngày phía Ban quản lý rừng đều cắt cử cán bộ kỹ thuật và lực lượng bảo vệ rừng luân phiên kiểm tra, giám sát hướng dẫn đơn vị thi công thực hiện theo đúng cam kết và quy định của pháp luật. Rất vất vả nhưng ai cũng phải chấp hành".
Nằm trên chiếc võng đu đưa sau giờ nghỉ trưa, anh Nguyễn Mậu Kha, công nhân đang thi công tại công trường, cho hay đường sá di chuyển đến vị trí 194 - 204 gặp rất nhiều thách thức vì đường đất hẹp, đầy đá cuội. Mỗi lần trời mưa đường rất trơn.
Đã có nhóm công nhân trong đội té cả người lẫn xe xuống mặt đường, khiến cả bao thực phẩm mua đem lên mốc đành phải vứt bỏ vì trộn đầy bùn đất. Xe máy thì cứ chưa đầy tháng phải đem sửa một lần, thậm chí thay nhông xích liên tục vì không chịu nổi dốc đèo.
Ăn, ngủ tại rừng
Do địa hình hiểm trở, đi lại gặp nhiều khó khăn nên anh em kỹ sư, công nhân phải ăn nghỉ tại rừng từ hơn mấy tháng nay.
"Từ tháng 9-2021 đến nay, tôi mới về nhà ở Nam Định được một lần hồi cuối tháng 4, còn ở rừng thì thường xuyên. Lúc đầu mới vào tôi chưa quen đường nên nhiều lần té nhào, giờ thì ngon lành rồi" - anh Đăng cười nói.
Bữa cơm trưa vừa kết thúc, uống vội chai nước, Kha tranh thủ leo lên chiếc võng được móc sẵn dưới tán cây nghỉ ngơi. "Chợp mắt một xíu rồi tranh thủ lên trụ. Hôm nay tụi tui quyết hoàn tất việc treo móc sứ trụ này, để còn qua vị trí khác".
Anh Nguyễn Mậu Kha tranh thủ nghỉ trưa dưới tán rừng - Ảnh: DUY NGỌC
Theo kỹ sư Nguyễn Quang Huy - trưởng Ban điều hành gói thầu số 9 và 10 thuộc Công ty cổ phần xây dựng EVN Quốc tế 1, hiện dự án chỉ còn 60 ngày nữa là kết thúc nên anh em phải ăn ngủ tại chân công trường.
Nhiều khi không kịp nấu ăn. Tất cả cơm canh đều mua đóng hộp chuyển đi rải dọc tuyến. Có như vậy mới kịp tiến độ. Nhiều anh em tâm sự ăn như thế ngán lắm, mình làm quản lý nghe mà xót. Nhưng rồi cũng đành làm lơ.
Với dân công trình, chuyện cơm nước khổ đã đành, nhưng vất vả nhất vẫn là chuyện "nắng sớm, mưa chiều".
"Thời tiết vùng Ninh Thuận vào mùa này không biết đâu mà lần. Cả ngày anh em dang nắng trên trụ cao thì bất ngờ mưa ập đến, trèo xuống trú tránh không kịp. Biết vậy là ảnh hưởng đến sức khỏe lắm, nhưng rồi ai cũng phải làm, bởi bản cam kết tiến độ cứ ám ảnh trong đầu mỗi người", anh Huy tâm sự.
"Gói thầu số 9 và 10 mà chúng tôi đang thực hiện có tổng 32 cột và 6 khoảng néo từ xã Phước Thành đến xã Phước Đại (huyện Bác Ái) và từ thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) đến xã Phước Vinh (huyện Ninh Phước). Đến nay chúng tôi đã thi công xong 3 khoảng néo, và đang thi công 3 khoảng néo khác.
Cả đội đang cố gắng phấn đấu đến ngày 10-11 sẽ hoàn thành việc kéo dây để chuyển giao cho đơn vị thí nghiệm" - anh Huy cho biết.
Những bữa ăn đêm vội vàng đôi khi chỉ là trái bắp luộc - Ảnh: DUY NGỌC
Kim đồng hồ chỉ qua mốc 5h chiều. Nhìn lên bầu trời, những cụm mây đen sì ùn ùn tụ về một lúc một nhanh... báo hiệu những trận mưa ngút mắt sẽ bắt đầu không lâu nữa. Kỹ sư Huy kéo tay tôi bảo: "Rút ra sớm thôi anh, chứ chậm tí nữa không khéo tối nay anh em mình nằm lại giữa rừng".
Nhìn cách Huy diễn đạt, tôi ít nhiều mường tượng con đường trở ra khỏi bìa rừng sẽ chênh vênh đến mức nào. Nhìn những mỏm đá tai bèo lẫn trong bùn đỏ quạch lởm chởm nằm giữa đường di chuyển, bất giác tôi cảm thấy chút lo sợ cho chiếc xe máy cà tàng mà Huy lấy từ công trình để chở tôi đi tuyến.
Nghĩ đến vậy bỗng dưng thấy thương dân công trình. Còn với Huy hay Kha, Đăng thì mốc "60 ngày" là hiệu lệnh không thể lùi. Tất cả vì dòng điện của đất nước.
Lãnh đạo BQL dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) vừa đi khảo sát tiến độ tại TBA 500kV Vân Phong, đồng thời tổ chức họp với các đơn vị liên quan về tình hình thực hiện các dự án lưới điện nhằm giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện Vân Phong.
Xem thêm: mth.6811755172012202-hcid-ev-neid-oek-iun-touv-gnur-gnab/nv.ertiout