Ngày 27-10, các bộ trưởng ngoại giao thuộc các nước ASEAN đã có phiên họp đặc biệt tại thủ đô Jakarta của Indonesia nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar. Điểm nhấn của hội nghị là xem xét lại tiến độ triển khai kế hoạch Đồng thuận 5 điểm đã được ASEAN nhất trí vào tháng 4 năm ngoái về kêu gọi chấm dứt bạo lực, tăng cường viện trợ nhân đạo cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các bên tại Myanmar, theo hãng tin Reuters.
ASEAN quyết tâm tìm kiếm hòa bình cho Myanmar
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia (nước đang giữ vai trò là chủ tịch luân phiên ASEAN) Prak Sokhon đã điểm lại kết quả hơn một năm kể từ khi các nhà lãnh đạo ASEAN thảo luận và nhất trí về kế hoạch Đồng thuận 5 điểm.
Theo AFP, đến nay chính quyền quân sự Myanmar vẫn chưa thực hiện phần lớn kế hoạch hòa bình do ASEAN đưa ra, cho biết sẽ không đối thoại mà kiên quyết đấu tranh đập tan các “tổ chức khủng bố” trong nước.
Ông cho biết việc thực hiện thỏa thuận nói trên đã đạt được một số bước tiến nhưng tốc độ triển khai còn chậm. Bộ trưởng Prak Sokhon nhấn mạnh rằng hội nghị lần này cho thấy quyết tâm hơn nữa của ASEAN trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vấn đề tại Myanmar. Theo ông Prak Sokhon, tình trạng bạo lực giữa các bên liên quan tại Myanmar phải chấm dứt ngay lập tức, tạo điều kiện thích hợp thực thi kế hoạch do ASEAN đề ra.
Đại diện Campuchia nhắc lại vụ đánh bom tại nhà tù lớn nhất ở Myanmar cũng như vụ không kích của quân đội Myanmar tại bang Kachin xảy ra gần đây khiến nhiều người thiệt mạng như những dấu hiệu cho thấy tình trạng bạo lực tại quốc gia Đông Nam Á này đang leo thang ở mức đáng báo động, kênh Channel News Asia cho hay.
Đáng chú ý, chính quyền quân sự Myanmar không tham dự cuộc họp ngày 27-10 của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và khả năng cũng sẽ không tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cấp cao vào tháng 11 tới.
Quang cảnh phiên họp bộ trưởng ngoại giao ASEAN ngày 27-10 ở thủ đô Jakarta (Indonesia). Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO CAMPUCHIA |
Các lãnh đạo quân đội của Myanmar đã bị cấm tham gia các cuộc họp của ASEAN kể từ năm 2021, sau khi lực lượng vũ trang của nước này tiến hành chính biến, dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền của bà Aung San Suu Kyi.
Tuy các chỉ huy quân đội không được mời tới dự cuộc họp của ASEAN vào hôm 27-10, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia - Retno Marsudi cho biết đã mời một số đại diện không thuộc chính quyền quân sự Myanmar đến dự cuộc họp. Tuy nhiên, cuộc họp đã không có sự tham gia của các đại diện dân sự.
“Cuộc họp không phải một hình thức can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar mà nhằm thể hiện sự quan tâm của ASEAN tới các quốc gia thành viên của khối” - bà Marsudi chia sẻ với tờ The Jakarta Post.
Nhìn lại khủng hoảng chính trị - quân sự ở Myanmar
Myanmar rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị kể từ tháng 2 năm ngoái khi quân đội nước này tiến hành các cuộc đột kích bắt giữ nhiều lãnh đạo cấp cao của chính quyền dân sự lúc đó là Tổng thống Win Myint, cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và một số nhà lãnh đạo cấp cao của Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD). Trong thời gian này, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar Min Aung Hlaing nắm quyền lãnh đạo Chính phủ chuyển tiếp (Hội đồng hành chính nhà nước) và chỉ định Phó Tổng thống dân sự Myint Swe (nguyên Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar) làm tổng thống tạm thời.
Động thái này được cho là sự trả đũa của quân đội với cáo buộc NLD gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng 11 giúp đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng. Kể từ đó quốc gia Đông Nam Á này luôn trong tình trạng báo động về an ninh trật tự và buộc Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Myanmar ban hành tình trạng khẩn cấp thời gian dài.
Hệ lụy của tình trạng bất ổn chính trị này đã dẫn đến việc hàng trăm ngàn người dân Myanmar xuống đường biểu tình ở các TP lớn và nhiều địa phương phản đối chính biến gây bất ổn, bất chấp cảnh báo từ giới quân sự.
Hàng trăm người biểu tình thiệt mạng, hàng ngàn người bị bắt. Tình trạng hỗn loạn càng kích động tâm lý phản kháng, làm gia tăng căng thẳng và bạo lực trên diện rộng, làm gia tăng đáng kể kịch bản tệ nhất là nội chiến.•
Mỹ mong ASEAN tăng tốc tìm hòa bình cho Myanmar
Trả lời hãng tin AFP, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - ông Daniel Kritenbrink nói rằng Mỹ có “sự tôn trọng lớn” đối với ASEAN nhưng các quan chức Mỹ cũng mong muốn nhóm tăng tốc trong quá trình triển khai kế hoạch hòa bình ở Myanmar, tăng cường kêu gọi chấm dứt bạo lực và tăng cường viện trợ, đối thoại. Ông Kritenbrink chia sẻ lo ngại rằng chính quyền quân sự Myanmar và biến động chính trị hiện tại sẽ kéo lùi “những tiến bộ đạt được ở Myanmar trong hàng chục năm qua”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 7 cũng nói rằng tất cả các nước ASEAN cần phải có lưu ý những gì đang diễn ra ở Myanmar và nhanh chóng thúc đẩy những thay đổi tích cực.