Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Khổng Minh Tuấn - phó giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội - cho biết tính đến ngày 28-10, thành phố ghi nhận chín ca tử vong do sốt xuất huyết tại sáu quận, huyện: Thanh Oai (3); Thanh Trì (2); Hà Đông (1); Phú Xuyên (1); Đan Phượng (1); Long Biên (1).
Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố đã ghi nhận 8.481 ca mắc, số ca mắc tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (2.627 ca mắc, 0 ca tử vong). Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 530/579 xã, phường, thị trấn.
Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh và tăng vượt mức trung bình giai đoạn 2019 - 2021. Đến nay toàn thành phố ghi nhận 720 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động.
Ngoài sốt xuất huyết, một số dịch bệnh ở Hà Nội có xu hướng tăng so với cùng kỳ 2021 như bệnh tay chân miệng (1.543 ca); liên cầu lợn (3 ca); viêm não Nhật Bản (4 ca); uốn ván (11 ca).
Ngày 27-10, ông Vũ Cao Cương, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cùng đoàn kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Hoàng Mai. Sở Y tế cho hay, nhiều địa phương tại thành phố đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, nhiều phế liệu phế thải là nơi chứa nước tạo điều kiện để lăng quăng, bọ gậy phát triển.
Khu vực nhà trọ, dân cư di biến động phức tạp, đa số người trọ là học sinh, sinh viên nên ý thức vệ sinh môi trường chưa được tốt, tạo điều kiện để muỗi phát triển.
Ở một số phường, người dân có bể chứa nước nổi không có nắp đậy kín, hoặc có nắp nhưng không kín. Các hộ còn trồng rau sạch trên sân thượng, trồng cây cảnh chính là môi trường thuận lợi cho bọ gậy phát triển.
Ông Tuấn nhận định đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào trung tuần tháng 11. Sở Y tế cũng đề nghị các đơn vị tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh sốt xuất huyết tại các cơ sở điều trị và tại cộng đồng để khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời.
Theo ông Đỗ Duy Cường - giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng. Số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện tháng 9 là 160 bệnh nhân, từ đầu tháng 10 đến nay là 250 bệnh nhân.
Các bác sĩ cảnh báo dịch chồng dịch khi thời tiết miền Bắc chuyển mùa, các bệnh dịch khác (COVID-19, adenovirus, cúm, thủy đậu,...) cũng có nguy cơ bùng phát.
Ông Cường khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên.
Nếu đúng bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.
Hơn 700 học sinh nghỉ học do dịch cúm B
Liên quan đến việc hơn 700 học sinh tại huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) nghỉ học vì ốm, sốt, đại diện Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cho biết theo kết quả điều tra dịch tễ, xét nghiệm cho thấy trẻ mắc cúm B.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, tính từ đầu tháng 10 đến 25-10, toàn huyện Chợ Đồn có tổng số 736 người mắc, 109 ca bệnh điều trị tại bệnh viện và 1 ca tử vong.
Đại diện Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cho biết qua kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy các học sinh tại địa bàn huyện Chợ Đồn mắc cúm B.
"Đây là bệnh truyền nhiễm thông thường, phổ biến. Đa phần các ca bệnh tiến triển tốt, sau 2 - 3 ngày hết sốt, sức khỏe bình thường.
Tuy nhiên vẫn có trường hợp diễn biến nặng nếu không được giám sát, điều trị kịp thời. Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện sốt, dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được hướng dẫn chăm sóc và điều trị kịp thời", vị này thông tin.
TTO - Lý do này do bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa hồi sức nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, trao đổi tại Hội nghị khoa học kỹ thuật lần thứ 29 ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) chiều 27-10
Xem thêm: mth.16031119082012202-gnov-ut-iougn-9-teyuh-taux-tos-hcid-o-651-ion-ah/nv.ertiout