Bên cạnh kết quả khả quan từ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp, người tiêu dùng Mỹ, với những điều kiện thuận lợi về việc làm, thu nhập, đã đóng vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, với việc lạm phát vẫn đang ở mức cao, sự bền bỉ đó của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng, khi mùa mua sắm cuối năm vốn rất quan trọng với nền kinh tế Mỹ đang đến gần.
Theo các số liệu vừa công bố, mức chi tiêu tiêu dùng cá nhân tại Mỹ trong quý 3 vừa qua đạt mức tăng 1,4%, tốt hơn so với dự kiến, nhưng đã chậm lại so với mức tăng trong quý 2. Đây sẽ là một vấn đề nền kinh tế Mỹ cần giải quyết nếu muốn duy trì những kết quả tích cực trong quý cuối năm, bởi chi tiêu tiêu dùng vốn chiếm tới 2/3 GDP của nước này.
Hiện tại, hàng loạt biện pháp đã và đang được ngành công nghiệp bán lẻ Mỹ triển khai nhằm thu hút người tiêu dùng mở hầu bao trong dịp cuối năm.
Mức chi tiêu tiêu dùng cá nhân tại Mỹ trong quý 3 vừa qua đạt mức tăng 1,4%, tốt hơn so với dự kiến. (Ảnh minh họa - Ảnh: Financial Tribune)
Các ước tính của Deloitte cho thấy, các hộ gia đình Mỹ sẽ bỏ ra trung bình 1.455 USD cho tiền quà tặng vào mùa nghỉ lễ năm nay, tương đương với mức chi tiêu của năm 2021. Những đề nghị giảm giá hấp dẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng Mỹ. Một số loại quà tặng, hàng hóa có thể giảm hơn 20%, trong đó, máy tính, đồ điện tử, đồ chơi được dự báo có mức giảm giá sâu nhất kể từ năm 2017.
"Vào thời điểm lạm phát gia tăng, người tiêu dùng đang trở nên nhạy cảm hơn về giá cả. Do vậy, các hãng bán lẻ đang cố gắng thiết lập những chương trình giảm giá lớn và thời gian giảm giá dài hơn để thu hút người tiêu dùng, vốn đang có cảm giác thận trọng trong chi tiêu mua sắm", ông Moses Altsech, chuyên gia marketing, Đại học Wisconsin Madison, cho biết.
Nhiều chương trình giảm giá sớm đã và đang được các hãng bán lẻ như Amazon, Walmart, BestBuy… triển khai, nhằm thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn trong năm nay.
"Việc triển khai các chương trình giảm giá sớm có thể dẫn đến kết quả các bên cùng có lợi cho cả nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Việc này sẽ khuyến khích người tiêu dùng mua sắm sớm hơn, nhiều hơn để hưởng lợi từ mức giá rẻ hơn. Sự mở rộng nhu cầu cũng sẽ giúp các nhà sản xuất và nhà bán lẻ bán được nhiều sản phẩm hơn", bà Krista Li, chuyên gia marketing, Đại học Indiana, cho hay.
Reuters trích dẫn các khảo sát cho thấy một sự thay đổi đáng chú ý, khi có tới 46% người tiêu dùng được hỏi cho biết sẽ mua sắm chủ yếu tại cửa hàng để có thể săn hàng giảm giá hiệu quả nhất, tăng đáng kể so với năm ngoái. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ người tiêu dùng ưu tiên mua hàng trực tuyến ghi nhận sự sụt giảm, chỉ còn 45%. Điều này sẽ buộc các hãng bán lẻ phải có sự bố trí nhân sự hợp lý.
"Số lượt khách hàng tìm đến các cửa hàng bán lẻ sẽ tăng trong mùa nghỉ lễ, dù nhu cầu thương mại điện tử vẫn sẽ ổn định. Các hãng bán lẻ sẽ cần phải chuẩn bị cho sự thay đổi lớn này và bố trí hợp lý đội ngũ nhân viên trong các cửa hàng", ông Corey Berkey, Phó Chủ tịch cấp cao, Công ty dịch vụ nhân sự Employ Inc., nhận định.
Hiện các hãng bán lẻ tại Mỹ đã sắp xếp một lượng lớn nhân viên làm việc tại các cửa hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tiếp của người tiêu dùng. Ước tính, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ bổ sung thêm 680.000 lao động trong mùa mua sắm nghỉ lễ năm nay, gần bằng mức của năm 2021.
VTV.vn - Giới phân tích đã đưa ra nhiều đánh giá tích cực về mức tăng trưởng tốt hơn dự kiến của nền kinh tế số 1 thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!