Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Ảnh: PHẠM THẮNG
Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 28-10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội phản ánh liên quan quản lý đất đai.
Ông nói khi tổng kết nghị quyết 19 và thông qua nghị quyết 18, cũng như trong báo cáo tổng kết thi hành Luật đất đai sửa đổi, các tồn tại, yếu kém, nguyên nhân đã được chỉ ra.
Bộ trưởng Hà cho biết trước đây có 28.155ha đất bị lãng phí đất đai do dự án chậm tiến độ, dự án treo, và trong thời gian qua đã giải quyết được 10.000ha, hiện nay còn khoảng 18.000ha.
“Nguyên nhân do chậm giải phóng mặt bằng, quy hoạch thay đổi, các nhà đầu tư lựa chọn trước đây kém năng lực nên không đầu tư được; pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan có sự chồng chéo.
Ngoài ra còn có dự án vi phạm pháp luật do cơ quan quản lý, người quản lý, do có kết luận của thanh tra, bản án có hiệu lực của tòa, ý kiến của ủy ban kiểm tra…", ông Hà lý giải.
Với những dự án có tồn tại, khó khăn do lịch sử để lại, ông Hà cho biết Chính phủ đã lập đề án, trước mắt tập trung xử lý ở 4 thành phố lớn với hơn 2.000 dự án vướng mắc để đề xuất cấp thẩm quyền.
“Thời gian tới với những vấn đề lớn, sẽ xin Bộ Chính trị giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý”, ông Hà nói thêm.
Bộ trưởng Hà cũng thông tin dự thảo Luật đất đai sửa đổi sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên từ nay tới năm 2024 (thời điểm dự kiến luật có hiệu lực - PV), cần ban hành nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ và ở địa phương đưa ra cơ chế giải quyết những tồn tại.
“Việc này vẫn phải đảm bảo nguyên tắc không làm thất thoát, để bị lợi dụng, hợp thức hóa sai phạm và không ảnh hưởng tới bên thứ ba ngay tình, liên quan đến các dự án hiện nay ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ dân”, ông Hà nhấn mạnh quan điểm khi đề xuất tháo gỡ.
Theo bộ trưởng, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được đưa ra Quốc hội thảo luận sắp tới sẽ tính tới tổng thể từ quy hoạch, định giá, đấu thầu, đấu giá… để công khai, minh bạch.
Ông Hà cho rằng việc định giá đất, khung giá, bảng giá đất hiện nay không sát thị trường (5 năm 1 lần); phương pháp định giá, xác định giá không đầy đủ, chính xác. Vì thế Luật đất đai mới cần ban hành “đầu vào chính xác”, phương pháp định giá mới phù hợp.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nêu chuyện tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn còn nhiều khó khăn. Các cơn sốt đất tràn về nông thôn khiến giá đất tăng cao, tâm lý lâu đời người nông dân giữ đất dù đã "ly hương", coi đất đai như "cuốn sổ bảo hiểm", dẫn đến cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai ngày càng khó khăn.
Hệ quả là thực trạng người nông dân giữ đất bỏ hoang trong khi doanh nghiệp thiếu đất để sản xuất kinh doanh.
"Câu hỏi đặt ra là tại sao quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra chậm chạp như vậy. Tại sao người nông dân không tự nguyện dồn điền đổi thửa để tổ chức lại sản xuất", ông Huy đặt vấn đề và cho rằng nguyên nhân là từ thể chế còn những nút thắt, lực cản.
Vì vậy ông mong việc xem xét, sửa đổi Luật đất đai sẽ đưa ra được giải pháp mang tính chiến lược, thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất đất.
TTO - Đại biểu TP.HCM đề nghị có ngay nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức viên chức theo nguyên tắc "lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình".