Việt Nam hướng tới mục tiêu xuất khẩu gỗ hợp pháp và bền vững. Sản xuất đồ gỗ nội thất tại một công ty gỗ tại Bình Dương - Ảnh: HỒNG VÂN
Tham dự diễn đàn có khoảng 150 đại biểu từ các cơ quan gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ quán Đức, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ, các viện nghiên cứu và các trường đại học…
Ông Phạm Văn Điển - phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam - cho biết Việt Nam xuất khẩu gỗ đi nhiều thị trường như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản… Tất cả thị trường đều yêu cầu gỗ phải hợp pháp, vì vậy Việt Nam hướng tới đáp ứng hai tiêu chí hợp pháp và bền vững cho các thị trường xuất khẩu của mình.
Giáo sư Phạm Văn Điển, phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, phát biểu khai mạc - Ảnh: TỔ CHỨC HỢP TÁC PHÁT TRIỂN ĐỨC GIZ
Ông Rui Ludovino - tham tán thứ nhất phụ trách Hành động khí hậu, môi trường, việc làm và chính sách xã hội của phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - nhấn mạnh sự cần thiết của việc đảm bảo gỗ và các sản phẩm từ gỗ được mua bán phải "hợp pháp" và "bền vững".
Theo đó, yếu tố gỗ "bền vững" được Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT - gọi tắt là Hiệp định VPA/FLEGT) mà Việt Nam và EU ký kết yêu cầu. Theo đó, gỗ được khai thác không được gây mất rừng, suy thoái rừng, mất đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên…
Ông cũng kêu gọi cần triển khai Hiệp định càng sớm càng tốt để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hai bên vì hai bên đã ký kết hiệp định từ năm 2018.
Ông Rui Ludovino, tham tán thứ nhất phụ trách Hành động khí hậu, môi trường, việc làm và chính sách xã hội của phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - Ảnh: TỔ CHỨC HỢP TÁC PHÁT TRIỂN ĐỨC GIZ
Ông Diệp Bảo Trị, giám đốc tài chính của công ty cổ phần gỗ Minh Dương tại Bình Dương, cho biết để thực hiện mục tiêu tiếp tục mở rộng thị trường, công ty chắc chắn mình phải tuân thủ các yêu cầu của Việt Nam và quốc tế trong đảm bảo gỗ hợp pháp và bền vững trong chuỗi cung ứng.
Công ty đã tham gia vào quá trình đánh giá phân loại doanh nghiệp, một trong những nội dung của Hiệp định VPA/FLEGT, và được xếp vào nhóm tuân thủ tốt (loại 1) theo hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (gọi tắt là VNTLAS).
Khi được xếp loại 1, trong tương lai, dự kiến vào cuối năm 2023, khi nhận được cấp phép FLEGT, hàng hóa của doanh nghiệp sẽ được thông quan ngay khi đến cửa khẩu và nhà xuất khẩu không phải thực hiện thêm trách nhiệm giải trình về truy suất nguồn gốc gỗ hợp pháp nào.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Điển nhấn mạnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Dự báo, đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam ước đạt 25 tỉ USD.
"Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam phù hợp với các cam kết và thỏa thuận quốc tế, qua đó đảm bảo rằng 100% nguyên liệu gỗ sử dụng trong toàn bộ các chuỗi giá trị là hợp pháp", ông Điển nói.
Năm 2020, Mỹ khởi xướng điều tra mặt hàng gỗ dán sản xuất tại Việt Nam vì cho rằng có lẩn tránh thuế chống bán phá giá, trợ cấp sản xuất và ra phán quyết sơ bộ. Theo đó, 36 doanh nghiệp Việt Nam bị coi không hợp tác hoặc không phản hồi đầy đủ, nguy cơ bị áp thuế rất cao trên 200%. Những doanh nghiệp này có thể mất thị trường Mỹ.
Cũng với lý do tương tự, gần đây Mỹ tiếp tục khởi xướng điều tra với mặt hàng tủ gỗ của Việt Nam, bao gồm tủ bếp, bàn trang điểm và cấu kiện rời. Trong quyết định khởi xướng điều tra, phía Mỹ đã đưa ra bảng câu hỏi về khối lượng và giá trị đề nghị doanh nghiệp gỗ Việt Nam trả lời.
TTO - Do giá năng lượng tăng cao, nhiều nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... tăng nhập khẩu viên nén, dăm gỗ để làm chất đốt nên giá viên nén, dăm gỗ đã tăng 150 - 200%.
Xem thêm: mth.43601528182012202-gnuv-neb-av-pahp-poh-og-001-uahk-taux-ueit-cum-iot-gnouh-man-teiv/nv.ertiout