vĐồng tin tức tài chính 365

Tín dụng xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam

2022-10-29 08:26

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, phát triển bền vững là một loại hình phát triển mới, lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. Phát triển bền vững cần đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai.

Một trong những mục tiêu thành phần của phát triển bền vững là đạt được sự phát triển bền vững nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển nền kinh tế xanh (Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050). Theo đó, hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược này.

Ngân hàng được coi là “xanh” khi đáp ứng cả hai điều kiện: cung cấp dịch vụ xanh trong ngắn hạn và có chiến lược kinh doanh dài hạn đáp ứng các tiêu chí về môi trường và trách nhiệm xã hội. Tín dụng xanh được hiểu là những khoản tín dụng mà ngân hàng cấp cho các dự án không gây rủi ro hoặc nhằm bảo vệ môi trường, nói cách khác là những khoản cấp tín dụng dưới dạng tài trợ vốn, cho vay, các hình thức cấp tín dụng khác mà trong đó, có tính tác động đến môi trường và tăng cường bền vững môi trường.  

Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về tín dụng xanh, ngân hàng xanh từng bước được hoàn thiện. Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 06/8/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Đây là quy định có tính chất định hướng cho toàn bộ quá trình phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, đảm bảo phù hợp và hỗ trợ tích cực cho quá trình tăng trưởng xanh của toàn bộ nền kinh tế, trong đó các phương pháp để thực hiện xanh hóa ngành Ngân hàng đã được đưa ra khá đầy đủ;

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, Kế hoạch hành động của NHNN triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ, trong đó, quy định về tín dụng xanh, ngân hàng xanh nhằm thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon…

Phó Thống đốc nhấn mạnh, với những định hướng, chỉ đạo từ Đảng, Nhà nước và NHNN, sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD), tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và hạn mức đầu tư ngày càng cao. Kết quả khảo sát của NHNN cũng cho thấy sự hiểu biết của các TCTD về lĩnh vực tăng trưởng xanh, tín dụng xanh đã được nâng lên và cải thiện đáng kể. Nhiều TCTD đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội; tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh; xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh; dành nguồn vốn cấp tín dụng cho các lĩnh vực này và có sự ưu đãi về lãi suất...

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Với cam kết này, dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực xanh chảy vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng với sự hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế; đồng thời, bản thân các ngân hàng, doanh nghiệp cũng tự tin đẩy mạnh cho vay, đầu tư vào các dự án tăng trưởng xanh.

Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực, song sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn chưa đạt được tốc độ như kỳ vọng, chưa khai thác hết tiềm năng. Việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các TCTD Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức.

image

TS. Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN chia sẻ về “Chính sách tín dụng góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh”. Tham luận đưa ra cái nhìn toàn diện về chính sách thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh tại Việt Nam trong thời gian qua, những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn và các giải pháp, kiến nghị, đề xuất.

image

TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

Tham luận của TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính đề cập đến “Thực trạng phát triển thị trường tài chính xanh tại Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách”. Trong đó, đại diện Bộ Tài chính nêu lên những giải pháp, khuyến nghị, giúp đẩy mạnh huy động nguồn lực qua kênh trái phiếu xanh để nâng cao tính đồng bộ và phát triển chiều sâu cho toàn thị trường.

image

Chủ tịch Nhóm Công tác Ngân hàng Michele Wee

Về phía Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG), Chủ tịch BWG Michele Wee đã có bài tham luận về “Huy động nguồn lực và khuyến nghị về tín dụng xanh, thị trường vốn xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”. Bà Wee chia sẻ bài học kinh nghiệm tài trợ nguồn vốn giúp các nước trên thế giới chuyển đổi từ tiêu thụ/sử dụng năng lượng hóa thạch sang tiêu thụ/sử dụng năng lượng theo hướng xanh, sạch. Đồng thời, bà Michele Wee cũng đưa ra các tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam trong việc huy động, phân bổ nguồn lực tài chính để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” tới năm 2050.

image

Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Long

Chia sẻ thực tiễn phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại BIDV, ông Trần Long – Phó Tổng Giám đốc BIDV trao đổi những kinh nghiệm, định hướng, hành động của BIDV trong quá trình chuyển dịch cơ cấu tài trợ cho lĩnh vực năng lượng.

Hội thảo cũng dành nhiều thời gian cho phần thảo luận tại hai phiên chuyên đề. Phiên thứ nhất với nội dung “Hoàn thiện khung khổ pháp lý về tín dụng xanh, tài chính xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”, trong đó các đại biểu tham gia khẳng định sự cần thiết của sự ổn định, nhất quán, minh bạch trong chính sách. Các bộ, ngành cần quan tâm, tập trung xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế. Việc tiếp cận vốn trên thị trường vốn quốc tế cũng là một khía cạnh quan trọng đối với Việt Nam. Trong phiên thứ hai “Kinh nghiệm quốc tế về cung ứng tín dụng xanh, tài chính xanh, hoạt động ngân hàng xanh, thực tiễn tại Việt Nam và các khuyến nghị, giải pháp”, các đại biểu cho rằng việc phát triển thị trường vốn là quan trọng, là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của quốc tế và cần sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành.

Các ý kiến trao đổi của diễn giả tại Hội thảo đã kịp thời bổ sung, làm rõ thêm nhiều thông tin theo chủ đề của Hội thảo; đồng thời, gợi mở một số vấn đề mới trong lĩnh vực tín dụng xanh, ngân hàng xanh cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu. Thêm vào đó, 36 bài viết trong kỷ yếu Hội thảo đều có hàm lượng khoa học cao, ứng dụng linh hoạt các phương pháp nghiên cứu hiện đại, phản ánh chính xác và toàn diện các vấn đề thực tiễn liên quan tới hoạt động tín dụng xanh, tài chính xanh, ngân hàng xanh tại Việt Nam hiện nay.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà hi vọng các thông tin hữu ích từ hội thảo sẽ đóng góp thiết thực vào công tác thúc đẩy tín dụng xanh, tài chính xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam. Phó Thống đốc cũng đề nghị Tạp chí Ngân hàng có báo cáo tổng hợp các kiến nghị tại Hội thảo gửi các cơ quan hữu quan để đóng góp những luận điểm khoa học làm cơ sở cho việc định hướng và hình thành các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh, tài chính xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.

LK

Xem thêm: 116535VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags: Tín dụng

“Tín dụng xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools