Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin về việc tiếp cận vốn tín dụng - Ảnh: N.KHÁNH
Trả lời tại họp báo Chính phù thường kỳ tháng 10-2022 diễn ra chiều 29-10, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản các tổ chức tín dụng và ổn định thị trường tiền tệ.
Về tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu là 14% và ngay từ đầu năm, tín dụng tăng theo đánh giá của ông Hà là điều khác biệt so với các năm trước và hiện vẫn ở mức cao. Tính đến ngày 25-10, tín dụng tăng 11,5% so với năm 2021, cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.
Trong khi đó, huy động vốn tăng trưởng chậm, chỉ tăng 4,6% so với đầu năm, đặt ra thách thức cho sử dụng vốn và gây quan ngại cho hệ thống ngân hàng.
Do đó, với áp lực đảm bảo nguồn vốn và khả năng thanh khoản, ông Hà cho hay Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất điều hành, tăng trần lãi suất huy động của các kỳ hạn ngắn. Đồng thời đảm bảo huy động thêm nguồn vốn, tăng thêm vốn tín dụng cho nền kinh tế, phù hợp với xu hướng chung của nền kinh tế thế giới khi lạm phát tăng cao, kéo dài, các nước tăng lãi suất kép.
"Việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và mặt bằng lãi suất tăng lên là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước và bối cảnh quốc tế khi kinh tế nước ta là nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng" - ông Hà khẳng định và giải thích thêm về những lo ngại về khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp khi mặt bằng lãi suất tăng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc tăng lãi suất để phù hợp xu thế chung, đảm bảo an toàn thanh khoản, khả năng huy động vốn, cho vay của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước luôn chú trọng vốn cho nền kinh tế, ưu tiên lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Thực tế mức tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực này đều tốt, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất hơn so với mức lãi suất chung của thị trường.
Về cấp hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu, ông Hà cũng cho biết trên cơ sở Bộ Công Thương cung cấp tên của 16 đầu mối xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát cho thấy hạn mức của 15 ngân hàng thương mại cấp cho 16 đầu mối là chưa hết và còn ở mức tương đối thấp.
Qua phân tích đánh giá thông tin hết hạn mức, gồm cho vay đồng Việt Nam, đồng ngoại tệ, mở L/C đều thấp hơn nhiều so với mức mà ngân hàng cung cấp, cho thấy không hẳn do phía ngân hàng hay việc cấp hạn mức tín dụng, mà nhiều doanh nghiệp có phương án tài chính chưa hiệu quả, họ bị lỗ nên điều kiện vay vốn không tốt. Do đó các bộ đã bàn cách tháo gỡ cho doanh nghiệp xăng dầu - ông Hà thông tin thêm.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu - Ảnh: N.KHÁNH
Trái ngược với quan điểm của ngành ngân hàng, trước đó ông Đỗ Thắng Hải - thứ trưởng Bộ Công Thương - cho rằng tình trạng thiếu hụt xăng dầu ở miền Nam vừa qua ngoài yếu tố doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, cắt giảm mạnh chiết khấu nên ảnh hưởng tới hệ thống bán lẻ, thì còn lý do là tín dụng thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỉ giá đồng USD/VND tăng, tiếp cận ngoại tệ khó khăn, nên nhập khẩu hàng khó khăn.
Ngoài ra, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao nhưng lại chưa kịp thời tính đúng, tính đủ, nên doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới hạn chế lượng nhập khẩu, thua lỗ trong hoạt động. Một số doanh nghiệp đầu mối phía Nam bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu, bị xử phạt nên thiếu nguồn cung xăng dầu, làm ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu…
Thông tin thêm về cuộc họp do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì ngày hôm nay với các doanh nghiệp xăng dầu, ông Hải cho hay Phó thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành kịp thời điều chỉnh chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu như chi phí vận chuyển, chi phí kinh doanh định mức; thông quan kịp thời…
Cung cấp vốn tín dụng để nhập khẩu xăng dầu, tăng hạn mức tín dụng; rà soát hệ thống phân phối xăng dầu, xử lý nghiêm vi phạm và các địa phương tạo thuận lợi cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu vận chuyển, cung ứng hàng. Về giải pháp dài hạn, sẽ rà soát sửa đổi các nghị định 83 và nghị định 95 cho phù hợp với tình hình.
TTO - Hiện Việt Nam đã có hai nhà máy lọc dầu đáp ứng được tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước và chỉ phải nhập khẩu 20%, nhưng tình trạng hết xăng khiến đại biểu đặt câu hỏi "xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả?".