Thực tế này đặt ra việc cấp bách phải chặn đứng tin giả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dự báo còn nhiều biến động.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Thị Hồng Liên - trưởng khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng công nghệ không thể nào tạo sự bùng nổ nếu như không có những người cố tình tạo ra và phát tán tin giả.
Để giảm thiểu hệ lụy của tin giả, các doanh nghiệp cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó với tin giả, xử lý ngay từ khi tin giả mới manh nha để tránh những hậu quả khó lường. Bà Liên còn nhấn mạnh: "Doanh nghiệp cũng không nên quá phụ thuộc vào Nhà nước trong việc xử lý tin giả".
Theo tôi, việc tung tin giả có chủ đích không đơn thuần phá hoại mà là một phương thức kiếm sống. Bởi kiếm sống nên họ không nghĩ nhiều về tác động họ gây ra, họ chỉ nghĩ làm để được thù lao, lợi ích kinh tế. Nhưng một tin giả mà khiến doanh nghiệp lao đao, làm ăn thất bát, khó khăn trăm bề, thậm chí đóng cửa thì đó rõ ràng là hành động sai trái.
TS TRẦN THỊ HỒNG LIÊN
TS Trần Thị Hồng Liên
Bùng nổ tin giả
* Người dân rất dễ dàng vấp phải tin đồn, tin giả, nhưng làm sao để gọi tên đó là tin giả?
- Từ thời Cổ đại thì con người đã tranh luận thế nào là tin giả, sau này triết học cũng tiếp tục tranh luận, song có điểm chung tin giả là tin không đúng sự thật, không dựa trên sự thật nào xảy ra trên thực tế.
Tin giả được bác bỏ khi người ta đưa ra những căn cứ chứng minh thông tin này sai, thêu dệt, không dựa trên một sự thật nào cả. Còn tin đồn, theo tôi, là tin đi trước khi người có thẩm quyền công bố chính thức.
* Như vậy tin giả đã có từ xưa và bùng nổ bởi công nghệ. Tuy nhiên, chúng ta có thể đổ lỗi cho các nền tảng công nghệ không, thưa bà?
- Công nghệ đã giúp tin tức lan tỏa cực nhanh nên đây là tiền đề để tin tức nói chung và tin giả được nhân lên hàng triệu lần (so với khi chưa có mạng xã hội, Internet). Tuy nhiên công nghệ sẽ không thể nào tạo sự bùng nổ nếu như không có những người cố tình tạo ra và phát tán tin giả lên trên các nền tảng này.
Khi công nghệ phát triển quá nhanh nhưng ý thức, hiểu biết và trách nhiệm xã hội của người dùng chưa phát triển tương xứng sẽ gây ra những hệ lụy như thời gian qua chúng ta đã chứng kiến.
Bên cạnh đó, pháp luật không phát triển kịp hoặc đi chậm hơn sự phát triển của đời sống cũng là kẽ hở để tin giả có đất sống. Những yếu tố trên đã cộng hưởng, tạo nên một trạng thái bùng nổ tin giả không mong muốn, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống như bây giờ, đặc biệt là nền kinh tế.
* Với lĩnh vực kinh tế, dường như tin giả đã khiến thị trường có những giai đoạn lao đao, đặc biệt là thị trường tài chính?
- Ai cũng có thể thấy rõ ràng thị trường đã chịu hệ lụy ngay lập tức bởi tin giả, đặc biệt là thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản... bởi đây là những thị trường của niềm tin. Đôi khi các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chưa kịp phản ứng, xử lý thì sáng hôm sau khi mở phiên giao dịch đã có hệ lụy.
Không riêng gì những doanh nghiệp ở Việt Nam bị tung tin giả, các doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng ảnh hưởng bởi tin giả, như Tesla từng bị tung video xe điện không người lái đâm robot hay động cơ cháy ở Thượng Hải.
Vậy vấn đề đặt ra ai tung và ai bị tung tin giả? Những doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ hiếm khi bị tung tin giả, thay vào đó là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đại chúng, có sức ảnh hưởng hoặc các doanh nghiệp không lớn nhưng chủ doanh nghiệp là những người nổi bật trong xã hội ở một khía cạnh nào đó.
Vậy ai là người tung, nếu vô tình tung tin giả cũng khó lan tỏa lớn và tần suất liên tiếp được mà phải là đối thủ, những mối quan hệ trong xã hội hoặc những người có lợi ích liên quan...
Hàng loạt tin giả khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, doanh nghiệp lao đao phân trần, khó huy động vốn làm ăn - Ảnh: Q.ĐỊNH
Phải có kịch bản phòng ngừa tin giả
* Theo bà, doanh nghiệp cần làm gì để chống những cú sốc trước tin giả?
- Với các doanh nghiệp lớn trên thế giới, họ có cả chiến lược bảo vệ rủi ro của công ty. Đó là các rủi ro về danh tiếng, tài chính, nhân sự... được xác định rõ và có những kế hoạch ứng phó hết sức nghiêm túc bởi với những công ty đại chúng, rất dễ "bốc hơi" vốn hóa hàng triệu, thậm chí hàng tỉ USD bởi những thông tin thất thiệt.
Chẳng hạn ở Việt Nam khi có doanh nghiệp diễn tập PCCC thì phải có cả những kịch bản và diễn tập, phòng ngừa tin giả, điều này trở thành một phần quan trọng trong quản trị rủi ro công ty. Các doanh nghiệp này làm rất nghiêm túc, thậm chí thuê các công ty công nghệ để rà soát khi tin giả mới manh nha và xử lý ngay lập tức nếu có nguy cơ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mình.
* Dù chuẩn bị các kịch bản để ứng phó với tin giả nhưng theo bà, nếu doanh nghiệp phát triển bằng những nền tảng, giá trị vững chắc, liệu có thể tự tin "cây ngay không sợ chết đứng" không?
- Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Để doanh nghiệp như "cây ngay" thì gốc của mình phải chắc chắn và bền vững. Doanh nghiệp bền vững sẽ giành được lòng tin đối với khách hàng, dù một ai nói xấu họ thì khách hàng sẽ không tin và đó là một chiến lược an toàn nhất.
Tôi lấy ví dụ tôi mua chung cư chẳng hạn, nếu ai đó nói xấu về chủ đầu tư này thì tôi chắc chắn sẽ không tin khi chủ đầu tư này đã đảm bảo các quyền lợi của khách hàng như tôi. Tuy nhiên, nếu về một chủ đầu tư khác thì tôi lại tin bởi thực tế đã xảy ra những vi phạm.
Do đó, ngoài việc doanh nghiệp ứng phó nhanh với các tình huống xảy ra thì doanh nghiệp còn có cách bảo vệ mình tốt nhất là xây dựng được lòng tin với khách hàng, đối tác, khi mà có tin giả thì chính những người đó sẽ đứng ra bảo vệ mình.
Để làm được điều đó, triết lý kinh doanh của người đứng đầu quan trọng bậc nhất, họ phải xây dựng văn hóa kinh doanh, truyền bá cho nhân viên, trở thành văn hóa của công ty được bảo vệ một cách nghiêm túc. Thực ra có những doanh nghiệp gặp khủng hoảng nhưng sau đấy lãnh đạo có những tầm nhìn đúng thì sau này họ vẫn phát triển rất bền vững.
Người đọc có trách nhiệm có thể góp phần ngăn chặn tin giả gây ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - Ảnh:Q.ĐỊNH
Người tung tin giả phải chịu trách nhiệm thích đáng
* Ở các quốc gia phát triển, luật bảo vệ những nạn nhân của tin giả ra sao?
- Dù hệ thống luật ở châu Âu và Mỹ có những điểm khác nhau nhưng họ vẫn có điểm chung về cách ứng xử với tin giả là nếu gây thiệt hại cho cá nhân thì người tung phải chịu trách nhiệm, không phải thích làm gì thì làm, thích hại ai thì hại.
Chẳng hạn với Mỹ, hiến pháp quy định nhà nước không có quyền phán quyết một phát biểu là đúng hay sai sự thật, song nếu ai đưa ra những tin không đúng, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự hoặc thao túng thị trường đều có thể bị khởi kiện và bị đưa ra xét xử.
Tất cả các hệ thống pháp luật đều chống lại việc tạo tin giả gây ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, tổ chức và pháp luật các nơi đều như thế, chỉ là ở mức độ khác nhau.
Với Việt Nam hiện tại, chúng ta đã có các quy định để xử lý hành chính, thậm chí phạt tù như trường hợp mới đây nhưng để đủ sức răn đe thì người tung tin giả phải chịu trách nhiệm một cách tương xứng với thiệt hại họ gây ra.
Tóm lại, một nền pháp trị công minh phải buộc những người hành động không đúng và có lỗi, gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm về những hệ lụy nghiêm trọng mà họ gây ra. Điều đó có thể khiến mỗi cá nhân phải hành động một cách thận trọng hơn.
* Nhiều doanh nghiệp quá phụ thuộc vào Nhà nước trong chống tin giả, điều này có nên?
- Đúng là tôi thấy hiện nay các doanh nghiệp dựa vào Nhà nước quá nhiều để xử lý tin giả. Vấn đề đặt ra có thể nào cho thị trường một cơ chế để giải quyết tin giả không, tức là doanh nghiệp phải có trách nhiệm nhiều hơn. Như vậy, doanh nghiệp sẽ có áp lực tự là mình phải luôn luôn đúng, trách nhiệm doanh nghiệp phải cao hơn, minh bạch hơn, sòng phẳng hơn với khách hàng.
Trong trường hợp tin giả tấn công, doanh nghiệp cũng phải thực hiện trách nhiệm giải trình của mình đối với các bên liên quan, thậm chí càng sớm càng tốt. Còn nếu cứ dựa vào Nhà nước, đẩy áp lực lên Nhà nước thì cũng khó lòng đủ nguồn lực để Nhà nước phân định hết đúng sai.
* Thưa bà, việc tin giả lan nhanh có trách nhiệm của những người dùng các nền tảng xã hội khi không ít người quá dễ dàng bấm nút chia sẻ?
- Chúng ta hãy là một người đọc có trách nhiệm, trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng. Đó là phải đọc kỹ nội dung, xem tin này có logic, có hợp lý, có mục đích gì, nguồn có đáng tin cậy... trước khi quyết định có chia sẻ tin này hay không, điều này giúp chúng ta không rơi vào trường hợp tiếp tay cho tin giả.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập (thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và cộng sự, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam):
Phát huy kênh thông tin chính thống
Tin giả dù đến từ bất cứ nguồn nào, được truyền tải bằng con đường và cách thức nào đều nguy hiểm. Tin giả dưới dạng các tin đồn còn gây ra các hệ lụy lâu dài và không kiểm soát được. Đó là sự mất niềm tin vào truyền thông và các thiết chế chính thống trong việc bảo đảm trật tự và an toàn chính trị, kinh tế và xã hội của quốc gia.
Nếu thông tin giả không được kiểm soát và ngăn chặn, xã hội dần dần sẽ mất trật tự, kỷ cương và ổn định, sự tổn hại và lãng phí các nguồn lực vật chất sẽ gia tăng và tất cả các bên bao gồm Nhà nước, các tổ chức và người dân đều gánh chịu thiệt hại.
Tin giả nếu là tin đồn, tin trên mạng xã hội thì nguyên nhân trước hết bởi các kênh truyền thông chính thức thiếu thông tin hoặc thông tin không kịp thời, đầy đủ. Sau đó là tâm lý và thói quen của người dân vốn tò mò, khát thông tin trong một môi trường thiếu thông tin hay thiếu sự phát triển của truyền thông đa chiều.
Ngoài ra, việc thiếu sự giáo dục cho người dân về tiếp cận và xử lý thông tin mà trong thời đại Internet được thế giới gọi là tình trạng "mù truyền thông". Có nghĩa rằng có quá nhiều thông tin mà con người bình thường không thể nhận dạng, phân biệt và đánh giá được.
Để ngăn chặn tin giả, thông thường người ta hay nghĩ tới biện pháp hành chính, tức các cơ quan chức năng tìm cách ngăn chặn tin giả bằng phương tiện kỹ thuật hay điều tra để truy cứu trách nhiệm và xử phạt. Cách này thực tế ít hiệu quả bởi người ta lại càng cho rằng tin giả đó là thật và khát tin hơn nữa.
Vì thế, cần thiết phải sử dụng các kênh truyền thông chính thức để cung cấp nhanh chóng, đầy đủ, nhất là các loại thông tin thiết yếu và nhạy cảm đối với đời sống của người dân; đồng thời phản ứng và cải chính kịp thời các thông tin giả khi nó gây ra các hậu quả xấu cho xã hội.
Từ góc độ pháp luật, đây cũng là cách bảo đảm thực thi hiệu quả Luật tiếp cận thông tin đã được ban hành.
Công an TP.HCM làm việc với một người đăng tin giả trên Facebook cá nhân - Ảnh: CACC
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu):
Minh bạch thông tin là chìa khóa
Một bộ phận người sử dụng mạng xã hội vẫn có suy nghĩ cho rằng không gian mạng là "ảo", là "vô danh" nên tự do phát ngôn, không nghĩ đến hậu quả và những hệ lụy phát sinh sau đó...
Bên cạnh đó, khi tin giả xuất hiện trên mạng, nếu không được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định và công bố đó là tin giả, người dân vẫn nghĩ đó có thể là tin thật, và tin giả ấy lại tiếp tục được phát tán theo cấp số nhân.
Tin giả phát tán nhanh nhưng việc xử lý, ngăn chặn của các mạng xã hội xuyên biên giới vẫn chậm so với mạng xã hội trong nước, do đó cần tăng cường một cách thực sự có hiệu quả công tác quản lý các mạng xã hội xuyên biên giới.
Trước thực trạng này có trách nhiệm và vai trò của các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Thông tin và Truyền thông. Chính phủ cũng cần quan tâm, xem xét ban hành nghị định sửa đổi nghị định 72 năm 2013 và nghị định 27 năm 2018 (về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng) nhằm tăng cường quản lý các mạng xã hội xuyên biên giới.
Các bộ, ngành và cơ quan liên quan chủ động hơn trong rà quét và phối hợp xác minh, xử lý tin giả. Một phần tin giả "lên ngôi" là do sự minh bạch thông tin chưa đáp ứng yêu cầu xã hội hiện nay. Minh bạch thông tin là chìa khóa cho câu chuyện tin giả, tin sai sự thật, tin thất thiệt này.
TTO - Vấn đề tin giả hiện đang được chú ý không chỉ bởi các hệ lụy khiến giới truyền thông hứng chịu trực tiếp, mà dường như cả xã hội cũng cảm nhận mình đang ít nhiều bị tin giả 'dắt mũi'.
Xem thêm: mth.95040038003012202-gnohk-coud-nahc-et-hnik-nen-naod-gnul-aig-nit/nv.ertiout