(*): Đây là biểu đồ so sánh lưu lượng hành khách toàn cầu dự kiến hàng quý vào năm 2021 và 2022 so với mức 2019 (giả sử tính mức 2019 = 100%) Nguồn: ACI - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: N.KH.
Tuần này, sân bay Heathrow (phi trường lớn nhất của Anh) ở London nhận định nhu cầu đi lại tại đây sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa (ít nhất là tới năm 2025) mới có thể quay lại mức trước dịch do triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng xấu đi, xung đột Nga - Ukraine và hệ lụy của dịch COVID-19.
Châu Mỹ phục hồi nhanh nhất
Câu chuyện tại sân bay Heathrow là một phần trong bức tranh vẫn còn nhiều mảng xám của ngành hàng không toàn cầu. Theo nghiên cứu gần đây của Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI), ngành này sẽ chỉ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024.
Hiện nay ngành hàng không toàn cầu đều đang trải qua giai đoạn phục hồi hậu đại dịch COVID-19, nhưng quá trình này diễn ra không đồng đều và còn chậm.
Trong quý 1 và quý 2 của năm 2022, lượng khách đi máy bay toàn cầu lần lượt 1,3 tỉ và 1,7 tỉ, tương đương 62% và 75,2% các mức cùng kỳ năm 2019. Sự phục hồi chủ yếu là do nhu cầu đi lại bằng đường không tăng đột ngột trong mùa hè ở Bắc bán cầu năm 2022, sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại.
Ngành hàng không ở khu vực Mỹ Latin và vùng Caribe đã phục hồi nhanh nhất trong nửa đầu năm 2022. Một số nước như Colombia, Cộng hòa Dominica và Mexico thậm chí đã vượt qua lượng khách của năm 2019. Khu vực Bắc Mỹ có mức phục hồi mạnh thứ hai trên thế giới nhưng cũng đã chậm lại so với xu hướng phục hồi nhanh chóng của năm 2021.
Trong khi đó, hoạt động của ngành hàng không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương có ít cải thiện nhất trong nửa đầu năm 2022. Các nước như Nhật Bản chỉ mới mở lại biên giới gần đây. Hay như đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) chỉ mới kết thúc chính sách cách ly tại khách sạn đối với tất cả khách nhập cảnh.
Ông Luis Felipe de Oliveira, tổng giám đốc ACI, cho rằng việc dỡ bỏ nhiều biện pháp phòng dịch ở châu Âu cũng như châu Mỹ đã mang lại sự lạc quan cho ngành hàng không. Tuy nhiên, sự phục hồi vẫn chưa đồng đều giữa các thị trường, đặc biệt ở những nơi vẫn còn hạn chế đi lại nghiêm ngặt và việc tiếp cận vắc xin COVID-19 bị hạn chế.
Nhiều thách thức phía trước
Thế giới đang dần hồi phục từ cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong thời hiện đại, sự kiện đã làm điêu đứng ngành hàng không. Nhiều hãng bay và sân bay chịu áp lực lớn về tài chính kể từ năm 2020. Giờ đây, mặc dù dường như đã có chút "ánh sáng cuối đường hầm" nhưng ngành này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
ACI, tổ chức đại diện cho 1.950 sân bay ở 185 quốc gia/vùng lãnh thổ, nhận định nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một loạt thách thức mới mà trong đó có cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát và giá nhiên liệu tăng... Nhìn chung, các thách thức này có nguy cơ làm gián đoạn tốc độ phục hồi sau đại dịch.
Cùng với đó là sự thiếu hụt nhân lực trong ngành hàng không sau thời gian dài "ít bay" vì dịch COVID-19.
Tháng trước, Schiphol, một trong những sân bay nhộn nhịp nhất châu Âu, cho biết lượng hành khách hằng ngày tại sân bay này của Hà Lan sẽ bị giảm khoảng 1/5 cho đến ít nhất là tháng 3-2023 để đảm bảo an toàn cho hành khách và nhân viên. Điều này buộc Hãng bay KLM phải hạn chế lượng vé bán cho mùa đông tới.
ACI dự báo sự phục hồi của ngành hàng không toàn cầu về mức trước đại dịch sẽ được thúc đẩy chủ yếu từ du lịch nội địa (dự kiến sẽ phục hồi về mức năm 2019 vào năm 2023). Du lịch quốc tế được dự báo sẽ phục hồi vào năm 2024. Lượng hành khách toàn cầu năm nay dự báo là 6,8 tỉ, giảm 33,1% so với năm 2019.
"Tốc độ phục hồi của ngành hàng không vẫn phụ thuộc vào nhiều bên liên quan và mức độ phối hợp của chính phủ các nước trên toàn cầu", ACI chỉ ra.
Không chỉ Việt Nam, hàng loạt sân bay trên toàn thế giới đang phải đối mặt với tình trạng quá tải vì hạ tầng yếu kém, thiếu nhân sự.
Xem thêm: mth.9961147003012202-hnart-gnort-noc-nav-ioig-eht-gnohk-gnah/nv.ertiout