Kết thúc mùa báo cáo tài chính quý 3, thép là một trong những nhóm ngành gây thất vọng nhất với bức tranh lợi nhuận đầy ảm đạm cùng “chằng chịt” các khoản lỗ kỷ lục. Ước tính, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán âm đến hơn 4.700 tỷ đồng trong quý 3, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. So với thời kỳ hoàng kim vào quý 2 năm ngoái, lợi nhuận toàn ngành thép đã giảm khoảng 18.700 tỷ đồng.
Bất ngờ nhất là Hòa Phát (HPG) khi doanh nghiệp đầu ngành thép có lần đầu tiên báo lỗ kể từ năm 2008 với khoản lỗ ròng lên đến gần 1.800 tỷ đồng. Theo sau, nhóm các doanh nghiệp lỗ hàng trăm tỷ đồng gồm 5 cái tên là Hoa Sen Group (HSG), Pomina (POM), VNSteel (TVN), Thép Nam Kim (NKG) và Thép SMC (SMC).
Một số doanh nghiệp thoát lỗ nhưng lợi nhuận cũng giảm rất sâu trên dưới 90% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chỉ có Thép Thái Trung (TTS), Thiên Nam (TNA) tăng trưởng dương trong quý vừa qua nhưng lợi nhuận rất khiêm tốn chỉ vài tỷ đồng.
Về cơ bản, lợi nhuận của ngành thép khá đồng pha với diễn biến của giá thép trên thế giới. Hầu hết các doanh nghiệp thép đều đã đạt đỉnh lợi nhuận vào quý 2 và 3 năm ngoái, thời điểm giá thép liên tục tăng nóng và neo quanh vùng đỉnh cao chưa từng thấy. Giai đoạn đó, lợi nhuận ngành thép lên đến hàng chục nghìn tỷ trong đó riêng“anh cả” Hòa Phát đã có lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 tỷ lợi nhuận vào quý 3/2021 và dẫn đầu toàn sàn.
Tuy nhiên, giá thép sau đó đã hạ nhiệt và giảm mạnh kéo theo lợi nhuận của các doanh nghiệp thép liên tục tăng trưởng âm và đỉnh điểm là thua lỗ kỷ lục như trong quý 3 vừa qua. Theo dữ liệu từ Trading economics, giá thép thanh đã giảm 40% từ đỉnh qua đó rơi xuống mức thấp nhất trong vòng gần 29 tháng, thổi bay toàn bộ đà tăng giá trong năm 2021.
Tương tự, giá HRC cũng đã liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 4 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Sau khoảng 7 tháng, giá loại hàng hóa này đã giảm hơn một nửa và đang ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm. Cùng xu hướng, giá thép xây dựng trong nước cũng đã giảm trở lại sau khi tăng nhẹ trong nửa đầu tháng 8. Ngược lại, giá than – nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản xuất thép, vẫn đang neo cao gần đỉnh cũng ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận ngành thép.
Tồn kho giảm mạnh
Trong bối cảnh giá thép có xu hướng giảm, lượng tồn kho khủng sẽ gây áp lực lớn lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này được minh chứng rõ ràng qua những khoản lỗ lớn trong quý 3 sau khi nhiều doanh nghiệp thép đẩy lượng tồn kho lên cao kỷ lục vào cuối quý 2 trước đó. Tuy nhiên, tổng lượng tồn kho toàn ngành đã giảm mạnh (khoảng 25.000 tỷ) trong quý 3, ước tính còn 85.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 5 quý trở lại đây.
Trong quý 3, Hòa Phát là cái tên xả kho mạnh nhất với lượng tồn kho giảm gần 13.700 tỷ đồng so với đỉnh vào cuối quý trước. Tuy nhiên, tồn kho của doanh nghiệp này vẫn chiếm quá nửa trong tổng lượng tồn kho của toàn ngành thép thời điểm 30/9, với giá trị gần 44.000 tỷ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá gần 900 tỷ).
Không chỉ riêng Hòa Phát, tồn kho của hầu hết các doanh nghiệp thép hàng đầu đều đã giảm mạnh, chỉ trừ một vài ngoại lệ như Thép Nam Kim (NKG), Thép Tiến Lên (TLH), Tisco (TIS),... vẫn tiếp tục tăng tích trữ. Hoa Sen Group (HSG), VNSteel (TVN), Pomina (POM), Thép SMC (SMC) là những doanh nghiệp có lượng tồn kho giảm đến đến hàng nghìn tỷ sau quý vừa qua.
Áp lực từ tồn kho giá cao phần nào đã vơi bớt tuy nhiên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép có thể khởi sắc trở lại hoặc chỉ đỡ “bết bát” hơn hay không còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá thép thời gian tới. Về cơ bản, loại hàng hóa này rất khó dự báo xu hướng do chịu tác động bởi nhiều yếu tố phức tạp như quá trình mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc hay cuộc khủng hoảng năng lượng tại Châu Âu,...