Lao động trong ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam - Ảnh: A.C.
Ngày 30-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một số hiệp hội và doanh nghiệp tư nhân có nhiều ý kiến về dự thảo có quy định mới trong việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động.
Ông Trần Hữu Hậu - phó tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam - cho rằng quy định đưa cách tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở, thanh tra cơ sở trong hội doanh nghiệp là không phù hợp.
"Hai cái khác nhau hoàn toàn. Dân chủ cơ sở có thể quy định trong doanh nghiệp vốn nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn không phù hợp. Doanh nghiệp là hoạt động theo luật, tất cả chính sách bảo vệ người lao động, thanh tra nhân dân với tài sản của doanh nghiệp nhà nước thì được", ông Hậu giải thích.
Cũng có quan điểm tương tự, ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho rằng dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở có thể quy định ở doanh nghiệp nhà nước vì có phần vốn nhà nước.
Ông Nam chia sẻ câu chuyện cộng đồng doanh nghiệp ngành nghề đọc dự thảo thấy bất cập, bởi từ đăng ký hoạt động, đến quá trình hoạt động đã tuân thủ công khai minh bạch theo Luật doanh nghiệp, Bộ luật lao động, Luật công đoàn, trong đó các yếu tố tuân thủ bảo vệ người lao động được ràng buộc bằng văn bản.
Luật dân chủ cơ sở yêu cầu có ban thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp bắt buộc báo cáo công khai minh bạch, từ chiến lược đến phát triển kinh doanh, lương thưởng… Ông Nam đề nghị Quốc hội xem xét lại: "Quy định này với doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo ra bất cập lớn, xung đột đi ngược lại với các quy định trong Luật lao động, Luật doanh nghiệp".
Là doanh nghiệp kinh doanh gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh, đại diện Công ty TNHH Taika (quận 12, TP.HCM) chia sẻ có biết dự thảo Luật thực hiện dân chủ cơ sở, nhưng cũng thấy không phù hợp vì doanh nghiệp tư nhân, nếu công khai hết thì thông tin kinh doanh công ty sẽ bị lộ.
"Mỗi công ty có cách thức kinh doanh riêng, hiểu nôm na là có những chiến lược riêng, tình hình sản xuất, bí mật kinh doanh hoạt động khác nhau. Công khai hết thang lương, bảng lương cho toàn thể người lao động trong công ty là không chính đáng. Điều này áp dụng với doanh nghiệp nhà nước thì phù hợp hơn", đại diện Công ty Taika nói.
Trước đó, 8 hiệp hội doanh nghiệp gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, Hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM, Hội Thực phẩm minh bạch, Hội Dệt may Việt Nam, Hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy đã có văn bản kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được lấy ý kiến tại Quốc hội và dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 10-2022.
Đại diện các hiệp hội cho rằng Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở nếu áp dụng cho doanh nghiệp tư nhân sẽ gây ra nhiều khó khăn và chưa phù hợp với thực tế như chồng chéo, trùng lặp không cần thiết; phát sinh thêm thanh tra nhân dân gây tốn chi phí; đi ngược lại với quyền tự chủ của doanh nghiệp theo Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và Luật sở hữu trí tuệ…
TTCT - Trong 11 luật và bộ luật vừa được Chủ tịch nước công bố lệnh thông qua đầu tuần này, Bộ luật lao động với 17 chương, 220 điều được cho là sẽ có những tác động sâu sắc và mạnh mẽ tới thị trường và các mối quan hệ lao động về sau. Đó là những thay đổi đáng chú ý về khái niệm người lao động (NLĐ) và hợp đồng lao động (HĐLĐ) mở rộng phạm vi bảo vệ tới nhiều đối tượng lao động đa dạng của thị trường...