Bị cáo Phan Thanh Hữu khai chấp nhận tất cả để con được tại ngoại - Ảnh: A LỘC
Ngày 31-10, phiên tòa sơ thẩm xét xử 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu xăng dầu liên tỉnh (giai đoạn 1 chuyên án 920G) về tội "buôn lậu" và "nhận hối lộ" tiếp tục phần xét hỏi.
Tại phiên tòa, các luật sư đã hỏi bị cáo Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) để làm rõ về vốn góp, số lượng xăng nhập lậu và số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam.
Để làm rõ số tiền thu lợi bất chính như cáo trạng truy tố, luật sư hỏi cơ sở nào để tính ra tiền bị cáo lời 2.000 đồng/lít nhập lậu. Hữu khai: "Lẽ ra phải tính theo cách tính thu chi, trừ các chi phí bôi trơn… trên số xăng nhập lậu, nhưng cơ quan điều tra vẫn buộc bị cáo lời 2.000 đồng/lít. Bị cáo chấp nhận hết vì nói ra rất kẹt cho bị cáo bởi con bị cáo cũng bị giam và chưa được tại ngoại".
Hữu cũng khai trong quá trình buôn lậu, ngoài tiền cước, tiền neo đậu, lai dắt tàu… thì đều "có khoản tiền bôi trơn hằng tháng để nhập lậu". Theo Hữu, danh sách quyết toán, "bôi trơn" và các chi phí cơ quan điều tra đã thu giữ.
Trong phần xét hỏi, luật sư đã đề nghị cho cách ly nhóm bị cáo liên quan đến việc tiêu thụ xăng lậu để việc xét hỏi được khách quan.
Bị cáo Khoa bật khóc tại phiên tòa - Ảnh: H.MI
Khi được hỏi về việc góp vốn nhập xăng, điều động hai chiếc tàu của mình để nhập xăng, bị cáo Đào Ngọc Viễn cho hay sau khi góp vốn với bị cáo Phan Thanh Hữu thì việc điều động thuyền trưởng hai tàu này đưa xăng vào Việt Nam đều do Hữu. Hữu dùng điện thoại vệ tinh để thông báo cho thuyền trưởng khi đưa xăng lậu vào Việt Nam. "Bị cáo không liên lạc được với hai thuyền trưởng của tàu mình để nhận hàng" - bị cáo Viễn khai.
Viễn khai suốt từ lúc bắt đầu làm đến khi bị bắt, Viễn không liên lạc trực tiếp với Hữu do có mâu thuẫn. Dù khẳng định không nắm được số lượng cụ thể trong từng chuyến hàng, nhưng Viễn thừa nhận góp vốn 10% và nhận lợi bất chính từ hoạt động buôn lậu với số tiền khoảng 25-27 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền này thấp hơn số tiền 46,7 tỉ đồng mà cáo trạng truy tố.
Để làm rõ hơn đường dây buôn lậu, tòa đã cho mời tiếp bị cáo Nguyễn Minh Khoa (giám đốc Công ty Thuận Phát), là người bị cáo buộc giúp sức cho Đào Ngọc Viễn để trả lương, liên lạc với hai thuyền trưởng tàu Pacific Ocean, Western Sea nhập xăng lậu và hưởng lợi từ hành vi buôn lậu 100 triệu đồng.
Bị cáo Khoa khai chỉ hưởng lương, hưởng chênh lệch từ tiền cho thuê tàu. Khoa cho rằng mình không buôn lậu và khi bị bắt mới biết là bị cáo Viễn tham gia buôn lậu. Khoa nói: "Bị cáo không oan nhưng không chỉ đạo, không trực tiếp buôn lậu". Bị cáo Khoa thừa nhận mình sai và đã bật khóc khi nói đến hoàn cảnh vợ bị u não nằm liệt và mẹ chết mà gia đình giấu.
Để làm rõ hơn cáo buộc hành vi giúp sức của Khoa, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã cho công bố bút lục các lời khai cho thấy Khoa khai có biết được xăng nhập lậu, đồng thời theo chỉ đạo của Viễn, Khoa tiếp tục chỉ đạo hai thuyền trưởng tàu Pacific Ocean, Western Sea và biết được cả bị cáo Phan Thanh Hữu tổ chức buôn lậu xăng…
Theo cáo trạng, Hữu cùng đồng phạm buôn lậu hơn 197 triệu lít xăng về Việt Nam, thu lợi bất chính hơn 156,2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng nay, Hữu cho rằng chỉ nhập lậu khoảng 190 triệu lít xăng. Trong đó, 127 triệu lít xăng bán tại thị trường Việt Nam, khoảng 67 triệu lít xăng bán qua Campuchia. Do đó, Hữu cho rằng số tiền thu lợi bất chính chỉ khoảng 102 tỉ đồng.
TTO - Đáng chú ý trong đại án buôn lậu xăng, bị cáo đầu vụ Phan Thanh Hữu, được xem là ông ‘trùm’ buôn lậu, đã kéo con trai cùng vào cuộc để tạo ‘vỏ bọc’ qua các cuộc chuyển tiền.