Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong tháng 9, cả nước có 12.684 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 117.200 tỷ đồng, giảm 9,7% về số doanh nghiệp và giảm 13,4% về vốn đăng ký so với tháng 8/2023. So với cùng kỳ năm 2022 thì tăng 10,6% về số doanh nghiệp nhưng giảm 13,9% về số vốn đăng ký.
Bên cạnh đó, cả nước còn có 5.808 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,2%ef so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 4,1% so với tháng trước và giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2022
Tính chung 9 tháng năm 2023, cả nước có 116.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.086,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% về số doanh nghiệp và giảm 14,6% về vốn đăng ký.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.486,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 35.600 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 2.573,1 nghìn tỷ đồng, giảm 34,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, có 48.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,2% so với 9 tháng năm 2022, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 165.200 doanh nghiệp, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đạt 165.200 doanh nghiệp, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Bình quân một tháng có 18.400 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, 9 tháng năm nay có 1.242 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm trước; 27.700 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 0,8%; 87.400 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 4,9%.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 9 có 4.124 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 20,4% so với tháng trước và tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời có 5.273 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 1,1% và tăng 25,9%; có 1.441 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,8% và giảm 4,9%.
Tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 75.800 doanh nghiệp, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước; 46.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%.
Tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đạt 135.100 doanh nghiệp, tăng 19,9% so với cùng kỳ. Bình quân một tháng có 15.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Xét theo lĩnh vực hoạt động, kinh doanh bất động sản vẫn cho thấy nhiều khó khăn bởi chỉ có 3.394 doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng qua, giảm đến 52,4% so với cùng kỳ; song có 963 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, tăng 10,7%.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo cũng giảm 3,7% về số doanh nghiệp thành lập mới, đạt 13.861 doanh nghiệp, nhưng điểm tích cực là số doanh nghiệp giải thể đã giảm 11,1% xuống còn 1.454 doanh nghiệp.
Trong khi đó, lĩnh vực xây dựng có tín hiệu khả quan khi có 12.456 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,6% so với cùng kỳ và chỉ có 975 doanh nghiệp giải thể, giảm 23,4%....
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2023 cho thấy, có 30,1% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2023; 37,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 32,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Dự kiến quý IV/2023, có 39,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2023; 37,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 23,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lạc quan nhất với 77,3% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2023 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2023; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 74,4% và 74,3%.
Các doanh nghiệp cho rằng, nhu cầu thị trường trong nước thấp là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh trong quý III năm nay. Bên cạnh đó, các yếu tố như: khả năng cạnh tranh của hàng hoá trong nước; nhu cầu thị trường quốc tế thấp; khó khăn về tài chính; lãi suất vay vốn cao; tính cạnh tranh của hàng hoá nhập khẩu cao; thiếu nguyên nhiên, vật liệu;… cũng là những yếu tố tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp.