Chia sẻ tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 tổ chức chiều 30/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương bày tỏ, trước khi công bố kết quả kinh tế xã hội quý III và 9 tháng đầu năm, bản thân ông và lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảm thấy rất "hồi hộp".
"Kết quả công bố GDP quý III tăng 5,33% là vượt mong đợi, trong bối cảnh rất khó khăn, đóng góp cho tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 4,24%", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, nhiều chỉ số có sự cải thiện. Bình luận về điều này, ông Phương nói rằng: "Mặc dù kết quả không tăng trưởng vượt bậc, nhưng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cứ từ từ "bò dần lên" như vậy cũng là điều đáng mừng".
Thậm chí, nếu so sánh với quốc tế và khu vực thì tăng trưởng của chúng ta là cao. Tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc; thậm chí hơn cả những nước châu Âu như Anh, Pháp, Mỹ.
Các Thứ trưởng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 |
Có câu hỏi của phóng viên gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị bình luận về kết quả đạt được từ hai động lực lớn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là xuất khẩu và đầu tư công.
Trả lời, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang dựa vào ba động lực chính là tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư công.
"Khi thị trường xuất khẩu khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt thì việc quay về thị trường trong nước là đúng đắn", ông Phương nói và nhấn mạnh, mặc dù thời gian qua tiêu dùng trong nước phát triển chưa như mong đợi nhưng có đóng góp tốt, bán lẻ hàng hoá 9 tháng đầu năm tăng trên 9% so với cùng kỳ.
Động lực thứ hai là về xuất khẩu. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn về xuất khẩu, từ đó nhập khẩu (chủ yếu nhập nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu) cũng giảm nhiều, chênh lệch giữa nhập khẩu với xuất khẩu rất cao. Nhưng có điều rất mừng là xuất khẩu tháng sau có sự tiến bộ hơn tháng trước.
Về đầu tư công, Thứ trưởng đề nghị có cái nhìn khách quan đối với động lực hết sức quan trọng này. 9 tháng đầu năm nay, chúng ta giải ngân được 51,38% vốn kế hoạch.
"Chưa bao giờ giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm cao bằng năm nay vì chưa bao giờ vượt qua mức 50% (năm ngoái là 46,7%), nhưng năm nay đã đạt mức 51,38%", ông Phương nói và chia sẻ thêm, năm 2023 là một năm đặc biệt, giá trị tuyệt đối của đầu tư công cực lớn, riêng 9 tháng đầu năm nay đạt khoảng 363.310 tỷ đồng, vượt 110.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong số vốn giải ngân 363.310 tỷ đồng của 9 tháng, vốn trong nước là 355.374,7 tỷ đồng (đạt 52,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là 7.935,9 tỷ đồng (đạt 28,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Số vốn giải ngân từ nguồn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 49.470 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch Thủ tướng giao.
Hiện có 8 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, những tỉnh có tỷ lệ rất cao gồm: Long An (93,85%); Bình Dương (91,28%); Đồng Tháp (84,06%); Tiền Giang (83,49%); Bà Rịa - Vũng Tàu (81,52%); Hải Phòng (81,02%).
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 42 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Tính theo giá trị giải ngân tuyệt đối, Bộ Giao thông Vận tải đạt cao nhất với trên 55.917 tỷ đồng, Hà Nội đạt trên 25.251, TP.HCM gần 22.000 tỷ đồng, Bình Dương hơn 11.120 tỷ đồng, Hải Phòng trên 10.859.265 tỷ đồng…