Năm ngoái, Trung Quốc công bố trồng được 67.000 ha thanh long, sản lượng 1,6 triệu tấn, nhiều hơn Việt Nam cả về diện tích và sản lượng. Nước này sau đó cho nông dân tăng thêm diện tích, đa dạng sản phẩm và hỗ trợ kỹ thuật để đạt năng suất cao.
Theo People's Daily, gần đây nông dân tại Từ Hi, Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc, liên tục làm việc thâu đêm để thụ phấn nhân tạo cho thanh long để đảm bảo một vụ thu hoạch thành công. Tại đây, nông dân vùng này cũng đẩy mạnh diện tích hơn so với trước. Điều này khiến giá hàng ruột đỏ ở Nam Ninh đang có giá thấp hơn so với hàng Việt.
Khảo sát của Produce Report cho thấy tháng 7-8 là cao điểm mùa cung cấp thanh long. Tại Quảng Tây - nơi sản xuất thanh long lớn nhất Trung Quốc - giá đã xuống thấp kỷ lục. Thanh long ruột đỏ tại một khu chợ ở thủ phủ Nam Ninh có giá bán lẻ khoảng 7 nhân dân tệ (23.000 đồng một kg), trong khi thanh long ruột trắng từ Việt Nam có là khoảng 9 nhân dân tệ (30.000 đồng một kg).
Ngoài Nam Ninh, trên các điểm bán hàng khắp Trung Quốc, thanh long cũng tràn ngập các chợ và giá đa phần rẻ hơn hàng Việt. Ngoài trồng thanh long ruột đỏ, nông dân nước này cũng đang nghiên cứu trồng loại màu vàng để có lợi nhuận tốt vì giá bán đang là 36 nhân dân tệ (120.000 đồng) một kg.
Sự tăng vọt của thanh long trồng trong nước là nguyên nhân khiến Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Việt Nam. Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, khối lượng nhập khẩu thanh long (Việt Nam chiếm 99,9%) trong nửa đầu năm nay đạt 206.000 tấn với giá trị 1,37 tỷ nhân dân tệ (187 triệu USD), giảm so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 50,4% và 42,9%. Đây là mức thấp nhất trong gần một thập kỷ.
Nói với VnExpress, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận cho biết hàng Việt đang ngày càng lép vế ở thị trường Trung Quốc. Năm nay, hoạt động xuất khẩu thanh long Việt Nam èo uột. Trước đây, thanh long luôn là sản phẩm dẫn đầu về sản lượng và giá trị xuất khẩu của ngành rau quả Việt Nam với kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD. Nhưng từ 2022 đến nay, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này liên tục lao dốc.
Số liệu từ Hải quan Việt Nam cho thấy tháng 8, xuất khẩu thanh long đạt 40,6 triệu USD, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 34% so với tháng 7. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu thanh long đạt 442 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ 2022. Cả hai sản phẩm thanh long ruột trắng và đỏ đều sụt giảm mạnh ở thị trường Trung Quốc. 8 tháng, xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang Trung Quốc giảm tới 36,5%, sang Mỹ giảm 39%.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, hoạt động xuất khẩu trái cây này sang Trung Quốc và Mỹ không còn hiệu quả như trước do Trung Quốc đã trồng được thanh long. Còn thị trường Mỹ, Canada, Mexico cũng đã canh tác được thanh long khiến thị phần xuất khẩu của Việt Nam vào các quốc gia này hạn chế.
Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng trong số top 5 các loại trái cây xuất khẩu dẫn đầu thị trường, thanh long là sản phẩm đang bị ảnh hưởng bởi thị trường Trung Quốc. Nếu 5 năm trước, Việt Nam là nguồn cung chủ yếu cho Trung Quốc và Thái Lan, gần đây các nước này xác định đây là cây trồng chính, đang tập trung phát triển thành cây chủ lực. Do đó, khi hàng trong nước dồi dào, hàng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ bị lép vế nếu chất lượng không quá vượt trội.
Cũng theo ông Nguyên, Trung Quốc, Mexico đang áp dụng công nghệ thắp đèn để thanh long cho thu hoạch quanh năm. Là hàng nội địa, có ưu thế về vị trí địa lý, chi phí logistics thấp hơn nhiều so với Việt Nam nên thanh long từ các nước này đã chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, thu hẹp thị phần của thanh long Việt Nam.
Ấn Độ, trước đây chiếm 8-10% kim ngạch xuất khẩu thanh long Việt Nam, cũng đang phát triển mạnh diện tích và đã trồng được 50.000 ha thanh long. "Các vùng trồng thanh long gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới. Họ nghiên cứu thêm những giống thanh long có chất lượng cao, đây là áp lực rất lớn với thanh long Việt Nam", ông Nguyên nói.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, ngành thanh long Việt Nam đối mặt với 2 thách thức từ vùng trồng trọt và công nghệ bảo quản chế biến. Trong đó, nông dân đang lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dùng không đúng liều lượng khiến sản phẩm sau khi thu hoạch vẫn có dư lượng vượt mức quy định, không đáp ứng quy định an toàn về thực phẩm của một số nước nhập khẩu.
Hiện, EU áp dụng lấy mẫu thanh long với tỷ lệ 20% lô hàng để kiểm tra dư lượng hóa chất. Mới đây, Anh cũng yêu cầu lấy mẫu tới 50% lô hàng, khiến việc xuất khẩu đến các thị trường này tiếp tục lao dốc.
Ngoài ra, quả thanh long dễ hư hại, sau khi thu hoạch cần được bảo quản đúng cách để đảm bảo chất lượng nhưng công nghệ bảo quản thanh long tươi của Việt Nam còn hạn chế, chưa được 60 ngày. Do đó, hàng này khó xuất khẩu bằng tàu biển đi xa mà phải chở bằng máy bay, cước phí cao nên rất khó tiêu thụ số lượng nhiều.
Trong diễn đàn thanh long tổ chức ở Bình Thuận gần cuối tháng 9, ông Nguyên đề xuất nhiều giải pháp cho ngành thanh long. Trong đó, ông cho rằng doanh nghiệp cần đặt hàng các cơ quan khoa học kỹ thuật nghiên cứu kỹ thuật bảo quản trái thanh long được dài ngày. Điển hình như cherry của Chile bảo quản được ít nhất 60 ngày và là nước xuất khẩu nhiều cherry nhất vào Trung Quốc dù khoảng cách giữa hai nước gần nửa vòng trái đất.
Để giữ thị trường xuất khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng các địa phương không mở rộng thêm diện tích trồng mới; chỉ thay thế các vườn thanh long già cỗi để có năng suất, chất lượng trái tốt hơn. Các địa phương, doanh nghiệp cũng cần hướng dẫn người dân nâng cao kỹ thuật canh tác, đảm bảo tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu, tránh tình trạng bị nâng tỷ lệ kiểm tra như EU đang áp dụng.
"Ngoài ra, các cơ sở chế biến sâu cần nghiên cứu để sử dụng thanh long thành sản phẩm mỹ phẩm phục vụ làm đẹp như mặt nạ , kem dưỡng da... cho tiêu dùng trong nước và xuất như các nước Nam Mỹ đang làm", ông Nguyên gợi ý.
Thi Hà