Ngày 1.10, Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa phát hiện thêm một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ (Mpox), đây là bệnh nhân thứ 4 được phát hiện tại TP.HCM.
Theo đó, 28.9, nam bệnh nhân 34 tuổi đến khám tại Bệnh viện Da liễu với các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM.
Một ngày sau đó, xét nghiệm cho kết quả bệnh nhân dương tính với đậu mùa khỉ. Bệnh nhân hiện đang được cách ly điều trị.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã tiến hành điều tra tiền sử đi lại, lập danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 21 ngày trước khi khởi bệnh.Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân thường trú tại H.Bình Chánh, chưa ghi nhận yếu tố tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây.
Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được thông báo và thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày, nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh báo ngay cho trạm y tế. Bên cạnh đó, người ở chung với bệnh nhân được hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ căn nhà, phòng và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân. Những người tiếp xúc hiện sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận dấu hiệu mắc bệnh.
Trường hợp bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ trước đó tạm trú tại TP.HCM (bệnh nhân thứ 3) hiện vẫn được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, sức khỏe ổn định. Ngoại trừ 1 người tiếp xúc gần với người này tại Bình Dương đã mắc bệnh đậu mùa khỉ thì những người tiếp xúc còn lại chưa ghi nhận dấu hiệu bệnh.
Tại Việt Nam, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Ngay từ khi phát hiện ca đầu tiên xâm nhập từ nước ngoài vào năm 2022, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo HCDC và các bệnh viện, phòng khám… triển khai các hoạt động giám sát và truyền thông phòng chống sự lây lan của bệnh.
Ngành y tế khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng. Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Người bệnh đồng thời cũng cần phối hợp truyền thông cho những người tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan.
Trường hợp nào được xem là nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ?
Là trường hợp có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai… ).
Có một trong nhiều triệu chứng sau: đau đầu, sốt trên 35 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết); đau cơ, đau lưng đau nhức cơ thể; mệt mỏi).
Có một trong các yếu tố dịch tễ sau: trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có tiếp xúc với người bệnh được xác định hoặc người bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh. Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có quan hệ với nhiều bạn tình. Những trường hợp này cần đến cơ sở y tế để khám.
Sở Y tế dẫn thông tin của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết, tính đến ngày 27.9.2023, trên toàn thế giới đã có 90.630 ca bệnh đậu mùa khỉ được xác định. Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có sự gia tăng mạnh số ca bệnh đậu mùa khỉ mới ở Thái Lan và Trung Quốc, hầu hết bệnh nhân là nam giới trẻ, đa số có quan hệ tình dục đồng giới.