vĐồng tin tức tài chính 365

Ngân hàng tuần qua: NHNN lý giải nguyên nhân hút ròng tín phiếu, tái cơ cấu kéo dài, không bỏ room tín dụng

2023-10-01 14:38

Hỗ trợ lãi suất 2%: Nơi ế vốn, chỗ thiếu nguồn

Tại nhiều địa phương, chưa doanh nghiệp nào được vay gói nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ với lý do ngân sách không bố trí được nguồn. Trong khi gói hỗ trợ lãi suất 2% lại dư nguồn, nhưng lại bị doanh nghiệp... "chê".

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 8/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất 2% (gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng từ ngân sách) đạt hơn 169.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 57.000 tỷ đồng cho hơn 2.100 khách hàng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 781 tỷ đồng, tức mới đạt gần 2%.

Theo lý giải của các cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến gói hỗ trợ này giải ngân chậm chủ yếu là do tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất như theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục thanh, kiểm tra; khó đánh giá về khả năng “phục hồi” trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định…

Trong khi gói hỗ trợ lãi suất 2% thừa nguồn, nhưng ế vốn, thì gói hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP lại đang thiếu nguồn để triển khai. Tại một số địa phương, chưa doanh nghiệp nào được tiếp cận nguồn vốn này.

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh mới đây, lãnh đạo Sở Xây dựng Bắc Ninh đề xuất Ngân hàng Nhà nước bỏ gói vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100, vì đến nay, chưa doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh tiếp cận được, dù đã triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 (7 năm).

Lý giải nguyên nhân tình trạng này, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đối với việc cho vay qua các tổ chức tín dụng (TCTD) được chỉ định, đến nay, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đều đã ban hành đầy đủ quy trình triển khai cho vay, nhưng lại chưa thể triển khai.

Nguyên nhân là do ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn ngân sách cấp bù.

“Đây là gói mà cơ chế cho vay là các ngân hàng cho vay và được cấp bù lãi suất, tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay các ngân hàng không có nguồn cấp bù để triển khai”, ông Bắc thông tin và cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng như Bộ Xây dựng đã có nhiều ý kiến, kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn cho việc cấp bù lãi suất.

Còn với kênh qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, hiện Chính phủ chỉ cho vay với người mua nhà, còn với chủ đầu tư, Chính phủ đang có đề án, khi đề án được duyệt thì mới thực hiện.

Tuy nhiên, ngay cả cho vay với người mua nhà cũng đang gặp khó, vì khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ở các vùng khó khăn.

Đối với các doanh nghiệp, bản thân Ngân hàng Chính sách xã hội chưa có kinh nghiệm cho vay các doanh nghiệp bất động sản, cần phải nâng cấp trình độ cán bộ, mạng lưới, quy trình thì mới triển khai được.

“Do đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng đề án, sau khi duyệt đề án mới thực hiện duyệt cho vay các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội.

Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội đang xây dựng, trình Chính phủ duyệt nên chủ đầu tư chưa vay được. Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án”, ông Bắc thông tin.

Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đã nhận diện được những vấn đề này, theo đó, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định 100 để trong thời gian tới đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội.

Đồng thời, trước thực trạng khó khăn nêu trên, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các gói đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ ban hành gói 120.000 tỷ đồng, dùng nguồn lực các ngân hàng, không dùng ngân sách.

“Kinh nghiệm nếu dùng ngân sách thì thủ tục sẽ kéo dài, tâm lý e ngại của doanh nghiệp sau này thanh tra, kiểm tra, do đó, Ngân hàng Nhà nước tham mưu Chính phủ dùng nguồn lực chính các ngân hàng thương mại, mong muốn đơn giản, đỡ phức tạp hơn, triển khai nhanh, đi vào cuộc sống nhanh”, ông Bắc nói.

Ngân hàng đã giảm đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng bất động sản tăng gần 5%

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định đang giám sát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ và chất lượng tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao; bảo đảm cung ứng vốn để thị trường chứng khoán, bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Thống đốc NHNN khẳng định, đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (trong đó có một số lĩnh vực kinh doanh bất động sản có tính chất đầu cơ, phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung…, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ), bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, NHNN đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.

Thứ nhất, NHNN giám sát thường xuyên, liên tục đối với tình hình hoạt động các đơn vị trong hệ thống và xây dựng các báo cáo giám sát an toàn vĩ mô, vi mô theo định kỳ đối với các đối tượng và nhóm đối tượng giám sát; giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp,…) qua hệ thống báo cáo thống kê và từ các nguồn thông tin khác. Trên cơ sở kết quả giám sát, ban hành các văn bản cảnh báo, khuyến nghị đối với các vấn đề cần quan tâm.

Thứ hai, NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng đưa nội dung thanh tra về hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm.

Thứ ba, NHNN kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, bất động sản kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất đốngản; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD, cho vay chéo..., đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn.

Tính đến cuối tháng 5/2023, toàn hệ thống có 40 tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với tổng số dư là 205,4 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7% so với cuối năm 2022 và giảm 11,6% so với năm 2020. Tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trên tổng dư nợ tín dụng nhỏ, chiếm 1,67%, thấp hơn mức 2,0% cuối năm 2022.

Tính tới cuối tháng 7/2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán chiếm tỷ trọng 0,55% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 62% so với cuối năm 2022, trong đó dư nợ tập trung để đầu tư, kinh doanh chứng khoán ít rủi ro (chủ yếu là trái phiếu Chính phủ) chiếm 82,7% tổng dư nợ chứng khoán và tăng 72,7% so với cuối năm 2022.

Tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng gần 5% so với cuối năm 2022, chiếm 21,73% tổng dư nợ nền kinh tế.

Ngân hàng thừa tiền, vì sao không bỏ room tín dụng?

Năm 2022, Quốc hội lần đầu tiên chất vấn Thống đốc NHNN về room tín dụng, yêu cầu tiến tới bỏ room tín dụng. Năm 2023, cơ chế này vẫn được áp dụng dù các ngân hàng dư thừa room.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc cho hay, năm 2023, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ định hướng điều hành tín dụng năm 2023, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

NHNN đã cấp 2 đợt room tín dụng cho các ngân hàng vào tháng 2/2023 và tháng 7/2023. Việc thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần một đối với từng tổ chức tín dụng căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả chấm điểm xếp hạng tổ chức tín dụng đến thời điểm gần nhất, mức độ tập trung tín dụng, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém), tình hình thực tiễn thị trường...​

Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng được Ngân hàng nhà nước thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Tín dụng đến giữa tháng 9/2023 mới tăng 5,56%, dư địa tăng trưởng còn rất lớn song các ngân hàng khó giải ngân vì sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Dù vậy, NHNN vẫn chưa có ý định thay đổi cơ chế điều hành room tín dụng hiện nay.

Theo Thống đốc, hiện nay, áp lực lạm phát dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi rủi ro nợ quốc gia vẫn còn lớn đang gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Chính vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.

Hiện nay trong quá trình điều hành, NHNN đã và đang thực hiện kết hợp triển khai đồng bộ việc áp dụng các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của các tổ chức tín dụng với việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tổ chức tín dụng, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, để tiến tới và kiểm soát tín dụng thông qua các chỉ số an toàn, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cao chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế; tuy nhiên, điều này cũng cần song hành với việc triển khai hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao vai trò và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường vốn đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào kênh vốn tín dụng ngân hàng.

Tín dụng một loạt “ông lớn” ì ạch, chính sách tiền tệ khó đổi chiều

Giới chuyên gia khẳng định, chính sách tiền tệ thời gian tới tiếp tục ưu tiên nới lỏng, bởi thanh khoản hệ thống đang rất dư thừa, tín dụng tăng yếu, kinh tế phục hồi chậm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, từ đầu năm đến nay, huy động vốn của ngân hàng cao gấp 6 lần tốc độ tăng tín dụng, nhiều địa phương ghi nhận tín dụng tăng trưởng âm. Đơn cử, Hà Nội là địa bàn tập trung rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty lớn, song tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 8/2023 âm 2,2%. Riêng tín dụng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm mạnh 19,1%; cho vay bất động sản cũng giảm mạnh, cho vay với cá nhân mua bất động sản tại Hà Nội giảm tới 15%.

Tương tự, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho hay, tính tới cuối tháng 8/2023, tín dụng của Ngân hàng mới tăng 5,72% dù chỉ tiêu cả năm lên tới 14%. Dư địa room tín dụng còn rất lớn, nhưng việc tìm kiếm khách hàng, đẩy mạnh cho vay hết sức khó khăn bởi cầu của doanh nghiệp rất yếu.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Agribank, tín dụng tại ngân hàng này đến ngày 31/8/2023 mới tăng 2,4% so với đầu năm.

Trên toàn hệ thống, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính tới giữa tháng 9/2023, tín dụng mới tăng 5,56%, bằng một nửa tốc độ tăng tín dụng cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo NHNN cho hay, nguyên nhân chủ yếu khiến tín dụng tăng thấp xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng giảm; sức khỏe doanh nghiệp suy yếu, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; cầu tín dụng bất động sản của cá nhân giảm mạnh…

Cùng với việc lãi suất hạ nhiệt, tỷ giá liên tục có dấu hiệu nóng lên vài tháng qua buộc NHNN phải có hành động. Tuần qua, NHNN đã hút ròng 30.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu nhằm hạ nhiệt tỷ giá.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại, động thái trên của NHNN là một “điểm uốn” chính sách, báo hiệu thời kỳ tiền rẻ chấm dứt. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư cho rằng, đây là các dấu hiệu cảnh báo sớm về xu hướng thắt chặt tiền tệ bắt đầu quay lại.

Tuy vậy, theo các chuyên gia kinh tế, động thái hút tiền về (với khối lượng nhỏ và kỳ hạn có 28 ngày) của NHNN không hàm ý sự thay đổi định hướng chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay. Cùng với động thái hút tiền dư thừa trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2), khả năng NHNN sẽ có thêm giải pháp để kích cầu tín dụng trên thị trường 1.

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng ì ạch 9 tháng đầu năm nay, ngành ngân hàng vẫn đang nỗ lực đẩy thêm vốn ra nền kinh tế. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, những tháng cuối năm, ngân hàng này sẽ tiếp tục hạ lãi suất huy động, sau đó hạ tiếp lãi suất cho vay, áp dụng với cả khách hàng mới và khách hàng hiện hữu. Vietcombank ước tính, sẽ giảm 1.800 tỷ đồng lợi nhuận năm 2023 thông qua việc giảm lãi vay cho khách hàng.

Tất nhiên, với diễn biến của tỷ giá, lãi suất điều hành thời gian tới sẽ khó giảm hơn, song dư địa giảm thêm lãi suất huy động và lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại vẫn còn. Việc hút tiền về sau một thời gian kênh tín phiếu tạm ngưng không ẩn chứa thông điệp nào bất thường, mà chỉ là động thái bình thường của NHNN trong bối cảnh thanh khoản dư thừa, tỷ giá tăng cao.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, khối lượng 30.000 tỷ đồng chỉ chiếm một phần nhỏ so với quy mô thị trường liên ngân hàng (hơn 200.000 tỷ đồng/phiên) và chỉ nhằm hạ nhiệt tỷ giá. Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, kinh tế phục hồi yếu, tiền dư thừa, ưu tiên chủ đạo của chính sách tiền tệ hiện nay vẫn là nới lỏng.

Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích Công ty VCBS nhận định, việc phát hành tín phiếu hút tiền của NHNN mới đây không gây ra những cú sốc hay thay đổi quá nhanh đối với thanh khoản, cũng như mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay và định hướng hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế mà ngược lại, sẽ tạo thêm dư địa tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua duy trì một bằng lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp hợp lý trong thời gian tới.

NHNN cũng khẳng định, thời gian tới, ngoài đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn.

Thống đốc nêu nguyên nhân quá trình tái cơ cấu ngân hàng chậm, kéo dài

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng lý giải nguyên nhân khiến quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng kéo dài.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng.

Đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, năm 2022, NHNN triển khai các giải pháp xử lý theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.

Theo đó, NHNN đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của 02 ngân hàng mua bắt buộc. Hiện NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật các TCTD (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 02 ngân hàng này và hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại.

NHNN cũng đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá và NHNN đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả.

Các TCTD phi ngân hàng yếu kém cũng đang được cơ cấu lại. Đối với Công ty tài chính Handico, NHNN đang hoàn chỉnh phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.

Đối với Công ty tài chính Công nghiệp Tàu thủy (VFC) và Công ty cho thuê tài chính Công nghiệp tàu thủy (VFL), NHNN đã có công văn số 989/NHNN-TTGSNH ngày 15/11/2022 đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Công ty công nghiệp Tàu thủy (SBIC) khẩn trương xây dựng Phương án cơ cấu lại VFL, VFC. Trường hợp VFL, VFC không được phê duyệt phương án tái cơ cấu khả thi, đề nghị Bộ Giao Thông vận tải chỉ đạo SBIC thực hiện phá sản VFL, VFC theo thẩm quyền.

NHNN cho biết, quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng kéo dài do việc tìm kiếm, đàm phán NHTM đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu TCTD yếu kém) kéo dài khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và NHTMCP Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.

Ngoài ra, năng lực cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém)...

NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để xử lý cơ bản các TCTD yếu kém. Tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật các TCTD (sửa đổi), trong đó tập trung khắc phục các bất cập, hoàn thiện cơ chế xử lý các TCTD yếu kém, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, đặc biệt là quản trị rủi ro của TCTD, hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông để thao túng hoạt động ngân hàng vì mục đích vụ lợi.

Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc hoàn chỉnh phương án chuyển giao bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện.

Phó thống đốc lý giải nguyên nhân hút tiền qua kênh tín phiếu

Ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc NHNN cho biết, mấy ngày gần đây NHNN đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, song vẫn cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ 13 của Ủy ban kinh tế của Quốc hội sáng nay, 27/9, (thẩm tra báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024), nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng khi tín dụng tăng chậm, nợ xấu tăng nhanh, các gói tín dụng chính sách triển khai chậm…

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP HCM) cho rằng, chính sách tín dụng cần cải thiện hơn để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Cụ thể, khi xem xét điều kiện vay, các ngân hàng chỉ nên xem xét tài sản đảm bảo là điều kiện thứ cấp, thay vào đó nên ưu tiên phương án sản xuất kinh doanh để “kích” tăng trưởng tín dụng thời gian tới.

Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế lại lo lắng khi tín dụng 8 tháng mới tăng 5,5% trong khi chỉ tiêu cả năm lên tới 14%. Nợ xấu nội bảng lên tới 3,56%, cao so với mục tiêu đề ra là dưới 3%, gây áp lực lên chi phí vốn. Lãi suất tuy đã giảm song thủ tục giải ngân vẫn khó khăn. Tỷ giá tăng tạo sức ép với chi phí đầu vào của doanh nghiệp và gây áp lực lạm phát…

Liên quan tới các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, mục tiêu mà Chính phủ và NHNN đặt ra là giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng vay, nền kinh tế. Trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn tiếp tục tăng lãi suất tế thì từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành để điều hướng lãi suất trên thị trường. Lãi suất huy động và cho vay đã giảm 1% so với cuối năm ngoái. Riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên đã giảm 4-5,5% so với cuối năm. Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn thấp hơn 1%, thể hiện thanh khoản dư thừa.

Mặc dù vậy, Phó thống đốc cũng nêu thế khó của nhà điều hành khi lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. USD tăng giá mạnh thời gian gần đây, hiện NHNN đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ, đang điều hành để ổn định tỷ giá.

“Mấy ngày gần đây NHNN đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá”, Phó Thống đốc nhận định.

Phó thống đốc NHNN khẳng định, cơ quan này đã cố gắng hết sức để cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, hạ lãi suất, nhưng vấn đề hiện nay là sức hấp thụ của nền kinh tế yếu do tổng cầu yếu, sức khoẻ doanh nghiệp yếu. Vì vậy, cần giải pháp đồng bộ hơn để thúc đẩy xuất khẩu, tăng đơn hàng, mở rộng thị trường và cần tăng cơ chế bảo lãnh cho DN nhỏ và vừa khi phương án tài chính, kinh doanh của các DN chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng.

Về nợ xấu, Phó thống đốc cho biết, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp khó trả nợ cũ, không muốn vay mới nên nợ xấu có xu hướng tăng lên. Dù vậy, nợ xấu đang được theo dõi sát sao, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại bảo dảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, đảm bảo trích lập dự phòng đầy đủ để có nguồn lực xử lý nợ xấu khi cần thiết.

Ba lựa chọn cho tỷ giá

Nhiều nhà đầu tư đang dành sự quan tâm rất lớn trước động thái hút ròng hàng chục nghìn tỷ đồng mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua kênh tín phiếu.

Dù vậy, thực tế cho thấy, tình hình thanh khoản hệ thống ngân hàng thời điểm hiện tại rất khác so với năm 2022. Một điểm dễ nhận thấy là thay vì thiếu tiền, nhiều ngân hàng đang phải đối mặt với tình trạng thừa tiền trong khi tín dụng tăng chậm. Chính vì vậy, với tốc độ hút tiền như hiện nay của NHNN, khả năng đảo chiều chính sách là khó xảy ra và động thái nói trên chỉ là một trong những bài thuốc nhằm chữa “bệnh” thừa tiền.

Thứ nhất, do thanh khoản hệ thống đang dư thừa một lượng không nhỏ tiền mặt, nên lãi suất tiền đồng (VND) trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm được đẩy về mức sát 0%/năm, thấp hơn gần 5%/năm với lãi suất USD.

Mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ngày càng tăng đã dẫn đến hiện tượng đầu cơ ngoại tệ trong hệ thống, gây sức ép lên tỷ giá.

Bởi vậy, việc NHNN hút tiền về sẽ giúp nâng mặt bằng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, đồng thời thu hẹp chênh lệch với lãi suất USD, từ đó giảm hiện tượng đầu cơ ngoại tệ, giảm sức ép lên tỷ giá.

Thứ hai, lãi suất tín phiếu mà NHNN đưa ra khá thấp, do đó sẽ không tác động lớn tới lãi suất trên thị trường thanh toán giao dịch với dân cư và tổ chức triển khai (được gọi là thị trường 1). Hơn nữa, khối lượng 30.000 tỷ đồng cũng rất nhỏ so với quy mô thị trường liên ngân hàng.

Thứ ba, cùng với hút tiền về qua kênh tín phiếu, NHNN cũng mở lại Thị trường mở (OMO), sẵn sàng cung ứng vốn cho các ngân hàng.

Chiếc “máy bơm” chính thức được NHNN vận hành trở lại ở cả chiều bơm và chiều hút cho thấy, nhà điều hành đang nỗ lực tìm điểm cân bằng cho thanh khoản thị trường. Cùng với đó, NHNN cũng khẳng định tiếp tục chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng giảm chi phí, giảm tiếp lãi suất cho vay, đẩy vốn ra nền kinh tế.

Nếu thanh khoản hệ thống tiếp tục dư thừa ở mức độ lớn, tới đây, NHNN vẫn có thể phát hành thêm tín phiếu để hút tiền về, với lượng hút vừa đủ để lãi suất liên ngân hàng không bị vọt tăng, song cũng không quá thấp như hiện tại. Bên cạnh đó, khả năng cơ quan này cũng có thêm giải pháp giúp giảm thêm lãi suất huy động và cho vay trên thị trường để kích cầu tín dụng.

Với tình hình tỷ giá như hiện nay, NHNN cũng chỉ có 3 lựa chọn là hút tiền về (như cách đang làm), bán ngoại tệ can thiệp tỷ giá hoặc tăng lãi suất điều hành. Trong bối cảnh thừa tiền, NHNN đã chọn giải pháp hợp lý nhất, ít gây biến động vĩ mô nhất là hút tiền về. Giải pháp này cũng như một mũi tên trúng hai đích: vừa giúp ngân hàng giảm lượng tiền dư, vừa giảm áp lực lên tỷ giá.

Sau động thái của NHNN, rất có thể, đà tăng của tỷ giá, đặc biệt là tỷ giá VND với một số ngoại tệ mạnh sẽ chững lại. Cũng bởi vậy, nguy cơ tỷ giá bật tăng mạnh như năm ngoái là không lớn do bối cảnh thế giới năm nay có sự khác biệt, trong đó có việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm ngừng tăng lãi suất. Ngoài ra, các yếu tố như nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, thặng dư thương mại đảm bảo, nguồn kiều hối tiếp tục chảy, dòng FDI có xu hướng tăng… cũng đang hỗ trợ tỷ giá.

Cho đến nay, Chính phủ vẫn kiên định đưa mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng lên hàng đầu. NHNN cũng nhiều lần khẳng định quan điểm tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện nay, thậm chí có thể nới lỏng hơn nữa.

Khi ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng, thì rất có thể, nhà điều hành sẽ phải chấp nhận đưa giá trị VND về mức phù hợp hơn. Mặc dù vậy, với diễn biến tỷ giá USD trên thế giới và dự trữ ngoại hối như hiện nay, NHNN hoàn toàn có thể giữ ổn định được tỷ giá, mà không mất quá nhiều “của để dành”. Và thời gian tới, cơ quan này cũng không phải tăng bơm, hút tiền một cách đột ngột, mà tiến hành từ từ, hài hòa với mục tiêu chính là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Xem thêm: lmth.529033tsop-gnud-nit-moor-ob-gnohk-iad-oek-uac-oc-iat-ueihp-nit-gnor-tuh-nahn-neyugn-iaig-yl-nnhn-auq-naut-gnah-nagn/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

“Ngân hàng tuần qua: NHNN lý giải nguyên nhân hút ròng tín phiếu, tái cơ cấu kéo dài, không bỏ room tín dụng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools