Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) từng nói sẽ đợi "hai nhà thám hiểm Mặt trăng" của mình là tàu đổ bộ Vikram và tàu thám hiểm Pragyan cho đến ngày 6/10 - khi màn đêm trên Mặt trăng buông xuống một lần nữa.
Điều này có nghĩa là, ISRO sẽ không ngừng nỗ lực liên lạc với bộ đôi này sau khi Vikram và Pragyan trải qua đêm Trăng lạnh giá -200 độ C đến -250 độ C.
Hình ảnh do AI tạo ra về tàu đổ bộ Vikram trong đêm Mặt trăng. Nguồn: India Today/Sajeev Kumarapuram
Dẫu biết khả năng sống lại của hai con tàu giảm dần theo từng giờ trôi qua nhưng các kỹ sư mặt đất của ISRO vẫn không ngừng hy vọng.
Tuy nhiên, khi bình minh trở lại Mặt trăng hôm 21/9, ISRO bắt đầu cố gắng liên lạc với hai con tàu. Cho đến nay, đã hơn 1 tuần, vẫn chưa có phản hồi nào. Rất có thể, cả "hai nhà thám hiểm" đã bị chôn vùi mãi mãi tại điểm cách cực Nam của Mặt trăng 600 km, Scitechdaily cho biết ngày 30/9.
Sứ mệnh Chandrayaan-3 "đã tắt" nhưng lại "mở ra" tham vọng mới
Dù Vikram và Pragyan có thể vĩnh viễn nằm lại Mặt trăng nhưng những nhiệm vụ mà cả hai hoàn thành một cách xuất sắc đã làm "bừng dậy" chương trình không gian của Ấn Độ. Và người ta sẽ còn nhắc lại mãi sự kiện đi vào lịch sử ngày 23/8/2023 đó. Đây là minh chứng:
Chủ tịch ISRO S. Somanath vừa tiết lộ rằng, sau thành công của sứ mệnh Chandrayaan-3, ISRO đang hướng đến những kế hoạch đầy tham vọng của mình trong không gian.
Trong những năm tới, ISRO đặt mục tiêu khám phá những bí mật ở các hành tinh lận cận, thậm chí là các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời và những ngôi sao sắp chết nằm rải rác trong vũ trụ.
Tiến sĩ S. Somnath, một kỹ sư hàng không vũ trụ và nhà khoa học tên lửa người Ấn Độ, hiện đang giữ chức Chủ tịch ISRO. Ảnh: Thelogicalindian
Bắt đầu với Hành tinh Đỏ - sao Hỏa - láng giềng của chúng ta, người đứng đầu ISRO cho biết các kế hoạch cho Sứ mệnh Tàu đổ bộ lên sao Hỏa sẽ sớm được triển khai. Cam kết này phản ánh quyết tâm kiên định của ISRO trong việc tìm hiểu những bí ẩn vũ trụ đã thu hút nhân loại qua nhiều thế hệ.
Hướng ánh nhìn về phía sao Kim, chủ tịch ISRO xác nhận rằng sứ mệnh - tạm gọi là Shukrayaan, ghép từ các từ tiếng Phạn Shukra (nghĩa là sao Kim) và yana (là phương tiện) - đã được chuẩn bị - đánh dấu một bước tiến lớn trong hành trình chinh phục không gian của Ấn Độ.
Tham vọng của ISRO không dừng lại trong phạm vi Hệ Mặt trời của chúng ta.
Tiến sĩ S. Somanath tiết lộ thêm: "Chúng tôi cũng đang hình thành một vệ tinh có tên ExoWorlds, một sứ mệnh quan sát các hành tinh ngoài Hệ mặt trời (ngoại hành tinh)".
Với hơn 5.000 ngoại hành tinh đã được xác định, khoảng 100 trong số đó được cho là có bầu khí quyển, sứ mệnh này nhằm mục đích làm sáng tỏ những bí ẩn của những thế giới ngoại hành tinh này. Bằng cách điều tra bầu khí quyển của chúng, sứ mệnh ExoWorlds tìm cách xác định khả năng sinh sống và khả năng nuôi dưỡng sự sống tiềm năng của chúng.
Cuối cùng,ông S. Somanath nói thêm về sự ra mắt sắp tới của Vệ tinh đo phân cực tia X (XPoSat) vào tháng 12/2023. Vệ tinh này được thiết kế để khám phá các xung tia X bức xạ, các ngôi sao trong khoảnh khắc chạng vạng của chúng, làm sáng tỏ các hiện tượng vũ trụ hấp dẫn.
Những sứ mệnh đầy tham vọng này nhấn mạnh vai trò then chốt mà Ấn Độ sắp đảm nhiệm trong việc tiết lộ những bí mật chưa được giải đáp của vũ trụ cũng như những tác động tiềm ẩn của chúng đối với hành tinh của chúng ta, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà khoa học trên toàn thế giới.
Thành công của Chandrayaan-3 "mở đường" cho Ấn Độ
Không chỉ tạo bệ phóng cho các chương trình không gian đầy tham vọng, Chandrayaan-3 còn thu hút người trẻ và mở rộng quan hệ đối tác quốc tế, Reuters thông tin ngày 29/9.
Khi sứ mệnh Chandrayaan-3 của ISRO đưa tàu hạ cánh thành công trên Mặt trăng ngày 23/8/2023, hơn 8 triệu người đã theo dõi buổi phát trực tiếp của sự kiện trên YouTube – một kỷ lục đối với trang này.
Namrata Goswami, chuyên gia chính sách vũ trụ và Giáo sư tại Trường Quản lý Toàn cầu Thunderbird thuộc Đại học Bang Arizona (Mỹ), cho biết: "ISRO từng là một tổ chức rất khép kín. Khi nói về sứ mệnh của mình, họ tỏ rõ sự do dự và đầy bí mật. Nhưng, bước sang năm 2023, tôi rất ngạc nhiên trước mức độ minh bạch từ họ. Điều đó rất mới và rất đáng hoan nghênh."
Reuters cho biết, thị trường không gian thương mại toàn cầu trị giá 400 tỷ USD dự kiến sẽ đạt giá trị 1.000 tỷ USD vào hết năm 2030, nhưng hiện tại, Ấn Độ chỉ có 2% thị phần (khoảng 8 tỷ USD). Ấn Độ muốn thay đổi điều này.
Chính phủ Ấn Độ cho biết, Ấn Độ dự kiến sẽ có được "miếng bánh" trị giá 40 tỷ USD vào năm 2040.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi ISRO biến Ấn Độ thành một cường quốc không gian có lợi nhuận. Các nhà khoa học cấp cao của ISRO cho biết, để đạt được điều đó, đất nước cần thu hút các nhà khoa học trẻ, các công ty khởi nghiệp, nhà đầu tư và các đối tác trong ngành tư nhân.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi ISRO biến Ấn Độ thành một cường quốc không gian có lợi nhuận. Nguồn: Liveindia
"Vấn đề là phải cởi mở và thu hút được thế hệ trẻ cống hiến cho ngành vũ trụ nước nhà. Đây là một trong những trọng tâm mới của ISRO" - BHM Darukesha, người soạn thảo và quản lý các bài đăng trên mạng xã hội của ISRO cho biết.
Những người trong nội bộ ISRO ghi nhận ông S. Somanath, người đảm nhận vị trí Chủ tịch ISRO vào năm 2022, là người có công trong việc thu hút mọi người trong tổ chức cùng tham gia với những thay đổi cách mạng.
S. Somanath cho biết ông đã thực hiện những thay đổi nhỏ khác, chẳng hạn như khuyến khích thời gian giải lao, trò chuyện thân mật với nhân viên để giải quyết vấn đề và thiết lập khu vực nghỉ ngơi mở, nơi nhân viên có thể gặp nhau uống trà.
Từ khởi đầu khiêm tốn, ISRO đã đạt đến đỉnh cao gần đây, trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu đổ bộ ở cực Nam của Mặt trăng.
Hiện tại, ISRO đặt mục tiêu nghiên cứu Mặt trời, đưa các phi hành gia vào quỹ đạo Trái đất, khám phá sao Kim và là đối tác với NASA để bảo vệ Trái đất khỏi thiên thạch/tiểu hành tinh và thám hiểm không gian sâu.
Chính phủ của ông Narendra Modi đang thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp vũ trụ của Ấn Độ.
Ấn Độ dự kiến sẽ mở rộng cửa cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực vũ trụ trong năm 2023. ISRO sẽ tập trung vào khám phá và khoa học mới, trong khi 3 cơ quan khác nhau - Trung tâm cấp phép và xúc tiến không gian quốc gia Ấn Độ (IN-SPACe), NewSpace India Limited (NSIL) và Hiệp hội vũ trụ Ấn Độ (ISpA) - sẽ tương tác với khu vực tư nhân, đàm phán ra mắt và thúc đẩy kinh doanh.
Dù có thể có nhiều trở ngại trước mắt, nhưng sự cởi mở và cải tiến của Ấn Độ và ISRO sẽ mang đến sự lạc quan rằng những thay đổi tích cực sẽ tồn tại lâu dài.
Nguồn: Reuters, Scitechdaily, Weather.com