Tự làm bác sĩ sẽ rước họa vào thân
Vừa qua, Bệnh viện Nội tiết trung ương tiếp nhận hai ca bệnh là anh em trai ruột (15 và 11 tuổi), chẩn đoán suy thượng thận do dùng thuốc xịt mũi có thành phần chứa corticoid.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trong 3 năm gần đây, do bị viêm mũi dị ứng, hai anh em đã liên tục dùng thuốc xịt mũi nhãn hiệu H. Hiện tại, cả hai anh em đều béo phì, BMI ở mức 36,22 ở người anh và 32,1 đối với người em.
Hai anh em người bệnh đều có gương mặt tròn, rậm lông, da mỏng, rạn da bụng và đùi màu tím đỏ, phù hai chi dưới, kiểu Cushing (chứng bệnh biểu hiện giữ nước, tăng cân...) rõ rệt.
Trước khi nhập viện 10 ngày, người bệnh đi khám dinh dưỡng phát hiện cortisol máu thấp, được bác sĩ tư vấn ngừng dùng thuốc xịt mũi. Sau khi ngừng thuốc, người bệnh xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, chướng bụng... và được chẩn đoán suy tuyến thượng thận.
TS Nguyễn Quang Bảy, trưởng khoa nội tiết - đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tuần nào khoa nội tiết - đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai cũng gặp 2-3 bệnh nhân bị suy thượng thận đến khám.
Trong đó nhiều trường hợp người bệnh đến khám vì những lý do rất vu vơ như mệt, đau mỏi xương khớp, phù, tăng cân. Có những người đã đi qua nhiều phòng khám trong thời gian dài mà không có chẩn đoán chính xác.
TS Bảy cho biết phía trên hai thận có hai tuyến thượng thận hình tam giác, kích thước nhỏ xíu như đầu đũa.
Đây là tuyến nội tiết, tiết ra một số hormone, trong đó có cortisol chịu trách nhiệm điều hòa chuyển hóa carbohydrate trong cơ thể (nên còn gọi là hormone glucocorticoid - corticoid chuyển hóa glucose), và duy trì chức năng tim mạch, huyết áp. Ngoài ra nó còn có một tác dụng quan trọng khác là làm giảm viêm và ức chế miễn dịch.
Dựa trên đặc điểm này, từ năm 1948 người ta đã sản xuất ra các loại thuốc glucocorticoid tổng hợp có tác dụng chống viêm mạnh để khởi đầu là điều trị viêm khớp rất hiệu quả, và phát minh này đã giúp bác sĩ Hench được nhận giải Nobel y học năm 1950.
Sau thời điểm trên, các thuốc glucocorticoid tổng hợp như Prednisolone, Methylprednisolone, Dexamethasone... được sử dụng rất rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của y học như ghép tạng, dị ứng, viêm khớp, hen phế quản, và cả để điều trị COVID-19, nhưng bắt đầu từ đó có sự lạm dụng các thuốc này, ước tính có khoảng 1% dân số Mỹ sử dụng thường xuyên các thuốc này.
Tại Việt Nam, do quy định bán thuốc theo đơn không được tuân thủ và thói quen "tự điều trị", ai cũng có thể tự mua được các thuốc này, theo đơn hoặc theo mách bảo của người khác, dùng để điều trị các bệnh như viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm da, đau lưng, gout, thoái hóa khớp, viêm phổi, hen... dưới các dạng bôi, hít, uống, và tiêm.
Tuy nhiên các thuốc này có thể gây rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, đục thủy tinh thể, loãng xương, gãy xương, xuất huyết dưới da, hoại tử chỏm xương đùi, hạ kali máu, dễ bị nhiễm trùng, các vết loét lâu liền... thậm chí là rối loạn tâm thần.
Tình hình tồi tệ hơn khi gần đây các thuốc corticoid này được trộn lẫn vào nhiều loại thuốc được quảng cáo là "đông y" chữa bách bệnh. Do suy nghĩ thuốc "đông y" là lành và an toàn nên nhiều người dùng vô tội vạ, và sau một thời gian bị lệ thuộc vào thuốc, đồng nghĩa với các tác dụng phụ càng nặng hơn.
Những người gặp phản ứng sau dùng thuốc này có đặc điểm chung là biến đổi về hình thể kiểu mặt tròn đỏ, béo bụng nhưng chân tay lại bị teo (hình ảnh 4 que tăm cắm vào củ khoai), da mỏng và dễ bị bầm tím khi va chạm, bụng và đùi có nhiều vết rạn da đỏ...
Tác dụng phụ nguy hiểm nhất của lạm dụng corticoid là suy thượng thận do thuốc, với các biểu hiện mệt mỏi thường xuyên, huyết áp thấp, có thể tụt huyết áp, và đã có trường hợp bị tử vong.
Rất dễ suy tuyến thượng thận do thuốc corticoid
"Lạm dụng thuốc corticoid có thể gây suy thượng thận rất sớm, chỉ sau 2 tuần dùng thuốc, và nguy cơ gây suy thượng thận nặng nếu dùng thuốc liều cao, dùng đường tiêm, dùng nhiều lần trong ngày, dùng liên tục trong thời gian dài, dùng các thuốc tác dụng mạnh như Dexamethasone (rất hay có trong các thuốc đông y trá hình)...
Những người này nếu bị nhiễm khuẩn thì rất dễ bị sốc và trụy tim mạch rồi tử vong nếu không được điều trị kịp thời" - TS Bảy nhấn mạnh.
Điều trị suy thượng thận do thuốc đầu tiên cần ngừng ngay các thuốc corticoid đang dùng và đổi sang loại thuốc nhẹ nhất, ít gây ức chế tuyến yên nhất với liều vừa đủ cho cơ thể cần. Đồng thời phải điều trị các bệnh lý đi kèm, bệnh lý là nguyên nhân khiến người ta tìm đến corticoid.
Tuy nhiên do tuyến thượng thận có thể đã bị teo nên thời gian đánh thức và phục hồi chức năng sẽ mất nhiều thời gian, cũng như người đang quen sung sướng và không phải làm gì mà bây giờ bị bắt đi lao động nặng lại vậy.
Những người bị suy nhẹ có thể hồi phục sau 6-12 tháng, suy nặng cần 2-3 năm, nhưng cũng có những người bị suy thượng thận vĩnh viễn.
Nếu bệnh nhân tự ý mua thuốc về dùng một cách tùy tiện không theo sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ sẽ rất dễ mắc bệnh.
TTO - Bị viêm mũi, ngạt mũi, dùng thuốc xịt tai mũi họng lâu ngày, N.T.H. (10 tuổi, trú tại Sơn Động, Bắc Giang) đến khám tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh).