Tại Vietnam Phở Festival 2023 tổ chức ở Tokyo (Nhật) vào ngày 7 và 8-10 sắp tới, ông Matsuo là đại sứ của chương trình, trực tiếp giới thiệu món phở, trình diễn cách làm bánh phở, cách chế biến phở.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Matsuo Tomoyuki cho biết: "Tôi cảm nhận được những điểm văn hóa chung của hai dân tộc. Tôi nghĩ người Nhật nào cũng biết phở rất quan trọng với người Việt, đồng thời ưa thích món ăn này".
Vẻ đẹp của cách ăn uống
* Ông có thể chia sẻ thêm về góc nhìn ẩm thực này?
- Phở dù không phải cơm nhưng được làm từ gạo. Có lẽ vì vậy người Nhật cũng rất thiện cảm với những món sợi làm từ gạo, bởi chúng tôi ăn cơm hằng ngày.
Người ta hay so sánh ẩm thực Hàn Quốc và Nhật Bản, hay ẩm thực Việt với Thái Lan. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ thì ẩm thực Việt và Nhật lại có điểm chung là không quá nhiều gia vị. Nếu muốn ăn cay thì gia giảm theo sở thích, như trong chén nước mắm ăn kèm hay ăn sushi cho wasabi vào nước chấm.
Đó là một phần vẻ đẹp của cách ăn uống mỗi dân tộc. Hay như xúp, người Nhật nấu các loại nước dùng cho mì ramen, dù nguyên liệu là bò, gà hay gì nữa thì nước dùng vẫn thanh. Nước dùng phở cũng thế, rất hài hòa, không quá nồng nên phù hợp với số đông.
Tôi từng làm việc trong các nhà hàng Hawaii, món ăn của xứ này dù ngon nhưng lại nhiều dầu mỡ. Thế nên tôi thường tìm đến các quán Việt Nam để ăn phở, bún vì rất lành và dễ tiêu, rất phù hợp ăn tối.
Nhiều người Nhật nghĩ về ẩm thực Việt như là món ăn ngon, lành, tốt cho sức khỏe. Hẳn đó là khởi đầu nguyên do ẩm thực Việt trong đó có món phở rất được người Nhật ưa thích.
* Người Nhật đã rất thành công khi mang ẩm thực ra thế giới với sự đồng nhất trong chất lượng và chuẩn hóa các khẩu phần? Việt Nam học gì từ câu chuyện này, theo ông?
- Nói về ẩm thực là nói về những món mình ăn hằng ngày. Ăn không chỉ là một trong "tứ khoái" mà còn liên quan đến cá tính, sức khỏe. Vì vậy, ăn uống rất quan trọng.
Ở Nhật, ngoài phở cũng có rất nhiều món ăn Việt khác, nhưng vì lý do khẩu vị hay sự sẵn có của nguyên liệu mà các món ăn này được chế biến không giống 100% vị nguyên bản.
Có thể nói Vietnam Phở Festival là cơ hội tuyệt vời cho những món ngon Việt đúng vị nhất đến Nhật, phục vụ cộng đồng người Việt cũng như người Nhật yêu thích ẩm thực Việt.
Ngày nay món mì ramen Nhật phổ biến khắp thế giới và được ưa thích, tưởng chừng là món ăn nổi tiếng bậc nhất của Nhật, nhưng mì ramen xuất phát từ Trung Quốc. Món này sau khi vào Nhật Bản được đón nhận và thích nghi để thành loại mì ramen kiểu Nhật.
Mì ramen Nhật có nhiều phong cách khác nhau tùy thuộc vào vùng miền, như mì Sapporo, Hokkaido, Fukuoka... Tôi nghĩ sự đa dạng trong mỗi món ăn rất quan trọng. Nếu chúng ta chỉ nói về một loại nước xúp và một hương vị thì có lẽ sẽ ít thú vị.
Vì vậy với phở, ngoài giới thiệu món ăn ngon này vẫn có thể nhấn nhá những phong cách phở khác nhau để thực khách quốc tế tò mò và thích thú khám phá.
Mỗi hương vị phở là một nét riêng
* Dường như ẩm thực Việt Nam có rất nhiều câu chuyện để kể với thế giới. Là đại sứ của Vietnam Phở Festival 2023, theo ông, sự kiện này có thể kể câu chuyện gì?
- Đằng sau mỗi món ăn, mỗi hương vị là câu chuyện về đặc sản vùng miền, môi trường văn hóa đặc trưng của cộng đồng, địa phương. Đó cũng là cách ẩm thực đi ra thế giới, làm cho mọi người nhớ, ẩm thực văn hóa mà.
Tại Vietnam Phở Festival, các thương hiệu phở sẽ đem đến những phong vị phở khác nhau. Và những điểm nhấn về truyền thống, hương vị đặc trưng của mỗi thương hiệu phở sẽ thuyết phục thực khách qua câu chuyện lịch sử của riêng mình.
Chúng ta không nên thỏa hiệp mà hãy đem đến phong cách riêng, câu chuyện riêng. Có thể sẽ có những nhận xét như thịt này mềm hơn, nước phở kia béo hơn hay vị phở nọ mặn hơn, thơm hơn. Nhưng phải tin rằng mỗi hương vị phở sẽ là một nét riêng để các thực khách khám phá.
Để có những tô phở chuẩn vị nhất ở Nhật không dễ dàng. Hoặc chúng ta đem hết nguyên liệu từ Việt Nam sang, hoặc phải linh hoạt sử dụng nguyên liệu gần giống ở Nhật Bản. Nhưng với cái tâm người nấu, tôi tin các quán phở tham gia Vietnam Phở Festival vẫn sẽ giới thiệu được cho các thực khách cảm nhận sự khác nhau của các phong vị.
* Ông có một dự án giới thiệu 63 món ngon, đặc sản của các địa phương tại Việt Nam ra quốc tế bằng cách chuẩn hóa. Vậy cơ hội để các giá trị kinh tế khác đi sau ẩm thực như thế nào?
- Đây là thời điểm và thời cơ rất tốt cho ẩm thực Việt ra thế giới. Điểm mạnh của món ngon Việt Nam là gì? Là gia vị. Gia vị là chìa khóa của hương vị.
Nhìn lại lịch sử phát triển của loài người, những cuộc chiến tranh đầu tiên cũng là để giành gia vị. Việt Nam đang sở hữu nhiều kho tàng báu vật như thế.
Thứ nữa là ẩm thực Việt dùng nhiều rau củ, trái cây. Đó là nguyên liệu tự nhiên, ngon lành cho một chế độ ăn khỏe mạnh. Giống như phép thuật khi bạn kết hợp loại trái cây này, hương vị kia thì sẽ cho ra một món ăn mới. Trên thế giới không nhiều nền ẩm thực may mắn có điều đó.
Ngày nay lối sống xanh, ăn lành, các chủ đề như không đường, không gluten được nhắc đến rất nhiều và đó là xu hướng. Nhiều món bún, phở, miến của Việt Nam chế biến từ gạo lức đang được lựa chọn và tìm kiếm nhiều. Thậm chí món cơm cháy của Việt Nam cũng là một khám phá thú vị.
Đưa đặc sản 63 tỉnh thành Việt Nam sang Nhật
Đây là tiết lộ của Matsuo Tomoyuki với Tuổi Trẻ. Tháng 12 năm nay, dự án 63 sản vật Việt Nam sẽ đến Nhật bằng một triển lãm ngay tại trung tâm Tokyo.
Thành công với dự án "mì soba từ tam giác mạch", Matsuo cho biết ông mất đến tám năm để mì soba nói trên có thể xuất đi Nhật Bản. Chính vì vậy, câu chuyện đưa các sản vật, nông sản Việt đi khắp thế giới, theo ông, rất tiềm năng, là "mỏ vàng trù phú" nhưng sẽ không hề dễ dàng.
"Dù vậy tôi vẫn muốn làm. Bởi nếu thành công thì không chỉ giúp cho những nông dân ở miền cao hay các vùng sâu vùng xa cải thiện cuộc sống, mà nguyên liệu hoàn toàn từ Việt Nam có thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng nếu được làm thương hiệu và khai thác đúng.
Tương tự như vậy với phở, tôi muốn giới thiệu đến người Nhật món phở Việt là kết quả quá trình chế biến nguyên liệu từ hồi, quế, thảo quả đến xương, thịt bò, cả cách đổ bánh phở nữa. Đó là một chuỗi giá trị nhịp nhàng và nhiều kỳ công", Matsuo Tomoyuki nói.
Vietnam Phở Festival 2023 do báo Tuổi Trẻ và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đồng tổ chức, có sự tham gia của các đầu bếp Hoa hồi vàng các năm như: Nguyễn Tiến Hải, Nguyễn Tự Tin, Phạm Quang Duy... cùng đầu bếp các quán phở danh tiếng: Phở Dậu, Phở Hai Thiền, Phở Hotel Majestic Saigon, Phở Phú Gia, Phở'S, Phở Sen SASCO, Phở Thìn Bờ Hồ, Phở nhà hàng sân golf Thủ Đức, Phở Ta - Bình Tây Food...
Chương trình có sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản - Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt - Nhật TP.HCM và những người bạn Nhật Bản như ngài Aoyagi Yoichiro - hạ nghị sĩ, báo Mainichi. Chương trình được sự đồng hành của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Suntory Beverage & Food, Simply Food, SASCO, Dai-ichi Life, ALSOK...
Đương kim hoa hậu liên lục địa - Miss Intercontinental Lê Nguyễn Bảo Ngọc là đại sứ chính thức, đồng hành và hưởng ứng các hoạt động của chương trình.
Hiếm có món ăn nào làm tôi "nhọc lòng" như phở. Mỗi khi đến bất kỳ địa phương khác, du lịch hay công tác, tôi phải tìm và thưởng thức cho đã mới thôi.