Các nhà khoa học Trung Quốc có thể sạc lại pin lithium – lưu huỳnh thể rắn tới 1.400 lần. Đây là một bước đột phá đưa công nghệ này đến gần hơn với cơ hội phát triển thương mại.
Nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Trung Quốc đã có thể duy trì 70% công suất ban đầu của pin sau khi sạc lại cả nghìn lần. Những phát hiện này đã được công bố trên tạp chí khoa học Mỹ ACS Applied Materials & Interfaces.
Pin lithium–lưu huỳnh khác với pin lithium-ion thông thường ở chỗ sử dụng lưu huỳnh ở đầu cực của pin. Các nhà khoa học kỳ vọng thành phần này sẽ giúp giảm chi phí và tăng gấp đôi dung lượng của pin so với pin lithium-ion.
Tuy nhiên, pin lithium-lưu huỳnh có tuổi thọ ngắn. Cả pin thể rắn lẫn thể lỏng trước đây đều chưa từng vượt qua được 1.000 lần sạc. Các nhà nghiên cứu đã cải thiện nhược điểm này bằng cách trộn ống nano carbon với lưu huỳnh, từ đó giúp tăng khả năng dẫn điện.
Pin có khả năng sạc 1.400 lần sẽ có tuổi thọ cao hơn. Phát hiện này được kỳ vọng trở thành bàn đạp để cải tiến hiệu suất pin lithium-lưu huỳnh thể rắn.
Theo Nikkei Asia