Chiều 2-10, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo "Vai trò của Hợp tác công - tư trong triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Thanh Nam.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đây là dự án đồng hành cùng Ngân hàng thế giới, áp dụng đầu tiên đối với sản xuất lúa gạo trong sản xuất giảm phát thải giữa bối cảnh ngành lúa gạo đang chiếm đến 40% lượng phát thải toàn ngành nông nghiệp.
Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao không chỉ liên quan vấn đề kỹ thuật mà sinh kế của hơn 1 triệu nông dân. Các nông dân sẽ tham gia HTX và liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp.
Hiện tại, Việt Nam có hơn 180 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo nhưng chỉ có 50 doanh nghiệp có liên kết vùng nguyên liệu, còn hơn 130 doanh nghiệp tranh mua tranh bán trên thị trường lúa gạo.
Mục tiêu đề án là tăng lợi nhuận của người trồng lúa ở mức 40% (năm 2025) và hơn 50% (năm 2030), không chỉ từ bán lúa mà còn nhờ giảm chi phí, nguồn thu từ phụ phẩm và bán chứng chỉ giảm phát thải.
Hiện nay, đề án đã được trình Thủ tướng và các bộ ban ngành giải trình một số nội dung trước khi đề án ban hành.
Thăm đồng ruộng trước khi thu hoạch
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thông tin thêm theo chiến lược xuất khẩu gạo, Việt Nam giảm lượng xuất khẩu từ 7 triệu tấn/năm như hiện nay xuống còn 5 triệu tấn/năm do đất canh tác chuyển đổi sang mục đích khác. Tuy nhiên, với mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu, Việt Nam chỉ còn cách gia tăng giá trị khi sản lượng giảm.
Đề án đưa ra mục tiêu giảm 20% chi phí sản xuất (giảm lúa giống, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng cơ giới hóa, tăng thu gom rơm rạ đưa vào sử dụng, chế biến,…) sẽ góp phần giảm khoảng 9.500 tỉ đồng cho các hộ trồng lúa (với sản lượng 13 triệu tấn lúa, đơn giá 5.100 đồng/kg).
Bên cạnh đó, thông qua việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, tổ chức lại sản xuất thì sẽ góp phần đảm bảo ổn định giá bán lúa và dự kiến giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống, tương đương khoảng 7.000 tỉ đồng.
"Như vậy, lợi nhuận từ sản xuất lúa sẽ tăng lên do giảm chi phí và do tăng giá bán, với 1 triệu ha, 13 triệu tấn lúa, lợi nhuận tăng lên khoảng hơn 16.000 tỉ đồng" – ông Lê Thanh Tùng thông tin.
Xem thêm: mth.26712116120013202-iaht-tahp-maig-aul-ah-ueirt-1-ut-gnod-it-00061-meht-meik/et-hnik/nv.moc.dln