Ngày 2-10, tại cuộc họp báo quý do Bộ Công an tổ chức, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - cục phó Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an - trả lời nhiều câu hỏi liên quan kết quả đấu giá biển số đẹp và một số người trúng đấu giá vài chục tỉ có "bỏ cọc" hay không.
Theo Thiếu tướng Đức, từ ngày 15 đến 30-9, có 493 biển số đẹp được đưa ra đấu giá, dự thu về 214 tỉ. Hiện đã có 76 người hoàn thành nghĩa vụ tài chính với 16 tỉ đồng và 3 khách hàng đã đến đăng ký xe.
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát giao thông, phiên đấu giá đầu tiên được sự quan tâm nhiều nhất cả về biển số và mức tiền trúng đấu giá lên đến vài chục tỉ.
Kết thúc phiên đấu giá đầu tiên này, cả 11 khách hàng trúng đấu giá đều ký vào biên bản xác nhận. Những ngày sau đó đã có 5 người nộp tiền trúng đấu giá.
6 người còn lại đến nay chưa nộp tiền, trong đó có chủ nhân của biển số trúng đấu giá gây "bão" dư luận với mức hơn 30 tỉ.
Theo cục phó Cục Cảnh sát giao thông, trong những người trúng đấu giá đến nay chưa nộp tiền có các biển 51K - 888.88 (trúng đấu giá 32,34 tỉ đồng), 30K-567.89 (13 tỉ đồng) và 30K-555.55 (14,12 tỉ đồng).
"Những người trúng đấu giá mà chưa nộp tiền này đã liên hệ với Cục Cảnh sát giao thông để tìm hiểu các bước tiếp theo về quy trình, thủ tục pháp lý", Thiếu tướng Đức thông tin.
Nói về tình huống những người trúng đấu giá bỏ cọc, Thiếu tướng Đức cho biết đã có quy định về nghĩa vụ và trách nghiệm của người tham gia đấu giá.
"Người dân tham gia đấu giá, trúng đấu giá và ký vào biên bản trúng đấu giá, thì đây là một hợp đồng dân sự và người ký phải có ý thức thượng tôn pháp luật", ông Đức nói.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết đến nay đã có 7 người nộp tiền trúng đấu giá biển số ô tô, với số tiền gần 11 tỉ đồng.