Đến sáng 3-10, hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Viet Glory đóng ở huyện Diễn Châu, Nghệ An vẫn chưa vào nhà xưởng làm việc. Họ tập trung trước cổng công ty vì cho rằng các trả lời của công ty chưa thỏa đáng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Kha Văn Tám - chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An - cho biết Liên đoàn Lao động tỉnh và huyện Diễn Châu cùng chính quyền địa phương đang làm việc với công nhân và lãnh đạo công ty để nắm bắt tình hình, tìm hướng giải quyết.
Trước đó, chiều 2-10, 6.000 công nhân của Công ty TNHH Viet Glory đã ngừng việc tập thể. Các công nhân đề nghị một số nội dung như tăng lương cơ bản, xem lại thái độ của cán bộ công ty, điều chỉnh thời gian họp…
Sau khi tập trung tại nhà xe, đến khoảng 13h30, trên 5.000 công nhân đồng loạt ra về.
Đến cuối ngày 2-10, lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory đã thông báo trả lời những kiến nghị của công nhân.
Về yêu cầu tăng lương cơ bản, theo công ty này mức lương tối thiểu vùng 3 huyện Diễn Châu là 3.640.000 đồng, mức lương cơ bản hiện tại của công ty là 4.130.000 đồng, cao hơn so với mức lương cơ bản vùng, phù hợp với quy định. Xem xét tình hình hiện tại, công ty không thể điều chỉnh tăng lương.
Theo quy định hiện hành, công ty đã và đang thực hiện đúng quy định công nhân mang thai tháng thứ 7 trở lên được về sớm 1 giờ so với quy định.
Ngày 1-10, nhằm động viên tinh thần của cán bộ, công nhân viên, đồng thời tăng thu nhập đảm bảo đời sống người lao động, công ty quyết định tăng thưởng sản lượng cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên nhà máy.
Thời gian tới, công ty sẽ xem xét và giải quyết 2 nội dung còn lại: thưởng tháng 13 sẽ được tính theo quy định phúc lợi của công ty. Tăng số lượng công nhân hưởng độc hại nặng nhọc, tăng mức phụ cấp độc hại nặng nhọc.
Trong thông báo này, ban giám đốc công ty cũng yêu cầu tất cả công nhân đi làm trở lại vào sáng 3-10. Những công nhân nghỉ tự do 5 ngày trong tháng sẽ bị sa thải.
Công nhân từng nhiều lần nghỉ việc
Nhà máy sản xuất, gia công giày dép Viet Glory đóng tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu được thành lập vào năm 2019, có công suất dự kiến 25 triệu sản phẩm/năm. Nhà máy được đầu tư bằng 100% vốn nước ngoài.
Hiện tại có trên 6.000 công nhân làm việc và công ty đang trong quá trình xây dựng giai đoạn 2.
Trước đó, tại công ty này cũng đã xảy ra tình trạng lao động tự ý dừng việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021 và 2022. Nguyên nhân chính là vì công nhân muốn tăng lương.
Sau khi có sự tham gia giải quyết của Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu và Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, công ty đã thành lập công đoàn cơ sở vào tháng 3-2021.
TTO - Sáng 9-7, hơn 1.000 công nhân Công ty dệt may Panko Tam Thăng thuộc tập đoàn Panko, Hàn Quốc (ở tỉnh Quảng Nam), đồng loạt nghỉ việc vì bức xúc lương và chế độ quá thấp, không rõ ràng.