Trung bình mỗi ngày tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông có hơn 10.000 người đi vé tháng.
Tại Hà Nội, đã phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc giao thông giờ cao điểm, nâng tổng số “điểm đen” ùn tắc lên 37 điểm. Còn TP.HCM có 24 điểm đen tai nạn giao thông. Đến tháng 6/2023, chỉ có 3 điểm có chuyển biến, 10 điểm không chuyển biến.
Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.
Chống người thi hành công vụ tăng 23 vụ
Theo báo cáo, tính từ ngày 15/12/2022 đến 14/9/2023, toàn quốc xảy ra 8.335 vụ tai nạn, làm chết 4.765 người, bị thương 5.802 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ giảm 90 vụ (-1,07%), giảm 60 người chết (-1,24%), tăng 216 người bị thương (+3,87%).
Trong đó, riêng đường bộ xảy ra 8.237 vụ, làm chết 4.695 người, bị thương 5.777 người. Trong số này có 22 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 77 người, bị thương 56 người (Quảng Nam 4 vụ; Hà Nội, Sóc Trăng, Gia Lai, Lào Cai mỗi địa phương 2 vụ…)
Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, các cơ quan đã nhận được 274 báo cáo an toàn bắt buộc, báo cáo nêu rõ.
Cụ thể, khoảng thời gian này, hàng không xảy ra 1 vụ tai nạn, 81 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (1 mức B, 4 mức C và 76 mức D). Trong đó, vụ tai nạn nghiêm trọng nhất xảy ra liên quan đến tàu bay trực thăng BELL 505 ngày 5/4 tại huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng khiến 5 người thiệt mạng (gồm 1 phi công và 4 hành khách), khiến 1 chiếc trực thăng hỏng hoàn toàn.
Về kết quả xử lý vi phạm, Chính phủ cho biết trong 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý hơn 2,5 triệu trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 4.800 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe và chứng chỉ chuyên môn của gần 485.000 trường hợp, tạm giữ hơn 770.000 phương tiện. Trong đó, trên đường bộ, có hơn 550.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 22,13%), hơn 1.700 trường hợp lái xe dương tính với ma túy (chiếm 0,07%); gần 500.000 trường hợp chạy quá tốc độ quy định (chiếm 20,08%)…
Liên quan tình trạng chống lại cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ, không chấp hành luật giao thông, Chính phủ nhận định tình trạng này xảy ra nhiều, làm 1 chiến sĩ hy sinh, 21 người bị thương; 44 đối tượng bị bắt giữ liên quan hành vi này.
So với cùng kỳ năm 2022, số vụ chống người thi hành công vụ tăng 23 vụ (tăng 109%). Trong đó, có 19 vụ người vi phạm có sử dụng rượu, bia (chiếm 43,18%).
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã nhộn nhịp
Tại báo cáo, Chính phủ đánh giá việc các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM đang từng bước đưa đường sắt đô thị vào hoạt động đã thúc đẩy việc sử dụng phương tiện công cộng của người dân.
Tại Hà Nội, theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi ngày tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông có hơn 10.000 người đi vé tháng; ngày bình thường có khoảng 32.000-34.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động 28.000-30.000 nghìn lượt khách. Lượng khách đi lại thường xuyên là 6.000-8.000 người.
Về ùn tắc giao thông, báo cáo thống kê xảy ra 97 vụ, trong đó, cao tốc TP.HCM - Trung Lương 12 vụ; cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết 2 vụ, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 2 vụ; cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cao tốc Cam Lộ - La Sơn mỗi tuyến xảy ra 1 vụ.
Tại Hà Nội, theo thống kê của Chính phủ đã phát sinh thêm 10 điểm ùn tắc giao thông giờ cao điểm, nâng tổng số “điểm đen” ùn tắc lên 37 điểm.
Ngoài nguyên nhân chung do lưu lượng phương tiện lớn, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao, Chính phủ nhận định còn nguyên nhân do các rào chắn thi công dự án gây hẹp lòng đường, do hạ tầng chưa đồng bộ và do quá tải kết cấu hạ tầng.
Tại TP.HCM có 24 điểm đen tai nạn giao thông. Đến tháng 6, chỉ có 3 điểm có chuyển biến, 10 điểm không chuyển biến.
Ngoài ra, quanh khu vực Sân bay Tân Sân Nhất thường xuyên ùn tắc dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2023, dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4-1/5 và 2/9.
"Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP.HCM có xu hướng tăng trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, nhất là tại cửa ngõ ra/vào thành phố lớn”, báo cáo Chính phủ nhận định nguyên nhân là do số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao.