Thị trường nhạy cảm với thông tin
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Nguyên Khoa - trưởng nhóm phân tích thị trường Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) - cho biết thị trường giai đoạn điều chỉnh khá "nhạy cảm" với thông tin.
"Tiền vào thị trường giảm khá mạnh. Nhiều yếu tố tác động đến tâm lý lo ngại, dè dặt của nhà đầu tư hiện nay, bao gồm cả những tin đồn khó kiểm chứng", ông Khoa nói.
Về tỉ giá, hiện giá USD thị trường tự do có xu hướng tăng nhẹ. Nhiều quan điểm cho rằng đây là yếu tố tác động khá lớn tới sự điều chỉnh thị trường chứng khoán sáng nay. Tuy nhiên tỉ giá vẫn trong mức kiểm soát, chưa vượt đỉnh năm ngoái.
Thị trường đã tăng một mạch, kỳ vọng nhà đầu tư quá lớn nhưng thực tế diễn biến không được như vậy, nên giá sẽ được điều chỉnh lùi về vùng hợp lý. Đây là sự vận động tất yếu của thị trường.
Cũng theo vị này, số liệu kinh tế quý 3-2023 mới công bố cho thấy kinh tế vĩ mô cải thiện nhưng còn chậm, tăng trưởng tín dụng thấp, kết quả kinh doanh quý 3 có thể sẽ không quá nhiều kỳ vọng. Khi thị trường điều chỉnh về 1.080 điểm sẽ có sự cân bằng, dòng tiền sẽ trở lại tốt hơn.
Khi ở vùng giá thấp, nhà đầu tư sẽ làm "ván mới", lực mua tốt hơn. Còn từ bây giờ đến lúc đó, thị trường cần quá trình kiểm định.
Diễn biến tỉ giá ra sao?
Trên thị trường thế giới, giá USD tiếp tục tăng cao. Chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) leo lên mức 107,13 điểm.
Trong nước, Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm hôm nay (3-10) ở mức 24.065 đồng, tăng 6 đồng so với hôm qua. Giá bán USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 25.218 đồng, tăng 7 đồng so với hôm qua, chiều mua vào giữ nguyên 23.400 đồng.
Các ngân hàng thương mại cũng tăng giá USD. Tại Vietcombank, niêm yết mua vào - bán ra mức 24.210 - 24.580 VND/USD, tăng 90 đồng ở cả hai chiều so với hôm qua. Techcombank niêm yết giá USD mua vào - bán ra ở mức 24.223 - 24.565 đồng, tăng 52 đồng...
Theo nhận định từ FIDT Research, hiện tại chỉ số DXY tăng cao, do vậy Ngân hàng Nhà nước (SBV) có thể phải tiếp tục phòng ngừa áp lực tăng từ tỉ giá trong ngắn hạn, cho đến khi có diễn biến khiến xu hướng "USD - lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ dài hạn" hạ nhiệt.
Trong ngắn hạn, các chính sách của SBV có thể thực hiện nhằm cân bằng các mục tiêu chính sách tiền tệ nới lỏng như tiếp tục phát hành tín phiếu ở tốc độ vừa phải.
Trong báo cáo mới đây, ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia phân tích VNDirect, cũng cho biết đà tăng gần đây của tỉ giá có tác động trái chiều tới nền kinh tế.
Dẫu vậy theo vị chuyên gia này, vẫn có những yếu tố mang tính hỗ trợ, góp phần ổn định tỉ giá trong năm nay như thặng dư thương mại ở mức cao, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định, nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài...
Hai nhóm yếu tố mang lại tiềm năng thị trường chứng khoán sắp tới, bao gồm: kết quả kinh doanh quý 3 khi nhiều lĩnh vực nỗ lực thoát đáy; các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế...