Thị trường ấm dần
Nốt trầm của thị trường diễn ra từ nửa cuối năm 2022, khi chứng kiến sự đóng băng, giao dịch gần như bằng 0, thanh khoản thị trường yếu. Thực tế, nhiều dự báo từ trước đó về khả năng thị trường đi xuống từ năm 2020 nhưng hai năm Covid-19, dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường giúp thị trường giữ được nhịp. Giới đầu tư ví như “liều thuốc giảm đau” hỗ trợ thị trường đến nửa cuối năm 2022 thị trường lao dốc.
Các doanh nghiệp trong ngành lâm vào tình cảnh khó khăn. Vướng mắc về pháp lý và nguồn vốn là hai khó khăn bủa vây lấy doanh nghiệp bất động sản (BĐS) suốt thời gian qua. Việc huy động vốn phát triển dự án của doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi ngân hàng siết room tín dụng và huy động vốn từ trái phiếu cũng khó hơn.
Nhiều yếu tố bất lợi đã tác động đến thị trường, nguồn cung khan hiếm, dòng tiền suy yếu và niềm tin sụt giảm khiến cho lượng giao dịch thấp kể từ cuối năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2023.
Mới đây, trong một chia sẻ tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 12/9, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thị trường BĐS đình đốn do nguồn cung hạn chế. Số lượng mở bán dự án trong nửa đầu năm nay rất ít, trong đó số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai chỉ 30 dự án với hơn 4.500 căn hộ, chỉ bằng khoảng 37,5% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, khó khăn của thị trường bất động sản đang dần vơi đi. Trước những chuyển biến tích cực của tình hình kinh tế xã hội nói chung và các giải pháp tháo gỡ, thị trường bất động sản có thể bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dự báo thị trường BĐS sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm 2023 và có sự phát triển trở lại trong năm 2024.
Ghi nhận từ thực tế, các chủ đầu tư đang rục rịch chuẩn bị ra hàng như tại Thanh Hóa, một dự án bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu mở bán từ 16/9 hay một số dự án ở Quảng Ninh, Hải Phòng cũng dự kiến mở bán từ tháng 10/2023. Giới đầu tư cho rằng đây là thời điểm thích hợp để xuống tiền.
Theo thông tin từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, dự báo trong nửa cuối năm 2023 là thời điểm thuận lợi để khách hàng có sẵn dòng tiền đầu tư các sản phẩm bất động sản có nhu cầu ở thực và đầu tư lâu dài. Đặc biệt sản phẩm có vị trí địa lý thuận lợi và hạ tầng giao thông tốt với mức giá hợp lý sẽ hút dòng tiền.
Những điểm sáng được kỳ vọng là “bệ phóng”
Mạnh tay tháo gỡ chính sách
Về phương diện pháp lý, các vướng mắc pháp lý ở các dự án đã và đang có những chuyển biến rõ nét hơn nhờ vào những chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ thông qua các văn bản:
Nghị quyết 33/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Nghị định số 08/2023/NĐ-CP tháo gỡ các vấn đề về trái phiếu.
Nghị định 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, mở ra cửa sáng cho việc cấp sổ Condotel.
Thông tư 10/2023/TT-NHNN về việc ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư 06/2023/TT-NHNN, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Nguồn cung - sức cầu trở lại
Vừa qua thị trường đã có những sự phục hồi nhất định về nguồn cung cũng như sức cầu. Quan sát ở các phân khúc thuộc loại hình bất động sản nhà ở đã bắt đầu có những điểm sáng nhất định.
Điển hình như ở phân khúc căn hộ tại Tp.HCM trong tháng 7/2023, ghi nhận nguồn cung mới khoảng 3,499 căn, chiếm 2/3 tổng nguồn cung mới 7 tháng đầu năm, mặc dù phần lớn nguồn cung – lượng tiêu thụ đến từ giai đoạn tiếp theo của một dự án đại đô thị quy mô lớn thuộc khu Đông – Tp.Thủ Đức nhưng đây cũng có thể xem là một sự khích lệ đáng kể cho thị trường thời điểm hiện tại.
Mặt bằng lãi suất giảm
Nổi bật, trong tháng 8/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn 6385/NHNN/CSTT về giảm lãi suất cho vay, trong đó yêu cầu giảm lãi suất cho vay từ 1.5 - 2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Song song đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay ở các ngân hàng thương mại đã quay về tiệm cận so với mức tại thời điểm trước dịch, khiến người dân dần chuyển dịch dòng tiền, tìm đến những kênh đầu tư sinh lời khác với mức sinh lợi hấp dẫn hơn.
Thị trường chứng khoán hồi phục
Thị trường chứng khoán vừa qua đã có những sự hồi phục, tăng điểm khá tốt quay trở lại mốc 1,200 điểm, mang lại động lực phát triển cũng như khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Giải ngân đầu tư công khởi sắc
Giải ngân đầu tư công tăng so với cùng kỳ năm 2022, lũy kế đầu năm đến tháng 7/2023 ước giải ngân hơn 268 nghìn tỷ đồng, đạt gần 40% kế hoạch được giao.
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 749/CĐ-TTg về việc chỉ đạo các sở ban ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.
Đây được kỳ vọng sẽ mang đến những cú huých hạ tầng giao thông, tạo tiền đề vững chắc cho những bước phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong tương lai.
Từ những nhận định trên, nhiều chuyên gia nhận định, đà hồi phục của thị trường bất động sản sẽ dần rõ nét vào các tháng cuối năm 2023 hay chậm nhất là vào quý I/2024. Mặt bằng giá có thể “đảo chiều” từ thời điểm này trở đi.
Các phân khúc đều được dự báo tích cực
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ ấm dần lên khi niềm tin của khách hàng đang được vực dậy. Thời gian qua, một số nơi đã có giao dịch trở lại ở cả phân khúc đất nền, căn hộ.
Dự báo về diễn biến các phân khúc bất động sản từ nay đến cuối năm, các chuyên gia của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) đã có những dự báo chi tiết về các phân khúc.
Về bất động sản nhà ở, nguồn cung bất động sản nhà ở sẽ được cải thiện dần và rõ nét từ cuối quý 3/2023. Dự kiến nguồn cung đạt khoảng 28.000 sản phẩm trong quý 3 và trên 30.000 sản phẩm trong quý 4. Về lực cầu, thị trường bất động sản nhà ở dần ổn định trong những tháng cuối năm. Cùng với đó, niềm tin của khách hàng được củng cố và nguồn cung được cải thiện sẽ góp phần làm tăng lực cầu cho phân khúc này.
Về giá bán, VARs cho rằng, phân khúc trung cấp vẫn trên đà tăng nhẹ. Phân khúc cao cấp xu hướng đi ngang nhưng sẽ “dễ thở” hơn nhờ các chính sách ưu đãi từ phía chủ đầu tư. Giá bán đất nền và biệt thự/liền kề/shophouse trên thị trường thứ cấp tiếp tục giảm nhẹ nhưng sẽ dần ổn định vào khoảng cuối quý 3.
Trong những tháng cuối năm 2023, giao dịch tiếp tục đà tăng và dễ đạt được kết quả ấn tượng vào khoảng giữa đến cuối quý 4 khi nguồn cung được cải thiện, niềm tin vào thị trường của khách hàng được vực dậy.
Nguồn cung của bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng những tháng cuối năm nhiều khả năng sẽ tăng. Theo VARs, nếu Nghị định 10/2023/NĐ-CP được thực thi, rất có thể cuối năm 2023 sẽ chứng kiến cú lội ngược dòng của phân khúc này. Khi đó, lực cầu trong phân khúc này sẽ tăng, thậm chí đạt mức ấn tượng.
Do đó, giá bán bất động sản nghỉ dưỡng sẽ xảy ra 2 kịch bản. Kịch bản kỳ vọng khi Nghị định 10 thực sự phát huy tác dụng, giá bán phân khúc này sẽ bắt đầu đà tăng. Kịch bản còn lại, mặt bằng giá tiếp tục đi ngang. Giao dịch của phân khúc này cũng sẽ xảy ra hai kịch bản tương tự như với giá bán: Nếu nghị định 10/2023/NĐ-CP thực sự ngấm, giao dịch sẽ trở lên nhộn nhịp hơn và ngược lại..
Bên cạnh đó bất động sản thương mại - văn phòng, bán lẻ sẽ tiếp tục được bổ sung từ các dự án đang triển khai với tổng diện tích ước tính 214.000m2. Trong khi đó, lực cầu có xu hướng giảm nhẹ tạm thời do những khó khăn chung của tình hình kinh tế.
Giá thuê mặt bằng thuộc TTTM và các tòa nhà được đầu tư chất lượng hoặc cải tạo mới sẽ có xu hướng ổn định, thậm chí tăng nhẹ. Tại các khu vực còn lại, đặc biệt là các căn nhà phố riêng lẻ giá sẽ điều chỉnh giảm. Giao dịch những tháng cuối năm theo VARs sẽ có xu hướng giảm nhẹ tạm thời.
Bất động sản công nghiệp có xu hướng tăng từ loạt dự án mới được phê duyệt. Lực cầu tiếp tục đà tăng, đặc biệt đến từ các tập đoàn lớn trong mảng linh kiện điện tử và logistics.
Cả giá thuê và giao dịch được dự báo tiếp tục xu hướng tăng. Việt Nam tiếp tục là điểm đến được lựa chọn của các ông lớn quốc tế, đặc biệt tại các khu công nghiệp mới được đầu tư bài bản, chất lượng cao.
Cấp huyện của Hà Nội được ủy quyền định giá khu đất từ 30 tỷ đồng trở lên
UBND Tp.Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Theo đó, UBND cấp huyện sẽ có quyền tính tiền sử dụng đất, đối với phần diện tích đất vượt hạn mức khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân.
Đáng chú ý, phạm vi ủy quyền được thực hiện đối với trường hợp thửa đất hoặc khu đất có giá
Theo quyết định về việc ủy quyền này, trước ngày 30/3/2025, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ chủ trì cùng các sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức sơ kết đánh giá kết quả công tác ủy quyền. Từ đó, báo cáo UBND Tp.Hà Nội xem xét việc tiếp tục ủy quyền hoặc phân cấp làm cơ sở tổ chức thực hiện cho thời gian tiếp theo.
Hương Anh (t/h)