Nghiên cứu đột phá cứu sống hàng tỉ người khỏi đại dịch
Ngày 2.10 (giờ Việt Nam), giải thưởng Nobel Y sinh 2023 đã được công bố ở Stockholm (Thụy Điển). Chiến thắng thuộc về 2 nhà khoa học Katalin Kariko, nữ giáo sư ngành hóa sinh phân tử người Hungary, và Drew Weissman, bác sĩ người Mỹ, với nghiên cứu công nghệ vắc xin mRNA ngừa Covid-19.
Tên tuổi của Kariko và Weissman đã "chiếm sóng" truyền thông quốc tế cách đây 2 năm (tháng 1.2021), khi nghiên cứu của họ được VinFuture xướng tên với Giải thưởng Chính trị giá 1 triệu USD, cũng chính với công nghệ đã mở đường tạo ra các loại vắc xin ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả.
Các thành viên của Hội đồng chấm giải Nobel nhận định công trình của 2 nhà khoa học Kariko và Weissman đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu của đại dịch. Kết quả nghiên cứu của họ tạo nền tảng cho sự ra đời trong thời gian nhanh kỷ lục của vắc xin công nghệ mRNA - "vũ khí" đẩy lùi Covid-19, cứu sống hàng tỉ người trong thảm họa sức khỏe tồi tệ nhất hành tinh trong nhiều chục năm qua.
Công nghệ mang tính cách mạng này cũng mở ra một chương mới của y học khi có thể tiếp tục khai thác để phát triển các vắc xin chống lại các bệnh khác như sốt rét, vi rút hợp bào hô hấp, ung thư, tự miễn và bệnh di truyền.
Thực tế, Kariko và Weissman đã dành hàng chục năm tại phòng thí nghiệm để phát triển công nghệ mRNA, nhưng nghiên cứu không tạo được tiếng vang. Cả hai chỉ thực sự được giới khoa học công nghệ toàn cầu biết đến khi Covid-19 xuất hiện, đặc biệt là sau khi trở thành chủ nhân Giải thưởng Chính của Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu VinFuture 2021.
Sau VinFuture, nhiều giải thưởng quốc tế khác cũng nhận ra ý nghĩa và đóng góp toàn cầu của công trình nghiên cứu vắc xin mRNA phòng Covid-19 và vinh danh GS Kariko, như Japan Prize (Nhật Bản), Tang (Đài Loan), Lasker (Mỹ), Gairdner (Canada)…
Bà Kariko từng nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có những giải thưởng khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển. Nữ giáo sư đánh giá một giải thưởng "hào phóng và ý nghĩa" như VinFutre lại không xuất phát từ một quốc gia siêu cường càng cho thấy tầm nhìn của những nhà sáng lập về khả năng thay đổi thế giới của các phát minh khoa học, công nghệ.
"Đặc biệt, từ VinFuture, các nhà khoa học thế giới đã hiểu hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra quốc tế, đóng góp ngày càng chủ động và tích cực hơn trong việc giải quyết các vấn đề chung của nhân loại một cách thiết thực", GS Kariko đánh giá.
Tính tiên phong và tầm vóc toàn cầu của VinFuture
Thông tin nghiên cứu về vắc xin mRNA ngừa Covid-19 của GS Kariko và TS Weissman đoạt giải Nobel Y Sinh 2023 đã khiến giới chuyên gia trong và ngoài nước phấn chấn, bởi nhìn rộng hơn, sự tôn vinh này cho thấy dấu ấn về tầm vóc của con người Việt Nam.
Từ Nhật Bản, GS Trần Văn Thọ, giáo sư danh dự tại ĐH Waseda, Tokyo, Nhật Bản, cho biết ông rất vui vì một quỹ giải thưởng của Việt Nam đã "đi trước thế giới một bước" khi có tầm nhìn và khả năng lựa chọn, đánh giá để tôn vinh các công trình nghiên cứu có đóng góp to lớn cho nhân loại trước Nobel tới 2 năm.
"Điều này cho thấy VinFuture có vai trò quan trọng trong việc đánh giá và thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học công nghệ toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới", nguyên thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhìn nhận cú đúp giải thưởng của công trình nghiên cứu về vắc xin mRNA ngừa Covid-19 cho thấy tầm vóc toàn cầu của VinFuture. Thậm chí, VinFuture còn đi trước Nobel tới 2 năm khi sớm đánh giá được ý nghĩa đột phá của nghiên cứu.
Tầm nhìn và tính tiên phong của VinFuture cũng là điều mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan muốn nhấn mạnh thông qua việc Nobel vinh danh 2 chủ nhân Giải thưởng VinFuture. Vào thời điểm cuối năm 2021, đại dịch Covid-19 mới chỉ tạm thời được kiểm soát nhờ vắc xin mRNA, thế giới còn chưa có đánh giá toàn diện đóng góp mang tính thời đại của nghiên cứu này, thì VinFuture đã xướng tên Kariko và Weissman với hạng mục danh giá nhất - Giải thưởng Chính trị giá 1 triệu USD.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nobel vẫn được xem là một trong những giải thưởng cao quý nhất với giới khoa học toàn cầu bởi lịch sử và uy tín lâu năm. Năm nay, Nobel vinh danh 2 nhà khoa học trước đó đã được VinFuture trao giải cao nhất trong mùa đầu tiên. Đây là minh chứng cho thấy VinFuture đã đặt mục tiêu rất đúng khi chọn lựa và tôn vinh những nhà khoa học có thành tựu đột phá, đóng góp vào cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất. Ngay khi được công bố tại lễ trao giải tháng 1.2022, giải thưởng đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của cộng đồng khoa học trên thế giới cũng như những nhà quan sát.
"Tính tiên phong và cập nhật tạo nên sự khác biệt của VinFuture so với Nobel hay các giải thưởng danh giá khác, giúp VinFuture mang đầy hơi thở cuộc sống của thế giới đương đại. Điều này có tác động cổ vũ kịp thời cộng đồng nghiên cứu khi tạo ra những phát minh, sáng chế có ý nghĩa thiết thực với cả nhân loại", bà Phạm Chi Lan phân tích.