Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về 30%
Bắt đầu từ đầu tháng 10, các ngân hàng sẽ chỉ được dùng 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, thay vì mức 34% như trước.
Một số ý kiến lo ngại về việc các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục siết vốn chặt hơn vào những lĩnh vực có nhu cầu vay dài như là bất động sản.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, vào tháng 6/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống là 25,1%, còn với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 28,6%. Từ năm 2022, các Ngân hàng đã chủ động việc điều chỉnh giảm cơ cấu vốn vay, bởi quy định này đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ cách đây 4 năm theo lộ trình giảm dần.
Năm nay, số liệu tới thời điểm hiện tại chưa công bố, nhưng tính đến tháng 7 vừa qua, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống là 26,1%, thấp hơn so với giới hạn 30%. Tuy nhiên cá biệt, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần vẫn ở trên mức này là 32,6%. Vì vậy, các ngân hàng đã phải tìm nhiều giải pháp để tăng lượng vốn huy động dài hạn lên nhằm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vốn.
Ngân hàng tìm cách đa dạng các nguồn vốn trung, dài hạn
Niêm yết lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài luôn cao hơn đáng kể so với tiền gửi ngắn hạn là cách phổ biến các ngân hàng đang triển khai để thu hút nguồn tiền gửi trung, dài hạn. Mức chênh lệch có thể lên đến 2% tùy kỳ hạn và tùy từng ngân hàng.
Hiện khoảng 80% tiền gửi tiết kiệm là ngắn hạn, nên việc cho vay trung, dài hạn quá lớn sẽ khiến hệ thống chịu rủi ro chênh lệch kỳ hạn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Thời điểm hiện tại tôi thấy khách hàng hay gửi kỳ hạn 6 -12 tháng. Việc họ gửi kỳ hạn như vậy giúp ngân hàng có thể cân đối nguồn vốn cho tùy từng khách hàng và doanh nghiệp khi cho vay tốt hơn", bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Giám đốc phòng giao dịch số 5, Agribank chi nhánh Láng Hạ, cho biết.
Để có những nguồn vốn dài hạn hơn trên 1 năm, ngân hàng cũng không phụ thuộc vào lượng huy động từ dân cư. Như ngân hàng VPBank, họ tìm kiếm vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, trung bình từ 3 - 5 năm, gần đây nhất, họ đã huy động được nguồn tài trợ lên tới 7 năm.
" Mục tiêu đa dạng hóa nguồn vốn rất quan trọng. Hạn mức lần này là 300 triệu USD của DFC cấp cho VPBank với kỳ hạn 7 năm, là khoản vay lớn nhất của một tổ chức và với kỳ hạn dài nhất có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có khoản vốn với kỳ hạn dài hơn. Trong khi đó, VPBank vẫn đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước, ví dụ như nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn", bà Võ Hằng Phương, Giám đốc Khối thị trường tài chính và Ngân hàng giao dịch, VPBank, cho hay.
"Khi chúng ta huy động vốn ngắn hạn từ 3 - 6 tháng, nhưng lại cho vay trung dài hạn 3 - 5 năm, 10 năm. Vì vậy khi không đủ vốn để trả cho người huy động thì ngân hàng sẽ gặp khó khăn về vốn và tính thanh khoản sẽ gặp nguy hiểm, nên thông lệ quốc tế, chỉ cho vay trung, dài hạn bằng nguồn vốn huy động trung, dài hạn là như vậy", ông Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính, nhận định.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện khoảng 80% tiền gửi tiết kiệm là ngắn hạn, nên việc cho vay trung, dài hạn quá lớn sẽ khiến hệ thống chịu rủi ro chênh lệch kỳ hạn. Vì vậy, việc giảm tỷ lệ sẽ giúp đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn theo thông lệ quốc tế.
VTV.vn - Bắt đầu từ đầu tháng 10, các ngân hàng chỉ còn được dùng 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, thay vì mức 34% như trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.43774839040013202-nah-iad-gnurt-nov-nougn-gnad-ad-hcac-mit-gnah-nagn/et-hnik/nv.vtv