Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho thấy, 8 tháng đầu năm 2023, công suất phòng trung bình của thị trường Việt Nam chỉ đạt 40%, thấp hơn mức trước đại dịch gần 20%.
Các thủ phủ du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long… vẫn “tối đèn”. Nhiều chủ sở hữu cơ sở kinh doanh du lịch đã phải bán tháo vốn hoặc chuyển hướng sản xuất, kinh doanh. Còn với những đơn vị vận hành chuyên nghiệp, tình hình khai thác cho thuê bất động sản nghỉ dưỡng cũng gặp khó khăn không kém.
Công bố mới đây của Bộ phận Nghiên cứu thị trường (Công ty BHS Group) cho thấy, phần lớn nhà nghỉ dưỡng chưa “sáng đèn” tập trung tại khu vực miền Trung, với 16.000 sản phẩm, phân bổ chủ yếu ở Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định và Phú Yên. Miền Bắc còn 5.000 sản phẩm chưa được vận hành, rải rác tại Hòa Bình, Hải Phòng và Phú Thọ. Khu vực miền Nam có 3.000 sản phẩm bỏ trống, tập trung chủ yếu tại Kiên Giang.
Xét theo phân khúc, sản phẩm nghỉ dưỡng cao tầng thường là các condotel được chủ đầu tư ưu tiên khai thác sau khi hoàn thiện. Lý do là sản phẩm này hấp dẫn khách thuê hơn nhờ chi phí hợp lý và vẫn đảm bảo trải nghiệm đầy đủ tiện ích, dịch vụ.
Tại nhiều địa phương, các lễ hội lớn được tổ chức như Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023, Lễ hội Festival biển Nha Trang, Carnaval Hạ Long 2023… nhằm quảng bá điểm đến và thu hút du khách. Tuy nhiên, các biện pháp kích cầu này vẫn cần thời gian “ngấm” và sự bổ trợ của nhiều lực đẩy cầu du lịch khác.
Để ngành du lịch nghỉ dưỡng cạnh tranh hiệu quả và bền vững hơn, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels nhận định, Việt Nam cần chú trọng công tác truyền thông sản phẩm du lịch đến thị trường quốc tế, cũng như thực hiện quảng bá hình ảnh phù hợp với đặc thù từng địa phương.
“Việc gia tăng thời hạn miễn thị thực lên 90 ngày là tin đáng khích lệ. Song, việc thiết lập các văn phòng đại diện để quảng bá hoạt động du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế là điều cần thiết”, ông Mauro Gasparotti chia sẻ.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, ngành du lịch cần những chiến lược dài hơi hơn. Chú trọng nâng cấp, làm mới các sản phẩm, bảo tồn các yếu tố văn hóa địa phương, nét đặc trưng cộng đồng, cũng như phát triển hệ thống hạ tầng tương ứng với tốc độ phát triển.
Đồng thời, cần định hướng phát triển bền vững, hướng đến các mô hình du lịch sinh thái, du lịch tái tạo, du lịch y tế, và các sản phẩm dành cho đối tượng du khách cao tuổi. Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm, vui chơi giải trí trong các khu phức hợp nghỉ dưỡng cũng có nhiều tiềm năng.
Đánh giá triển vọng thị trường du lịch nghỉ dưỡng, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc chuyên trang Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho rằng, dù nút thắt pháp lý đang dần được tháo gỡ, nhưng thị trường này khó hồi phục trong ngắn hạn. “Thời điểm sớm nhất thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thể hồi phục là từ quý III/2024”, ông Tuấn dự báo.
baodautu.vn
Xem thêm: lmth.141133tsop-nah-nagn-gnort-ioh-cuhp-ohk-gnoud-ihgn-nas-gnod-tab/nv.naohkgnuhchnahnnit.www