Vào mỗi tối thứ ba và thứ năm hằng tuần, nhóm nhân viên khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) lại đến các huyện ngoại thành của thành phố như Cần Giờ, Nhà Bè để bắt muỗi.
Trong màn đêm, họ lặng lẽ, âm thầm đến những nơi có nhiều muỗi nhất và dùng chính bản thân mình làm mồi, hoặc dùng máy bắt muỗi cầm tay chuyên dụng tự chế để bắt muỗi.
Sau khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ di chuyển từ trung tâm thành phố, nhóm 4 người gồm thạc sĩ Mai Xuân Phán - phó trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính (HCDC) và 3 nhân viên của khoa đã có mặt tại xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).
Đồng hồ điểm 18h30, trời sập tối, họ di chuyển đến khu vực chuồng bò của một hộ dân trên địa bàn để bắt muỗi bằng phương pháp rọi đèn và máy bắt muỗi chuyên dụng. Việc bắt muỗi trở nên khó khăn hơn mọi lần, khi mặt đất tại đây bị sình lầy sau những cơn mưa lớn.
Bà Lê Thị Mau (57 tuổi, ngụ xã Lý Nhơn) cho hay nhóm đã đến khu vực chuồng bò nhà bà bắt muỗi được vài năm nay, với 1 lần/tháng.
"Ban đầu tôi thấy lạ, thắc mắc họ xuống đây bắt muỗi làm gì, sau này mới biết lý do. Công việc này vất vả đó, đi tìm từng con muỗi lúc đêm hôm", bà Mau nói.
Sau khi "thu lợi phẩm" tại chuồng bò, họ tiếp tục lên xe di chuyển đến bìa rừng phòng hộ thuộc xã An Thới Đông. Đến nơi, họ xắn ống quần, ngồi xuống, tắt đèn pin, tay cầm ống nghiệm và chờ muỗi đến đốt.
Khi có muỗi đến cắn, họ dùng ống nghiệm nhẹ nhàng úp gọn chúng, rồi dùng bông gòn nút lại. Đến khi đủ số lượng muỗi cần bắt, nhóm di chuyển về HCDC trong đêm muộn.
Gắn bó việc bắt muỗi đã hơn một năm, chị Trần Thúy Loan - nhân viên khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính HCDC - chia sẻ dù công việc có chút vất vả nhưng lại giúp ích cho xã hội, cộng đồng. Dần dần chị cảm thấy thích thú và muốn tiếp tục làm công việc này.
Trong 10 năm theo nghề bắt muỗi, điều khiến anh Trần Đăng Khoa - nhân viên khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính HCDC - khó quên nhất là ngồi gãi liên tục sau khi hoàn thành nhiệm vụ. "Muỗi khi đậu trên người, có con bò nhột, có con chích ngứa, có con chích đau nhưng phải ngồi im. Bắt xong, lên xe về thì ngồi gãi ngứa", anh Khoa cười.
Giám sát sốt rét, thử nghiệm sinh học
Thạc sĩ Mai Xuân Phán cho biết mỗi đêm nhóm sẽ đi bắt muỗi tại một điểm. Thời gian bắt dựa vào yếu tố sinh lý của chúng, đỉnh cao là từ 19h - 22h.
Với kiến thức được tập huấn và kinh nghiệm, người bắt muỗi chưa bị ảnh hưởng đến sức khỏe khi bắt muỗi. Trong thời điểm muỗi nhiều, mật độ cao thì người bắt muỗi phải uống thuốc dự phòng.
Muỗi bắt về phải còn sống và nguyên vẹn. Sau đó sẽ được xác định thành phần loài, tính mật độ muỗi để phục vụ giám sát sốt rét, hoặc dùng thử nghiệm sinh học, xác định mức nhạy cảm của muỗi đối với hóa chất và đánh giá hiệu lực diệt tồn lưu của hóa chất.
Dưới đây là hình ảnh của nhóm nhân viên khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính của HCDC bắt muỗi trong đêm tại huyện Cần Giờ:
Tại kỳ họp lần thứ 11 của HĐND TP.HCM khóa X vừa qua, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi một số hoạt động y tế - dân số trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó có thông tin gây chú ý là dự chi hỗ trợ người làm mồi và người đi bắt muỗi 130.000 đồng/đêm.
TP.HCM sẽ chi hỗ trợ người đi bắt muỗi 130.000 đồng/đêm, áp dụng cho người tham gia hoạt động y tế - dân số; hỗ trợ 9,8 triệu đồng mổ cận thị để tham gia nghĩa vụ quân sự...