Vé máy bay Tết giá cao
Theo khảo sát của Tiền Phong trên trang bán vé máy bay của các hãng hàng không, các chuyến bay từ Hà Nội đến các điểm du lịch như Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn trong giai đoạn cao điểm Tết đang khan hiếm vé giá rẻ.
Hiện nay, Vietnam Airlines đã hết vé phổ thông từ Hà Nội tới Nha Trang vào ngày 11/2/2024, tức mồng 2 Tết Âm lịch. Đối với hạng vé thương gia, giá khứ hồi cho chuyến 4 ngày hiện đang dao động trong khoảng 10-14,528 triệu đồng.
Trong khoảng thời gian trên, giá vé bay Vietjet chặng Hà Nội - Nha Trang khoảng 4,6 triệu/vé khứ hồi hạng phổ thông và hơn 5 triệu khứ hồi hạng phổ thông đặc biệt. Với Bamboo Airways, giá vé khứ hồi cho đường bay này là 6-7 triệu đồng/vé.
Đối với tuyến đường bay Hà Nội - Phú Quốc, mức vé khứ hồi của Vietnam Airlines cũng lên tới khoảng 10-13 triệu đồng, chỉ có một số chuyến bay giờ sớm hoặc đêm khuya giá 7-8 triệu đồng/vé khứ hồi. Số lượng vé phổ thông cho tuyến bay này còn rất ít.
Trong khi đó, giá vé bay Vietjet chặng Hà Nội - Phú Quốc từ 6-6,8 triệu đồng/vé khứ hồi. Với Bamboo Airways, giá vé khứ hồi cho đường bay này là 7,6 - 9,5 triệu đồng/vé.
Chị Nguyễn Thùy Dương, ngụ quận Bình Thạnh cho biết, khi các hãng bay vừa mở bán vé Tết Nguyên đán 2024, chị đã lên trang web của các hãng để "săn" vé cho cả nhà về Hà Nội trong dịp Tết này. "Tôi khảo sát giá trên các trang bán vé của các hãng như Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines... mặc dù còn vé từ 26 đến 29 tháng Chạp nhưng giá khá cao, dao động từ hơn 3 triệu đồng đến 9,5 triệu đồng/lượt. Nhìn giá vé máy bay, tôi lại đắn đo chưa dám đặt mua để tính toán lại", chị Thuỳ Dương cho biết.
Anh Đức Nghiêm (quận 3, Tp.HCM) cũng cho biết, sẽ mua vé về Hà Nội ăn Tết nhưng cho hay chưa mua vì "như dịp lễ 30/4 năm nay, mua sớm lại đắt, sau đó thấy khách ít, các hãng đồng loạt giảm mạnh giá. Mình thấy giá vé Tết mua sớm cũng đã khá cao rồi nên thử chờ thêm".
Doanh nghiệp lữ hành bị làm khó, khách quay lưng
Nhu cầu đi lại cao, giá vé máy bay những dịp lễ, Tết tăng gấp đôi, gấp 3, lên tới vài triệu đồng so với ngày thường. Điều này lập tức ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các đơn vị lữ hành, còn khách du lịch sợ hãi quay lưng với du lịch trong nước.
Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Quang Hậu, CEO Rooty Trip, dẫn chứng, đi du lịch Phú Quốc thông thường combo giá vé máy bay + phòng khách sạn khoảng 4 triệu đồng, cao điểm hè cũng chỉ 5-6 triệu đồng. Song, với mức giá cao chót vót, có thời điểm lên tới 8-10 triệu đồng/vé khứ hồi, khách không đi du lịch Phú Quốc.
Còn ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, bức xúc, hiện giá vé máy bay các dịp lễ, Tết đắt đỏ song thực tế đang lặp đi lặp lại là có tình trạng khách mua vé sớm bị đắt, mua sát giờ bay lại rẻ.
“Không rõ các hãng hàng không đặt chế độ tự động hay cố ý mà sát ngày nghỉ mới tăng rất nhiều chuyến bay với giá thấp, người mua sớm thiệt thòi, chưa kể vé máy bay còn ế ẩm. Công ty du lịch thì không dám “ôm” nhiều vé sớm, sợ thua lỗ khi giá xuống thấp; còn chờ đến lúc giá thấp thì sát ngày khởi hành quá, chúng tôi không bán được tour”, ông Đạt chia sẻ.
Rõ ràng, theo ông Đạt, giá vé máy bay cao ngất ngưởng không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch đi lại, về quê ăn Tết của đông đảo người lao động, mà còn gây thiệt hại cho ngay bản thân hãng hàng không và cả một vùng du lịch, điển hình như Phú Quốc dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua khi lượng khách sụt giảm, phòng trống la liệt, các đơn vị vận chuyển nằm chơi,...
Trong khi đó, khách lại đổ xô đi du lịch nước ngoài. Thống kê của các công ty lữ hành cho thấy, nghỉ lễ 30/4, khách mua tour đi nước ngoài chiếm tới 70%; có tour khách đạt tỉ lệ hơn 90%, thậm chí hết chỗ như đi Thái Lan, Hàn Quốc, Bali...
Xu hướng này tiếp tục diễn ra vào dịp 2/9, khi một bộ phận không nhỏ khách chọn đi du lịch nước ngoài. Tour outbound phải chia sẻ thị phần với khách nội địa.
Theo Tuổi Trẻ, số liệu mới nhất của Cục Hàng không công bố cho thấy hiện tượng khách đi nội địa bất ngờ sụt giảm trong khi khách đi quốc tế lại tăng mạnh.
Thống kê 9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng hành khách thông qua các sân bay nội địa là 89 triệu, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách bay quốc tế đạt 23,7 triệu khách, tăng tới 266,8% so với cùng kỳ năm 2022; khách nội địa chỉ 65,2 triệu khách, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhận định về du lịch dịp cao điểm Tết tới, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, nhu cầu đi du lịch trong nước là vẫn có, nhưng ông lo ngại khách sẽ cân nhắc đi nước ngoài. Họ sẽ có sự so sánh bởi Thái Lan không có Tết âm lịch, giá dịch vụ có tăng nhưng không nhiều. Còn du lịch nội địa, nếu giá vé máy bay cứ "trên trời", dịch vụ lại hạn chế do nghỉ Tết, thì viễn cảnh người Việt lại đổ xô đi du lịch nước ngoài rất dễ tái diễn, du lịch Việt Nam lại “thua ngay trên sân nhà”.
Theo tiền lệ, việc tăng chuyến trước những dịp cao điểm lễ, Tết chắc chắn sẽ xảy ra. Theo các đơn vị lữ hành, hàng không cần có kế hoạch tăng chuyến sớm hơn, giá ổn định từ đầu với nguồn cung dồi dào. Điều này không chỉ để khách có kế hoạch sớm mà còn giữ uy tín của hãng, bảo vệ lợi ích của đối tác, trong đó có lữ hành.
Cùng bàn luận về vấn đề này, ông Ung Văn Nhựt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP du lịch Mở Toàn Cầu, chia sẻ, công ty ông thường đặt series booking vé máy bay trước vài tháng hoặc cả năm để bán tour trọn gói, tour cho khách đoàn vì giá ổn định nhưng việc giá vé máy bay tăng rồi đột ngột giảm ngay sát kỳ nghỉ lễ như vừa rồi đã "làm khó" cho công ty.
Theo ông Nhựt, vé máy bay được các hãng phân bổ với rất nhiều dải giá khác nhau. Ở các nước, có loại vé giờ chót giá giảm rất mạnh nhằm kích cầu và lấp đầy công suất của máy bay. "Vì vậy tôi nghĩ nước ta cần phải quy định để tạo sự bình ổn về giá tour cho doanh nghiệp du lịch, lữ hành", ông Nhựt nói.
Cần có chính sách điều chỉnh giá vé để kích cầu du lịch
Ông Trần Minh Đức, Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa, cho hay giá vé máy bay chiếm 30 - 40% cơ cấu giá tour du lịch. Vì vậy khi giá vé máy bay dịp Tết "mềm" hơn thì giá tour sẽ giảm đi, các điểm du lịch trong nước sẽ hút khách du lịch.
Còn nếu giá máy bay tăng cao sẽ ảnh hưởng đến tâm lý du khách. Với một số địa phương bị "ế" du lịch thời gian qua là có phần do giá vé máy bay quá cao trong khi du khách có nhiều sự lựa chọn khác.
"Các hãng hàng không phải có chính sách điều chỉnh giá vé, tăng chuyến hợp lý để thúc đẩy nhu cầu của du khách dịp Tết. Bên cạnh đó địa phương, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ... phải chuẩn bị chu đáo, có các chương trình, khuyến mãi hấp dẫn để thu hút và giữ chân khách", ông Đức nói.
Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH du lịch Vina Phú Quốc, thì cho rằng, cần nghiêm túc học hỏi Thái Lan khi ngành du lịch nước này nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ “nhạc trưởng” là cơ quan Tổng cục Du lịch, cùng với sự nhất trí, đồng lòng của các đơn vị du lịch, hàng không, khách sạn, điểm mua sắm các cơ quan quản lý.
Đây là đầu mối liên kết giữa hàng không với khách sạn, các đơn vị cung cấp dịch vụ như vận chuyển, khu vui chơi,... từ đó giúp giảm giá vé máy bay, giá tour, kích cầu du lịch. Họ thu lại từ việc chi tiêu của du khách khi đến nước này. Thái Lan làm rất tốt và họ đã thành công.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Thái Lan có “nghệ thuật” thu hút khách mà Việt Nam chưa làm được, chưa kể còn thiếu sự liên kết, “mạnh ai nấy làm”, không có một chiến lược tổng thế. Như chuyện giá vé máy bay cao ngất ngưởng mỗi dịp cao điểm không chỉ gây thiệt hại cho ngành du lịch, thậm chí cho chính cả ngành hàng không, rộng hơn là nền kinh tế.
Do đó, câu chuyện du lịch Việt Nam cần có một “nhạc trưởng” lúc nào cũng cấp thiết, không bao giờ là muộn. Nói như ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cần xây dựng một cơ quan, đơn vị có trách nhiệm như một nhạc trưởng định hướng các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, dịch vụ du lịch phát triển đồng đều, giảm tác động của các biến động thị trường; định hướng cho các doanh nghiệp cùng lên, cùng xuống, cùng hòa ca để có một "dàn đồng ca" hay nhất.
Theo Tuổi Trẻ, nhiều năm nay, Thái Lan vẫn giữ được giá tour từ Việt Nam trọn gói chỉ 7-9 triệu đồng/người là bởi họ có nhiều giải pháp thực sự quyết liệt, nhất quán phát triển ngành du lịch.
Việc giảm giá vé máy bay không phải là vấn đề mới và đã được bàn thảo từ chính phủ trước của Thái Lan, dưới thời Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.
Tháng 4/2023, Cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) cho biết xem xét các nguyên nhân, yếu tố và xây dựng kế hoạch năm điểm để giải quyết vấn đề khiến hành khách bức xúc, ảnh hưởng đến ngành du lịch.
Các biện pháp này bao gồm tăng năng lực xử lý mặt đất, nới lỏng các quy tắc để tạo sự linh hoạt cho các hãng hàng không và cân nhắc chương trình trợ giá. Đặc biệt, các quan chức cho biết nên đưa ra các biện pháp khuyến khích để các hãng bay trả lại slot (lượt cất, hạ cánh) nếu không thể khai thác để phân bổ lại cho hãng khác, từ đó tăng chuyến bay hiệu quả, tăng cung.
Thái Lan đã chi đậm để kích cầu du lịch bằng hình thức trợ giá. Theo báo Bangkok Post, tháng 6/2020 Chính phủ Thái Lan đã thông qua các gói kích cầu du lịch có tên "Du lịch cùng nhau" với tổng trị giá 722 triệu USD.
Gói thứ nhất trị giá 65 triệu USD, tài trợ kỳ nghỉ cho 1,2 triệu tình nguyện viên y tế và quan chức bệnh viện cấp dưới. Gói thứ hai trị giá 600 triệu USD, hỗ trợ các cơ sở lưu trú, ăn uống và các dịch vụ được cung cấp tại điểm du lịch. Chính phủ sẽ trợ giá 5 triệu đêm lưu trú đối với khách sạn và 40% giá đối với phòng nghỉ bình thường.
Gói kích cầu thứ hai trị giá 60 triệu USD, hỗ trợ giá vé máy bay nội địa, xe khách liên tỉnh và chi phí thuê xe cho khoảng 2 triệu người. Ngoài ra, chính phủ sẽ trợ giá 2 triệu vé máy bay với hạn mức 70 USD/người... Từ năm 2020 đến 2023, Thái Lan đã nhiều lần gia hạn "Du lịch cùng nhau".
Malaysia cũng bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động kích cầu để tăng cạnh tranh về du lịch, khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải nước này đã kêu gọi các hãng hàng không trong nước điều chỉnh hoặc giảm giá vé máy bay cho mùa lễ hội sắp tới để phục vụ nhu cầu và phúc lợi của người dân.
Minh Hoa (t/h)