Thế nhưng, khi đi vào thực hiện, giáo viên gặp khá nhiều vướng mắc.
Những tâm sự của giáo viên
Một giáo viên gửi thư đến báo Tuổi Trẻ kể: "Năm học 2023 - 2024 tôi dạy lớp 4 chương trình mới. Lúc đầu, tôi xây dựng kế hoạch bài dạy là hai tiết cho hai bài. Tuy nhiên, khi dạy trực tiếp học sinh tiếp thu nhanh, tôi triển khai các bước vẫn chưa hết tiết 1. Vì vậy, tôi dạy bài 2 ở cuối tiết 1 thay vì để tiết 2. Tổ trưởng chuyên môn của trường khi dự giờ đã phê bình việc này.
Cô ấy không đồng ý điều chỉnh kế hoạch bài dạy như thế. Cô nói rằng giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy như thế nào thì phải thực hiện đúng như thế. Xin hỏi giáo viên có được phép sáng tạo trong quá trình dạy học hay không?".
Tương tự, một giáo viên khác cũng kể: "Mới đầu năm học mà tôi tâm tư quá. Tôi được tổ chuyên môn dự giờ cuối tháng 9. Trong tiết dạy môn toán lớp 8, tôi bị cháy giáo án. Bài học đó tôi dự kiến dạy trong một tiết nhưng học sinh tiếp thu hơi chậm. Vì vậy, tôi kéo dài thêm 20 phút để giảng kỹ hơn, cho học sinh vận dụng kiến thức để làm bài tập đố vui ngay trên lớp...
Thế nhưng, tổ chuyên môn cho rằng tôi sai khi để cháy giáo án. Tôi tranh luận là chương trình mới cho phép giáo viên "tùy cơ ứng biến" theo năng lực của học sinh. Nhưng cả tổ đều đồng tình với ý kiến tổ trưởng, không ai đứng về phía tôi cả, tôi rất hoang mang...".
Một giáo viên dạy văn lớp 7 ở vùng ven TP.HCM kể thêm: "Tác phẩm Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh là một tác phẩm hay. Nhưng nếu giáo viên không giảng giải, phân tích kỹ thì học sinh khó mà hiểu được. Vậy mà, sau khi dự giờ xong, hiệu trưởng bảo tôi... nói quá nhiều.
Tôi cần tích cực sử dụng các phương pháp đổi mới như cho học sinh thảo luận nhóm, thuyết trình... Tôi không đồng tình với ý kiến này bởi môn văn có đặc thù riêng của nó.
Với những tác phẩm khó, không giải thích cặn kẽ làm sao học sinh tự hiểu thông qua các trò chơi được. Môn văn mà bài nào cũng thuyết trình, thảo luận nhóm đôi khi lại gây tác dụng ngược. Tôi không đồng tình nhưng không dám cãi. Các giáo viên trong tổ thì khuyên tôi nên làm theo gợi ý của hiệu trưởng cho yên thân".
"Đối phó thì được, làm thật không thể"
Trong một cuộc tập huấn cấp trường ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) do hiệu trưởng chủ động mời chuyên gia hỗ trợ, khi được khích lệ nói ra băn khoăn, vướng mắc của mình, nhiều giáo viên đã lên tiếng. "Tôi thấy có những bài không thể dạy trong một tiết mà đủ, chưa kể yêu cầu cho học sinh hoạt động, phải đổi mới phương pháp để phát huy tính tích cực của học sinh. Nếu làm kiểu hình thức đối phó thì được, chứ làm thật thì không thể" - một giáo viên phát biểu.
Khá nhiều giáo viên đặt câu hỏi: Chúng tôi có được thoát ly sách giáo khoa (SGK) thật không? Giáo viên có được dạy dựa trên bài soạn giảng của riêng mình mà không phải theo đúng trình tự, cách làm, kiến thức trong SGK? Và chuyên gia nói: "Có thể".
Cô hiệu trưởng chia sẻ: Có dự và trực tiếp làm mới thấy giáo viên vướng thế nào và đem những cái vướng đó nhờ chuyên gia, nhà quản lý cấp trên giải đáp. Chứ trong các đợt tập huấn của bộ, sở giáo viên chưa ngấm để có thể đặt câu hỏi. Thêm vào đó rất nhiều vướng mắc khiến họ không dám thay đổi.
"Tôi nói các đồng chí cứ làm, tôi chịu trách nhiệm. Có lời đó, tôi cảm nhận giáo viên mới dám làm. Nhưng cũng không dễ dàng. Trong năm đầu thực hiện chương trình mới, số giáo viên có thể thực sự thoát ly SGK, chủ động trong sử dụng nguồn tài liệu, phương pháp dạy học chỉ tầm 10 - 15%. Số cố gắng làm tròn vai khoảng trên 50%, còn nhiều trường hợp chưa đạt" - vị hiệu trưởng chia sẻ.
Phải thay đổi từ tổ chuyên môn
Cô Vũ Thị Thu Hà - hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - cho biết để giáo viên có thể chủ động, linh hoạt nhưng vẫn không lo chệch ra ngoài yêu cầu của chương trình thì tổ chuyên môn phải làm việc tích cực hơn so với trước đây.
Theo cô Thu Hà, chương trình giáo dục nhà trường được xây dựng dựa trên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các điều kiện về nhân lực, phòng học, trang thiết bị dạy học và mục tiêu cụ thể ở mỗi năm học. Từ chương trình tổng thể, các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch chi tiết để hình dung trong mỗi môn học sẽ có các chủ đề dạy học tích hợp trong môn, liên môn nào, bài nào dạy thực hành, tổ chức hoạt động trải nghiệm...
Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Minh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), việc đổi mới cần đồng bộ, có hệ thống, không chỉ đổi mới việc dạy học của giáo viên mà còn cần có sự đổi mới trong khâu quản lý, kiểm tra đánh giá... Trên thực tế, mặc dù Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khuyến khích phát huy tính chủ động, sáng tạo của giáo viên nhưng nhiều cấp quản lý vẫn không cho phép giáo viên được điều chỉnh, lựa chọn các phương án dạy học khác.
Với môn ngữ văn, Bộ GD-ĐT đã ra công văn số 3175 hướng dẫn về đổi mới cách đánh giá học sinh theo hướng tập trung vào các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào bối cảnh và ngữ liệu mới, tránh dùng lại các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu kiểm tra. Thế nhưng nhiều nơi vẫn "tiết lộ" trước để giáo viên cho học sinh ôn tập, học thuộc.
Việc đổi mới vì thế vẫn đang sa vào hình thức. Nếu khơi thông được những điểm ách tắc này thì sẽ giải phóng được sức sáng tạo của giáo viên và khiến đổi đổi mới giáo dục đi vào thực chất.
Không thể "tự bơi"
Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng trong các nhà trường, ngoài vai trò của hiệu trưởng, tổ chuyên môn đóng vai trò rất quan trọng để tạo được một môi trường cho giáo viên dám chủ động, sáng tạo. Giáo viên không thể "tự bơi" trong một môi trường bị bó chặt bởi sự chỉ đạo, kiểm soát cứng nhắc từ cấp trên.
"Cực nhất khi có đoàn kiểm tra"
"Cực nhất là có đoàn kiểm tra. Có những bài đã dạy nhưng chưa đúng mẫu do giáo viên muốn phá cách, thay đổi để đỡ nhàm chán, khi có đoàn kiểm tra, giáo viên phải thức đêm chép lại giáo án cho đúng mẫu" - cô H., một giáo viên THCS ở Hải Phòng, nói. Một số giáo viên cho biết bình thường có thể không áp dụng đúng hướng dẫn của SGK vì thấy không cần, nhưng khi có dự giờ lại luôn phải tuân thủ. Giáo viên tuân thủ rồi bắt học sinh tuân thủ.
Dạy môn tích hợp ở chương trình giáo dục mới tiếp tục là đề tài bàn tán sôi nổi của bạn đọc. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem lại, bởi không chỉ gây khó cho giáo viên mà học sinh cũng khốn khổ.