Ngày 4/10, thông tin từ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, thời gian gần đây, mặc dù các cơ quan chức năng và các cơ quan tuyền thông liên tục phát đi cảnh báo phương thức thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm công nghệ cao, nhưng không hiểu vì sao nhiều người vẫn dễ dàng "sập bẫy". Điều đáng nói, bên cạnh đa số nạn nhân là những người thiếu hiểu biết bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng, đe dọa, uy hiếp thì vẫn còn có một số người am hiểu nhất định về pháp luật, lĩnh vực tài chính nhưng vẫn bị lừa đảo.
Một nạn nhân cho biết, cho đến bây giờ người này vẫn không hiểu vì sao mình lại dễ dàng bị lừa như vậy. Theo chị trình bày, khi đang làm kế toán cho một công ty thì chị nhận được lời mời chào đầu tư Prudential chứng chỉ quỹ với mức lợi nhuận hấp dẫn từ Zalo. Vì chủ quan và tin tưởng vào lời mồi chào ngon ngọt, chị đã tham gia đầu tư để thu lời theo hướng dẫn của số đối tượng lừa đảo này.
Video: Bóc mẽ thủ đoạn lừa đảo chiếm hàng trăm triệu đồng qua mạng.
Cũng theo nạn nhân này, từ việc đầu tư 100.000 đồng thu liền lợi nhuận 130.000 đồng, đầu tư 1.000.000 đồng thu vào hơn 1.300.000 đồng, nghĩ rằng dễ dàng kiếm lợi nhuận khủng từ đầu tư online chị đã sa vào bẫy của số đối tượng lừa đảo này từ khi nào không hay cho đến khi chị chuyển cho các đối tượng số tiền gần 600 triệu đồng tiền đầu tư thì chị mới vỡ lẽ đây chỉ là chiêu thức lừa đảo trên không gian mạng.
Tương tự, một nạn nhân khác chia sẻ, dù sự việc đã diễn ra khá lâu nhưng đến giờ nhắc lại chị vẫn hết sức bàng hoàng và dằn vặt lương tâm. Bởi vì một hpút thiếu suy nghĩ, cả tin chị không những làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân mà còn làm đảo lộn mọi thứ trong gia đình. "Vì lên mạng xã hội tìm dịch vụ làm việc tại nhà mà không tìm hiểu kỹ nên tôi đã bị lừa mất gần 400 triệu đồng", nạn nhân này thông tin thêm.
Theo cơ quan công an, qua các vụ việc liên quan lừa đảo đầu tư online, làm việc tại nhà số đối tượng lừa đảo này khi biết cá mắc câu nạn nhân đầu tư số lượng tiền lớn thì chúng ngụy tạo nhiều lý do không cho nạn nhân rút tiền, cung cấp số tài khoản sai, đưa ra hệ thống lỗi, đặt sai lệnh, yêu cầu nạn nhân quỵ tiền vào nếu muốn rút vốn và lãi để tiếp tục chiếm đoạt. Đâm lao thì phải theo lao, vì tiếc tiền nạn nhân ngày càng bị dẫn dắt, sa vào bẫy lừa đảo và giăng sẵn của số đối tượng này trên không gian mạng.
Từ những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, liều lĩnh và hết sức nguy hiểm này, cơ quan Công an Thừa Thiên-Huế khuyến cáo, người dân cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác với loại tội phạm lừa đảo công nghệ cao, đặc biệt là khi tiếp cận môi trường mạng xã hội.
Thượng tá Mai Văn Toàn, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, qua công tác đấu tranh, đơn vị nhận thấy các đối tượng thường mạo danh cơ quan chức năng như: Cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, quân nhân... rồi làm quen qua mạng xã hội, tỏ tình yêu đương, hứa hẹn tặng quà có giá trị rất lớn rồi yêu cầu các nạn nhân chuyển các loại phí để nhận quà và sau đó chiếm đoạt.
"Ngoài ra, các đối tượng còn tạo một đường link có giao diện giả với giao diện của các cơ quan, doanh nghiệp hoặc các chương trình phát sóng trên vô tuyến và lợi dụng các công ty tài chính, tập đoàn kinh tế lớn ở nước ngoài để mời gọi đầu tư online trên không gian mạng với lợi nhuận rất cao", thượng tá Toàn nhấn mạnh.
Công Định - Kim Quí