vĐồng tin tức tài chính 365

Liệu Nhật Bản có can thiệp thị trường ngoại hối?

2023-10-05 12:02

Sau khi rơi xuống mức thấp nhất 1 năm so với đồng USD trong phiên ngày 3/10, đồng Yen Nhật hiện đã tạm ổn định trở lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10 tại thị trường New York, tỷ giá dừng ở mức 149,04 Yen đổi 1 USD.

Trên thực tế, Nhật Bản hiếm khi can thiệp vào thị trường ngoại hối, tuy nhiên với việc đồng Yen ngày càng giảm mạnh, cơ quan tài chính của Nhật Bản được cho là sẽ phải có hành động để hỗ trợ đồng nội tệ này. Mốc can thiệp được dự đoán là khi đồng Yen giảm xuống mức 150 Yen đổi 1 đồng bạc xanh.

Đồng Yen của Nhật Bản tiếp tục giảm khi mà chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn tiếp tục được thực hiện, trong khi Mỹ có khả năng sẽ duy trì chính sách lãi suất cao trong thời gian tới. Hãng thông tấn Jiji cho biết, trên thị trường ngoại hối Tokyo ngày 4/10, đồng Yen đã tăng lên mức 148,9 Yen đổi 1 USD.

Trước đó, đồng Yen giảm xuống 150 Yen đổi 1 USD trong thời gian ngắn, sau đó quay đầu tăng mạnh lên mức 147 Yen đổi USD. Các chuyên gia đánh giá, có thể đã có sự can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng cách mua đồng Yen bán đồng USD hoặc Ngân hàng Trung ương đã thực hiện kiểm tra tỷ giá.

Liệu Nhật Bản có can thiệp thị trường ngoại hối? - Ảnh 1.

Đồng Yen của Nhật Bản. (Ảnh: istock)

Trên báo Sankei, ông Hideo Kumano - nhà kinh tế trưởng của viện nghiên cứu Daiichi cho rằng đã có sự can thiệp. Chính phủ Nhật Bản dự định công bố gói các biện pháp kinh tế vào cuối tháng, một trong những ưu tiên của gói các biện pháp này là đối phó lạm phát. Đồng Yen yếu sẽ làm tăng giá năng lượng, thực phẩm, ảnh hưởng đến ngân sách hộ gia đình. Nếu chính phủ không can thiệp và để đồng Yen mất giá, hiệu quả biện pháp kinh tế có thể giảm đi một nửa.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Higashi Fukasawa thuộc viện nghiên cứu và công nghệ Mizuho cho rằng, hiệu quả can thiệp chỉ là tạm thời khi nền kinh tế Mỹ vẫn giữ nguyên việc tăng lãi suất, xu hướng đồng Yen sẽ tiếp tục yếu hơn đồng USD do chênh lệch lãi suất ngày càng lớn giữa Mỹ và Nhật Bản. Do đó, chính phủ Nhật Bản cần phải tối đa hóa tác động của các biện pháp can thiệp của mình để mang lại hiệu quả.

Báo Nikkei cho biết, hiện lãi suất dài hạn của Nhật Bản đã tạm thời tăng lên 0,805% - mức cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, hiện chênh lệch lãi suất dài hạn của Mỹ và Nhật Bản là 3,9% - mức chênh lệch lớn nhất kể từ thời điểm mà Nhật Bản can thiệp thị trường ngoại hối vào năm ngoái. Sự khác biệt lớn trong chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục gây ra xu hướng giảm giá của đồng Yen.

Chính phủ Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối chủ yếu là để ngăn chặn đầu cơ khi đồng Yen rẻ. Bên cạnh đó là kiềm chế các tác động của tỷ giá đến lạm phát. Thống kê của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản tuần qua cho thấy chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng Yen yếu hỗ trợ tâm lý kinh doanh tại Nhật Bản

Việc đồng Yen tiếp tục có xu hướng giảm giá sẽ gây ra những tác động khác nhau lên nền kinh tế Nhật Bản. Một mặt, điều này sẽ khiến chi phí nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, làm gia tăng áp lực lạm phát, và ảnh hưởng đến tăng trưởng. Bởi kinh tế Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung năng lượng và nguyên liệu thô nhập khẩu. Chính phủ Nhật ngày 4/10 cho biết, đang tính toán các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ứng phó với chi phí nhập khẩu tăng cao.

Tuy nhiên, có vẻ như các doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản vẫn cảm thấy hài lòng với tình hình này. Kết quả cuộc khảo sát hàng quý mới nhất, vừa được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố hồi đầu tuần cho thấy, đồng Yen yếu là một trong những yếu tố đã góp phần cải thiện tâm lý kinh doanh tại các doanh nghiệp lớn.

Tâm lý kinh doanh trong ngành sản xuất và phi sản xuất đều ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong quý III, khi đồng yen yếu giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng, khiến giá hàng hóa và dịch vụ trở nên cạnh tranh hơn với khách hàng nước ngoài.

Đơn cử như trường hợp của hãng xe Toyota, cứ mỗi khi đồng tiền Nhật Bản giảm 1 Yen so với USD, lợi nhuận hoạt động của hãng sẽ tăng thêm khoảng 300 triệu USD.

Viện nghiên cứu Daiwa cũng ước tính, việc đồng Yen mất giá 10% sẽ khiến lợi nhuận trước thuế tăng gần 5% trong lĩnh vực sản xuất và khoảng 1% trong lĩnh vực phi sản xuất tại Nhật Bản.

Du lịch, bất động sản Nhật Bản hưởng lợi từ đồng Yen yếu

Những ngành đang cảm nhận khá rõ tác động từ những thay đổi trên thị trường tiền tệ có thể kể đến du lịch hay bất động sản. Sự suy yếu của đồng Yen đang thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài tìm đến Nhật Bản để tham quan, mua sắm và đầu tư.

Tại một cửa hàng ở quân Shibuya, Tokyo, nhiều du khách Mỹ đang thoải mái mua sắm. Việc đồng USD mạnh hơn so với đồng Yen đã củng cố sức chi tiêu của họ trong chuyến du lịch đến đất nước mặt trời mọc.

"Rất nhiều bạn bè của tôi từ Hawaii đã tới Nhật Bản, bởi đồng USD hiện đang mạnh hơn đồng Yen rất nhiều. Nó giống như sự khác biệt giữa ngày và đêm vậy. Với mức lạm phát hiện nay tại Mỹ, bạn biết đấy mọi thứ đều đắt đỏ. Còn đến Nhật Bản rẻ hơn rất nhiều", anh John Hardisty - Du khách Mỹ cho biết.

Liệu Nhật Bản có can thiệp thị trường ngoại hối? - Ảnh 2.

Du khách chụp ảnh trên con đường lát đá dành cho người đi bộ ở Kyoto, Nhật Bản, ngày 11/10/2022. Ảnh: afp.com.

Ông Ken Cummings - Du khách Mỹ nói: "Thật tuyệt vời vị mọi thứ ở Nhật Bản gần như không đắt đỏ như ở Mỹ và bạn biết đấy giá cả tại Mỹ ngày càng cao hơn. Còn ở đây, tôi nhận thấy mọi thứ không như vậy".

Việc chi phí du lịch trở nên phải chăng hơn đã thúc đẩy lượng du khách tới Nhật Bản. Các số liệu thống kê cho thấy, đồng Yen yếu đã góp phần trong việc thu hút 2,16 triệu lượt khách nước ngoài tới Nhật Bản trong tháng 8, bằng khoảng 86% so với mức trước đại dịch.

Một lĩnh vực khác cũng đang hưởng lợi lớn là bất động sản. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu và tư vấn bất động sản CBRE, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản Nhật trong nửa đầu năm nay đã tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ lợi thế lãi suất thấp và đồng Yen yếu.

Ông Henry Chin - Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Công ty CBRE cho biết: "Đây là một thời kỳ hoàng kim của bất động sản Nhật Bản. Thị trường nhà đất tại đây đang hưởng lợi từ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng giữa lúc nhiều nền kinh tế khác vẫn còn ở trong chu kỳ thắt chặt".

Các chuyên gia kỳ vọng, đồng Yen yếu sẽ tiếp tục là yếu tố thu hút khách du lịch tới Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy hoạt động đầu tư hơn nữa vào thị trường bất động sản trong vài quý tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.66622510150013202-ioh-iaogn-gnourt-iht-peiht-nac-oc-nab-tahn-ueil/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Liệu Nhật Bản có can thiệp thị trường ngoại hối?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools