Đây là một hệ thống hầu như không thay đổi kể từ thế kỷ 19. Nhưng sự phụ thuộc vào các mảnh giấy được chuyển từ bên này sang bên khác đã trở thành điểm yếu đối với các công ty vận chuyển và các bên tài trợ trên toàn cầu.
Trong một trường hợp nổi bật, ngân hàng ING Groep NV đã phát hiện vào năm 2020 rằng họ đã nhận được vận đơn giả – chứng từ vận chuyển chỉ định chi tiết hàng hóa và chuyển nhượng quyền sở hữu – để đổi lấy việc cấp tín dụng cho Tập đoàn Agritrade Resources của Singapore. Trong một vụ tranh chấp khác, HSBC và các ngân hàng khác đã mất 3 năm tranh chấp pháp lý để thu hồi khoảng 3,5 tỷ USD từ công ty kinh doanh nhiên liệu Hin Leong bị phá sản, công ty bị các công tố viên cáo buộc sử dụng “tài liệu giả mạo hoặc bịa đặt” khi xin cấp tín dụng.
Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) ước tính rằng, ít nhất 1% giao dịch trên thị trường tài trợ thương mại toàn cầu, tương đương khoảng 50 tỷ USD mỗi năm là lừa đảo. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các ngân hàng, công ty hàng hoá và các bên khác đã thiệt hại ít nhất 9 tỷ USD thông qua các tài liệu giả mạo chỉ riêng trong ngành hàng hóa trong thập kỷ qua.
Neil Shonhard, giám đốc điều hành của nền tảng chống gian lận MonetaGo cho biết: “Đây là loại lừa đảo dễ thực hiện nhất, hoặc làm giả tài liệu hoặc gửi bản sao tới ngân hàng nào đó mà họ không trao đổi với nhau”.
ICC cho biết trong một báo cáo năm 2022 rằng, có tới 2,5 tỷ USD trong số tổn thất do gian lận năm đó cuối cùng đã trở thành tổn thất cho các ngân hàng - được phát hiện do các cú sốc giá hàng hóa hoặc các sự kiện bên ngoài khác.
Các hình thức khác
Một số ý kiến cho rằng các nền tảng trực tuyến đã tồn tại có thể bảo mật, lưu trữ và chuyển giao tài liệu, khiến các ngân hàng ít có khả năng nhận được vận đơn đã được chỉnh sửa hoặc các tài liệu khác, chẳng hạn như hóa đơn cho hàng hóa thậm chí có thể không tồn tại hoặc chứa đầy đá giả dạng là kim loại quý có giá trị. Họ lập luận rằng việc hack trực tuyến vẫn là một rủi ro, nhưng khó thực hiện hơn nhiều so với việc sao chép các mảnh giấy.
Các hãng vận tải container có thể tiết kiệm tới 6,5 tỷ USD chi phí trực tiếp mỗi năm nếu họ chuyển sang áp dụng hoàn toàn vận đơn điện tử - Nghiên cứu của McKinsey
Số hóa cũng mang lại tiềm năng thúc đẩy cho doanh nghiệp. Một nghiên cứu của McKinsey dựa trên các cuộc phỏng vấn trong ngành và dữ liệu từ các hãng vận tải đã ước tính rằng, việc áp dụng vận đơn điện tử sẽ giúp tăng thêm khối lượng thương mại toàn cầu lên tới 40 tỷ USD thông qua giảm xung đột thương mại, đặc biệt là đối với các thị trường mới nổi.
Lý thuyết là trong tương lai, các ngân hàng có thể dễ dàng tài trợ giao dịch cho các đối tác nhỏ hơn, tiềm ẩn rủi ro hơn nếu họ thực hiện mọi việc bằng kỹ thuật số. McKinsey cho biết, các hãng vận tải container có thể tiết kiệm tới 6,5 tỷ USD chi phí trực tiếp mỗi năm nếu họ chuyển sang áp dụng hoàn toàn vận đơn điện tử.
David Dierker, chuyên gia cấp cao của McKinsey cho biết: “Chúng tôi tin rằng chỉ với một vài nỗ lực nhỏ, mọi người trong hệ sinh thái này đều có thể tiến ra ngoài kia và gặt hái những lợi ích này”.
Mặc dù chưa đến 2% thương mại toàn cầu được giao dịch thông qua các phương tiện kỹ thuật số, nhưng điều đó sẽ thay đổi. Trong số 10 hãng tàu container hàng đầu thế giới, 9 hãng - chiếm hơn 70% vận tải container toàn cầu - đã cam kết số hóa 50% vận đơn trong vòng 5 năm và 100% vào năm 2030. Một số công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới bao gồm BHP Group Ltd., Rio Tinto Group, Vale SA và Anglo American Plc đã lên tiếng ủng hộ một chiến dịch tương tự trong ngành vận tải hàng rời.
Rào cản với hình thức mới
Rào cản lớn nhất đối với việc mở rộng này là vấn đề pháp lý. Các ngân hàng, công ty hàng hoá, công ty bảo hiểm và công ty vận tải đã có đủ phương tiện để chuyển sang kỹ thuật số, nhưng cho đến nay vận đơn bằng giấy là tài liệu duy nhất được luật pháp ở Anh công nhận trao cho chủ sở hữu quyền sở hữu hàng hóa. Ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm sẽ không chi trả cho một giao dịch không an toàn về mặt pháp lý và nếu không có nguồn tài chính thì các giao dịch khó có thể xảy ra.
Để giải quyết vấn đề đó, Anh đã thông qua Đạo luật Tài liệu Thương mại Điện tử vào tháng 7, quy định các tài liệu kỹ thuật số có quyền hạn pháp lý tương tự như tài liệu giấy. Luật ở Anh về chứng từ thương mại đã có từ nhiều thế kỷ trước. Chúng đã củng cố khoảng 90% hàng hóa toàn cầu và các hợp đồng thương mại khác. Vì vậy, việc thay đổi luật của Anh chính là một bước tiến lớn.
Singapore cũng đã tạo ra một khung pháp lý tương tự vào năm 2021 để tiến hành các giao dịch vận đơn điện tử đầu tiên vào năm 2022. Dự kiến sẽ có luật tương tự ở Pháp vào cuối năm nay.
Các ngân hàng, công ty hàng hoá, công ty bảo hiểm và công ty vận tải đã có đủ phương tiện để chuyển sang kỹ thuật số, nhưng cho đến nay vận đơn bằng giấy là tài liệu duy nhất được luật pháp ở Anh công nhận trao cho chủ sở hữu quyền sở hữu hàng hóa.
Thử thách tiếp theo sẽ là buộc các công ty thay đổi các quy trình đã tồn tại hàng trăm năm. Nhưng giao dịch bằng giấy tờ là thứ mà mọi người đều hiểu và trong khi các doanh nghiệp có thể vui vẻ tham gia vào khối lượng giao dịch kỹ thuật số đó, thì rất ít doanh nghiệp muốn trở thành người đầu tiên thực hiện các bước theo hướng này.
Lynn Ng, giám đốc về Chuỗi Giá trị Bền vững tại ING cho biết: “Để điều này có hiệu quả, nó yêu cầu tất cả chúng ta phải áp dụng các tiêu chuẩn dữ liệu giống nhau để có thể giao tiếp hiệu quả hơn nhằm cho phép xác minh theo cách thực sự có thể tương tác”.
Công ty kinh doanh hàng hoá Trafigura Group cho biết: “Chúng tôi tin rằng đây là một trong những giải pháp giúp giảm gian lận chứng từ”.
Hiện tại, khi một lô hàng cà phê được vận chuyển từ Brazil đến một nhà máy rang xay như Illycaffe SpA ở châu Âu, việc in ấn sẽ diễn ra một cách rầm rộ. Ba vận đơn giống hệt nhau cần được xuất trình và dần dần được vận chuyển giữa người bán, ngân hàng và người mua, dừng lại ở các công ty luật và nhà tư vấn để đảm bảo quyền lợi cho hàng hóa trong suốt hành trình 20 ngày. Ngoài ra còn có hóa đơn giấy, giấy chứng nhận phân tích và các tài liệu bổ sung để đo trọng lượng, xuất xứ, bao bì, độ ẩm...
Do đó, không thể tính toán chính xác có bao nhiêu tài liệu được in cho một lộ trình thương mại nhất định nhưng Brazil xuất khẩu hơn 900.000 tấn cà phê sang Liên minh châu Âu mỗi năm, điều đó tốn rất nhiều giấy tờ. McKinsey ước tính rằng, ít nhất 28.000 cây mỗi năm có thể được cứu bằng cách giảm giấy tờ trong vận chuyển container.
Cùng với việc cung cấp thông tin chi tiết về hàng hóa, điểm đến và nguồn gốc, các tài liệu này còn cung cấp cho chủ sở hữu quyền sở hữu đối với bất kỳ thứ gì đang được vận chuyển, điều quan trọng là buộc các công ty vận tải phải chịu trách nhiệm về bất kỳ thiệt hại hoặc mất mát nào có thể xảy ra hoặc thực sự là cung cấp cho các ngân hàng và công ty bảo hiểm một số lợi ích đảm bảo an ninh khi cung cấp hàng trăm triệu đô la để tài trợ cho một chuyến hàng.
Quy trình sẽ bao gồm nhiều bước bắt đầu khi đại lý chuẩn bị vận đơn và nhận được xác nhận rằng tất cả các chi tiết đều chính xác từ người bán, chủ tàu, trung gian và người mua cuối cùng. Sau đó hàng sẽ được xếp lên tàu và vận đơn gốc được chủ tàu phát hành có chữ ký của thuyền trưởng. Ba vận đơn gốc sẽ được phát hành cho người bán - trong ví dụ ở Brazil là nhà sản xuất cà phê - họ sẽ chuyển chúng đến ngân hàng tài trợ của mình cùng với các chứng từ bổ sung để nhận thanh toán. Ngân hàng của công ty cà phê sẽ xác nhận vận đơn bằng cách viết vào mặt sau của vận đơn.
Các công ty khởi nghiệp dịch vụ kỹ thuật số như Vakt và ICE Digital Trade mang đến cơ hội chuyển giao thương mại và các tài liệu tài chính khác bằng điện tử. Nhà cung cấp giải pháp vận đơn điện tử Bolero đã làm điều đó từ những năm 1990. Các công ty dầu mỏ lớn như BP Plc và Shell Plc, các nhà giao dịch như Gunvor Group và các ngân hàng bao gồm Société Générale SA có cổ phần tại Vakt, trong khi Intercontinental Exchange đã mua essDOCS vào năm ngoái với kỳ vọng rằng hoạt động chuyển đổi trực tuyến sẽ tăng tốc.
Nhưng việc thiếu các ví dụ công khai làm nổi bật cuộc chiến khó khăn trong việc áp dụng hoàn toàn vận đơn điện tử. Trafigura đã sử dụng essDOCS cho một chuyến hàng quặng sắt của Úc vào năm 2014. Hãng tàu Wan Hai đã sử dụng vận đơn điện tử của Bolero cho hoạt động buôn bán sợi polyester sang Trung Quốc vào năm 2018.
Tỷ lệ tiếp nhận thấp này phần lớn là do tiếp tục thiếu sự công nhận về mặt pháp lý ở nhiều khu vực pháp lý và ngân hàng - nơi tài trợ cho hàng hóa quá cảnh - nhưng sẽ không chấp nhận vận đơn điện tử làm tài sản thế chấp trong hầu hết các trường hợp. Những người ủng hộ nói rằng, cải cách luật pháp của Anh sẽ thay đổi điều đó.