Viết bài này, tôi cũng như xin thay nén nhang thắp cho anh, những hình ảnh cuối cùng tôi được chụp trước khi người lính trấn thủ biên cương hy sinh ở nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
1 Mùa thu năm 2008, tôi có chuyến đi viết ký sự sông Hồng. Từ cửa sông Ba Lạt (Thái Bình), hành trình ngược lên nơi thượng nguồn trường giang từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam ở biên viễn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai.
Chiều thu ấy, tôi gửi xe máy ở nhà một người dân tộc Dao, đi bộ xuống triền dốc thoai thoải đầy lau lách để tìm đến điểm đầu sông Hồng nhập dòng suối Lũng Pô. Đang mải mê chụp mấy tấm hình đoạn sông chia đôi màu nước xanh - hồng kỳ lạ, tôi bỗng giật mình vì có người vỗ nhẹ vai từ phía sau. Thì ra một anh lính biên phòng vừa xuất hiện từ đám cỏ lau mà tôi cũng đã băng qua.
Người lính trẻ dáng gầy gầy, da ngăm đen, vui vẻ hỏi trước: "Anh từ TP.HCM ra đây du lịch à?". "Sao anh biết tôi ở trong đó?" - tôi ngạc nhiên vì lúc này mới cất giọng miền trong mà người lính đã đoán ra trước. "Do em nhìn thấy xe máy biển số 50 TP.HCM của anh", anh lính biên phòng thân thiện trả lời. Còn tôi cũng không rõ anh ta phát hiện ra xe của mình từ lúc nào, bởi tôi đã gửi ở nhà dân cách bờ sông gần cả cây số.
Tuy nhiên, điều làm tôi thú vị nhất là ngay lúc ấy cả chục đứa trẻ lại bất ngờ thò lò chui ra từ bãi lau lách um tùm cao quá đầu chúng. Trông thấy anh lính biên phòng đang mặc quân phục cầm súng AK đi tuần, chúng hào hứng rộ lên: "Chào chú Duẩn", "Chú Duẩn ơi, đi chơi đi", "Tắm sông không chú?"... Bọn trẻ vui vẻ nhào tới chơi cùng anh lính với sự thân thiện đã quen biết nhau từ lâu.
Sẵn máy ảnh đang cầm trên tay, tôi bấm luôn một loạt. Những hình ảnh vô cùng chân thật, hồn nhiên về khoảnh khắc thân mật của người lính biên phòng và trẻ em nơi sông Hồng chảy vào đất Việt, mà không hề có bất cứ sự cố ý sắp xếp nào. Tôi còn chụp được cả cảnh bọn trẻ đi tung tăng thành hàng dài phía sau anh lính như cùng bước tuần tra biên giới. Có bé còn níu áo rủ "chú Duẩn tắm sông với tụi con", nhưng anh thân thiện từ chối vì đang trên đường thực hiện nhiệm vụ...
Cuộc đời làm báo rong ruổi nhiều nơi, tôi được chụp không ít hình ảnh về những người trấn thủ biên cương, nhưng đây là loạt ảnh mà tôi thích nhất và nhớ nhất. Tất cả đều là tình cờ, từ tôi tình cờ gặp anh lính ở bờ sông Hồng địa đầu, đến những đứa trẻ miền sơn cước tình cờ gặp chú lính thân thiện. Khung cảnh tự nhiên, vui vẻ ở nơi dòng sông huyền thoại chia đôi màu nước.
2 Sau khi xem giấy giới thiệu có chữ ký của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai, người lính biên phòng vui vẻ cho tôi nhập hội cùng anh và bọn trẻ đi dọc bờ sông suốt cả buổi chiều hôm đó. Đến lúc này thì tôi đã được biết rõ hơn về người lính trấn thủ.
Anh là trung úy Trần Văn Duẩn, trưởng trạm biên phòng Lũng Pô. Sinh năm 1982, Duẩn và tôi là đồng hương ở làng quê Nghĩa Hưng, Nam Định. Và một điều thú vị nữa là Duẩn khoe với tôi đang dựng nhà để chuẩn bị cưới vợ - cô giáo cắm bản Nguyễn Vân Chi. Tổ ấm của họ là ngôi nhà nhỏ dưới triền núi gần trạm biên phòng Lũng Pô, được chính đồng đội Duẩn và đồng bào bản làng góp sức...
Suốt buổi chiều hôm ấy, trung úy Duẩn đã nhiệt tình giúp đỡ tôi tác nghiệp. Anh dẫn tôi lên điểm cao để được nhìn ngắm và hiểu rõ vì sao nơi sông Hồng chảy vào đất Việt lại phân rõ hai màu nước xanh - hồng ở hai nửa đoạn sông. Từ dãy núi đá chập chùng từ tỉnh Lai Châu, con suối lớn mang tên Lũng Pô chảy qua đại ngàn đổ về biên viễn Lào Cai rồi nhập dòng Hồng Hà bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Và ở đoạn đầu này, có thể nhìn thấy rõ sông Hồng phân đôi màu nước rõ rệt. Màu xanh phía bên bờ Việt Nam từ nguồn nước suối Lũng Pô, còn màu nước hồng thì thượng nguồn Trung Quốc chảy xuống và ở nửa sông gần bờ bên kia...
"Nhiều du khách dưới xuôi đã lên tận đây để xin thần sông chai nước hai màu độc đáo này đấy. Anh có thích thì tôi giúp lấy cho", Duẩn vui vẻ hỏi. Sau đó, anh tiếp tục dẫn tôi lên cột mốc biên giới số 92, tọa độ nơi con sông Hồng huyền thoại xuôi chảy vào Tổ quốc Việt Nam. Anh lính trẻ xúc động tâm sự đây là nơi thiêng liêng mà những người trấn thủ biên cương như anh sẵn sàng hy sinh để bảo vệ. Không hiểu lúc ấy anh đã có linh cảm gì...
3 Thế rồi ba ngày ở lại Lũng Pô, tôi còn được rất nhiều dịp gần gũi với Duẩn. Anh dẫn tôi ghé thăm ngôi nhà của vợ chồng sắp cưới và nói mai mốt tôi lên lại thì có thể nghỉ ở nhà này. Cùng Duẩn vào thăm dân bản, tôi cảm nhận đồng bào rất thân quý anh. Họ trò chuyện với anh như người cùng gia đình về con trâu bị lạc, mùa khóm được giá, cậu con trai mới nhập ngũ.
Có một kỷ niệm nữa mà tôi cũng không thể nào quên là buổi sáng hôm chia tay, Duẩn đã dẫn tôi lên thắp nhang ở đài bia liệt sĩ A Mú Sung - nơi 30 người trai nước Việt đã hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc mình vào năm 1979. Không ngờ 32 năm sau, địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc lại có thêm một liệt sĩ nữa là trung úy Trần Văn Duẩn.
Anh hy sinh đêm 16-2-2011 ngay trên sông Hồng nơi anh đang làm nhiệm vụ chặn thuyền lạ xâm nhập qua đường phân thủy biên giới. Đây cũng chính là đoạn sông mà tôi đã chụp được loạt ảnh cuối cùng về người lính trẻ nô đùa cùng trẻ thơ nơi biên viễn của Tổ quốc mình.
Những bức ảnh "rất đời" của người lính mà tôi sẽ mãi mãi không thể nào quên!
-------------------
Bức hình lịch sử chụp bến sông Sài Gòn, ghi năm 1859. Hình ảnh trung tâm là ngôi nhà tranh lớn nhưng xung quanh đầy vẻ hiu quạnh. Người chụp là Paul Emile Berranger - nhà nhiếp ảnh tháp tùng Hải quân Pháp trên đường xâm lược.
Kỳ tới:Sài Gòn lên ảnh đầu tiên
Xem bức ảnh này, có thể bạn chẳng thấy gì đặc biệt. Một vẻ đẹp hoang dã của con người Tây Nguyên vẫn thường bắt gặp trên các trang báo mỗi ngày. Nhưng hóa ra không chỉ có như vậy.